Dự báo VPBank lọt top ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận tốt nhất năm 2024, nhưng cần lưu ý chất lượng tài sản

Trong danh mục khuyến nghị trung và dài hạn vừa cập nhật, nhóm phân tích từ Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS) kỳ vọng ân hàng VPBank (VPB) sẽ đạt mức chuyển biến tích cực nhất về mặt lợi nhuận trong năm 2024 dựa trên nền kết quả kinh doanh ảm đạm trong năm 2023.

Theo nhóm phân tích, một số trọng tâm khác trong hoạt động kinh doanh của VPB năm nay là đề xuất nhận chuyển giao tổ chức tín dụng yếu kém; dự định sẽ tiếp tục mức chia cổ tức tiền mặt 10% cho năm 2023; mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 25% và tăng trưởng lợi nhuận trước thuế khoảng 114% cho năm 2024.

Trong đó, các yếu tố chính được kỳ vọng hỗ trợ lợi nhuận hồi phục bao gồm tình hình kinh doanh ổn định từ ngân hàng mẹ và sự tái cơ cấu thành công Credit.

Cụ thể, tại thời điểm cuối năm 2023, VPB ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 38.175 tỷ đồng, giảm gần 7% so với năm 2022 do chi phí lãi và chi phí tương tự tăng mạnh. Tuy vậy trong quý cuối cùng của năm, biên lãi thuần của VPB đã có sự dần cải thiện từ đáy nhờ sự trở lại của tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) - đạt 17,4% - giúp giảm chi phí huy động vốn.

Ảnh: KBSV

Cùng đó, cho vay tăng trưởng mạnh mẽ 29,2% trong năm 2023. Tại thời điểm cuối năm 2023, tổng tài sản VPB tăng mạnh 29,6% lên mức 817,7 nghìn tỷ. Trong đó cho vay khách hàng tăng mạnh và chiếm 67,5% tổng tài sản. Ngoài ra, gửi và cho vay liên ngân hàng tăng gần gấp đôi so với năm trước, trong khi danh mục đầu tư tăng vừa phải ở mức 17,7%.

Tuy nhiên, bất chấp tài sản tăng đáng kể, lợi nhuận VPBank lại ghi nhận sụt giảm mạnh. Kết thúc 2023, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này giảm xuống còn 11 nghìn tỷ, tức giảm 48,2% so với cùng kỳ. Ngoài thâm hụt trong thu nhập từ lãi (-6,9% so với cùng kỳ) do tình hình kinh doanh khó khăn, sự vắng bóng của thu nhập bất thường (ghi nhận khoảng 6.000 tỷ năm 2022) cũng là nguyên nhân chính cho sự sụt giảm lợi nhuận của VPB.

Ảnh: KBSV

Sang quý I/2024, theo báo cáo tài chính hợp nhất, kết quả kinh doanh của VPB tiếp tục đạt nhiều tăng trưởng. Theo đó, VPB ghi nhận khoản thu nhập lãi đạt 19.346 tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ. Chi phí lãi và các khoản chi phí tương tự giảm 5,5% trong bối cảnh lãi suất huy động đi xuống giúp giảm chi phí vốn đã tạo đà cho thu nhập lãi thuần của VPB quý này đạt 11.323 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ.

Lãi thuần từ hoạt động ngoại hối của VPB cũng mang về 304 tỷ đồng trong quý I, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 347 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong kỳ, hoạt động dịch vụ của VPB ghi nhận lãi thuần giảm 7%, xuống 1.554 tỷ đồng do chi phí tăng. Hoạt động chứng khoán kinh doanh lỗ 32,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 95,2 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác cũng ghi nhận giảm tới 84%, xuống 225 tỷ đồng do thu từ hoạt động mua bán nợ, thu từ nợ đã xử lý rủi ro và thu từ các công cụ tài chính phái sinh khác đều giảm đáng kể so với cùng kỳ. Trong đó, thu từ mua bán nợ tụt mạnh từ 750 tỷ đồng xuống gần 2 tỷ đồng.

Kết quả, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của VPB trong quý đạt 9.944 tỷ đồng, tăng 11,3% so với cùng kỳ.

Ngân hàng này đã giảm chi phí dự phòng 9,8%, xuống 5.762 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận trước thuế của VPB trong quý I tăng 64% so với cùng kỳ, đạt 4.182 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng mạnh 90,4%, đạt 3.142 tỷ đồng.

Tại thời điểm 31/3/2024, tổng tài sản VPBank ở mức 822.367 tỷ đồng, nhích nhẹ so với cuối năm ngoái. Cho vay khách hàng tiếp tục đà tăng, với mức tăng 2,9% lên 582.691 tỷ đồng, trong khi tiền gửi của khách hàng tăng 3% lên 455.817 tỷ đồng.

Năm nay, MAS kỳ vọng thu nhập lãi thuần của VPB tăng mạnh lên 52.000 tỷ, tức tăng 36% so với mức thực hiện của 2024. Kỳ vọng này dựa trên giả định cho vay khách hàng tiếp tục tăng trưởng ở mức cao, khoảng 19,6% cho năm 2024, nhờ đó thúc đẩy tăng trưởng thu nhập lãi thuần trong năm. Lợi nhuận hoạt động do đó cũng kỳ vọng tăng lên 20.155 tỷ đồng, tức tăng 83% so với 2023 và lợi nhuận sau thuế kỳ vọng đạt 15.946 tỷ đồng, tăng 59%.

Nhóm phân tích MAS kỳ vọng 2024 sẽ là một năm ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận tích cực của VPBank. Ảnh: MAS

Tuy nhiên, bên cạnh tốc độ tăng trưởng được kỳ vọng tích cực, nhóm phân tích MAS cũng lưu ý rằng rủi ro chính trong luận điểm đầu tư đối với VPB là trọng tâm của chiến lược phát triển có phần thiên về tốc độ tăng trưởng hơn là phát triển cân bằng. Nhóm nhận định chất lượng tài sản của VPB đang ghi nhận sự sụt giảm tương đối.

Cụ thể, tại thời điểm cuối năm 2023, tỷ lệ nợ xấu (NPL) và NPL mở rộng (bao gồm cả nợ nhóm 2) lần lượt đạt 5% (-0,7 điểm % svck) và 11,9% (+0,5 điểm % svck), trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm 2,7% svck xuống 51,7%. Ngoài ra, tỷ trọng tài sản cần theo dõi, bên cạnh nợ xấu, bao gồm các khoản vay được tái cơ cấu và trái phiếu đặc biệt, trong danh mục tài sản sinh lãi của VPB ước đạt 11,5% (+2,7%p svck.) trong năm 2023. Các yếu tố này, theo MAS, sẽ đặt ra áp lực giảm tốc cho sự phục hồi của NIM cũng như gánh nặng trích lập cao trong năm 2024 và 2025.

Theo báo cáo tài chính quý I/2024, dư nợ xấu của nhà băng này đã giảm gần 1% xuống 28.173 tỷ đồng, qua đó đưa tỷ lệ nợ xấu (NLP) giảm từ 5,02% hồi đầu năm xuống 4,84%. Tuy nhiên NPL mở rộng (bao gồm cả nợ nhóm 2) lại tăng lên tới 13,1% (+1,2 điểm % svck). Cùng đó, trong quý, mặc dù nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) ghi nhận giảm từ 12.074 tỷ đồng xuống còn 9.826 tỷ đồng nhưng nợ nghi ngờ ( nợ nhóm 4) lại tăng 14% lên 13.656 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) cũng tăng 7,5% lên 4.691 tỷ đồng.

Ảnh: Diên Vỹ tổng hợp