Dự báo tăng trưởng kinh tế GRDP Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024 đạt từ 7,1 đến 8%

Ngày 4/1/2024, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) và Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm ra mắt “Báo cáo Kinh tế vĩ mô Thành phố Hồ Chí Minh: Kết quả 2023 và Dự báo 2024”.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đông Phong, Chủ tịch Hội đồng UEH chia sẻ, báo cáo kinh tế vĩ mô Thành phố Hồ Chí Minh sẽ là công cụ hữu ích cho lãnh đạo thành phố trong quá trình xây dựng, điều hành chính sách phát triển kinh tế xã hội của thành phố.

Đồng thời, đây cũng là nguồn tài liệu tham khảo cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước để có thêm thông tin định hướng đầu tư, mở rộng thị trường trong chiến lược phát triển kinh doanh tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đông Phong phát biểu khai mạc buổi tọa đàm (Ảnh: V.D)

Theo ban tổ chức tọa đàm, đây là một ấn phẩm nghiên cứu khoa học do UEH và Cục thống kê Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp thực hiện. Số đầu tiên được ra mắt vào đầu năm 2024, và dự kiến sẽ được xuất bản định kỳ hàng năm.

Nền kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đang phục hồi ổn định

Theo Tiến sĩ Hồ Hoàng Anh (UEH), dù không đạt mục tiêu đề ra, nhưng nền kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung vẫn đạt được những mức tăng trưởng khá cao trong năm 2023 so với các nền kinh tế khác trên thế giới.

Có thể nói, kết thúc năm 2023, nền kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh đang phục hồi một cách ổn định sau những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.

Kết thúc năm 2023, GRDP theo so sánh của Thành phố Hồ Chí Minh được dự báo tăng 5,81%. Trong đó ngành dịch vụ tăng 6,79% và ngành công nghiệp tăng 4,42%.

Tiến sĩ Hồ Hoàng Anh trình bày báo cáo kinh tế vĩ mô Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: V.D)

Theo phân tích của nhóm nghiên cứu, GRDP theo so sánh của Thành phố Hồ Chí Minh đang dần tiệm cận GRDP tiềm năng.

Là trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước, nền kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh luôn đạt mức tăng trưởng cao hơn mức trung bình của cả nước, tạo ra việc làm cho hàng triệu lao động đến từ khắp các tỉnh thành.

Ở chiều ngược lại, điều tất yếu là nền kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh cũng phải gánh chịu những ảnh hưởng nặng nề nhất của cả nước, từ đại dịch Covid-19, đến các cuộc xung đột vũ trang và căng thẳng chính trị đang có chiều hướng gia tăng trên toàn thế giới.

Mật độ dân số ở Thành phố Hồ Chí Minh tăng cao, làm bộc lộ nhiều điểm nghẽn nội tại trong cấu trúc của nền kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là cơ sở hạ tầng và bộ máy quản lý kinh tế.

Dự báo tăng trưởng GRDP của thành phố năm 2024 từ 7,1 đến 8%

Với triển vọng của năm 2024, báo cáo thể hiện các thị trường lớn cho xuất khẩu của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, Việt Nam nói chung, bao gồm cả Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc đều được dự báo ở mức tăng trưởng khá khiêm tốn.

Điều này cho thấy xuất khẩu của Thành phố Hồ Chí Minh và Việt Nam đến những thị trường này sẽ khó có khả năng bứt phá trong năm 2024. Đây cũng sẽ là một thách thức cho Thành phố Hồ Chí Minh và Việt Nam trong việc thúc đẩy hồi phục của tổng cầu.

Tuy nhiên, với sự quyết liệt trong giải ngân đầu tư công, cùng với nỗ lực khơi thông dòng chảy tín dụng vào những lĩnh vực trọng tâm, sự phục hồi của tổng cầu ở Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước, kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh được kỳ vọng sẽ nhận được một trợ lực lớn trong năm 2024, nhất là trong 6 tháng cuối năm.

Một chính sách quan trọng mà chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh cần chú ý nhiều hơn là hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp của thành phố tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường xuất khẩu sang các quốc gia ngoài Trung Quốc và Mỹ.

Việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sẽ giúp cho xuất khẩu của Thành phố Hồ Chí Minh giảm thiểu tính chu kỳ, tăng trưởng ổn định hơn.

Nếu nền kinh tế thế giới phục hồi thuận lợi, cộng với việc Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tổng cầu, mục tiêu tăng trưởng GRDP của thành phố trong năm 2024 là từ 7,1 đến 8% là có thể đạt được.

Việt Dũng