Dư địa nào cho kinh tế Quảng Nam năm 2024?

Gia tăng hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút đầu tư và các KCN, CCN và trông chờ vào hiệu quả các cuộc xúc tiến đầu tư... sẽ tạo sức bật cho nền kinh tế địa phương năm 2024 phát triển đúng như kế hoạch. Ảnh TD

Nhận diện “điểm nghẽn”

HĐND tỉnh đã ấn định năm 2024 tổng sản phẩm sẽ tăng 7,5-8%, tỷ lệ vốn đầu tư/GRDP chiếm hơn 30%, thu ngân sách đạt 23.600 tỷ đồng (thu nội địa 20.100 tỷ đồng), bằng 88,5% dự toán 2023, chỉ bằng 98,5% ước thực hiện năm 2023 và sẽ có thêm 16.000 lao động có việc làm.

Những con số, chỉ tiêu trên được nhận định là “hợp lý” khi dư địa phát triển ô tô bất ổn, chuỗi cung ứng vẫn chưa thoát khỏi sự đứt gãy. Kế hoạch này có dễ dàng đạt được trên thực tế không (?), khi nguồn lực phát triển kinh tế địa phương vẫn phải trông chờ vào việc xúc tiến, thúc đẩy đầu tư, gia tăng sản xuất, kinh doanh.

Hiện tại, chính quyền, cơ quan quản lý vẫn loay hoay, không biết có chính sách gì để tạo động lực phát triển. Các dự án trọng điểm vùng Đông, các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) hay các dự án động lực khí điện, cảng biển, hàng không, đô thị sân bay hay các kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội... từng nuôi hy vọng tiếp lực phát triển, chia lửa ngân sách địa phương vẫn chỉ nằm trong viễn cảnh.

Trong khi đó, nhiều cuộc khảo sát hồi cuối năm 2023 cho thấy số lượng doanh nghiệp rời bỏ thị trường không hề suy giảm. Năng lực phát triển kinh tế địa phương trông chờ vào sự phát triển của khối kinh tế tư nhân và FDI. Nhưng khó định lượng được năng lực từ các khu vực kinh tế này khi doanh nghiệp và nhân dân đã gần kiệt sức. Cơ hội thu hút nguồn vốn FDI đã không xảy ra.

Năm 2023 chỉ có thêm 3 dự án FDI và 16 dự án đầu tư nội địa, nhưng đều nhỏ bé. Số lượng 1.100 doanh nghiệp mới gia nhập thị trường có kịp thời gian để triển khai đầu tư, đi vào sản xuất hay không chưa thể công bố trên thực tế.

Gia tăng hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút đầu tư và các KCN, CCN và trông chờ vào hiệu quả các cuộc xúc tiến đầu tư... sẽ tạo sức bật cho nền kinh tế địa phương năm 2024 phát triển đúng như kế hoạch. Ảnh TD

Khảo sát của Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy doanh nghiệp vẫn rơi vào tình trạng bất ổn, chưa biết khi nào hồi phục.

Ông Hồ Anh Tuân - Phó Giám đốc VCCI chi nhánh Đà Nẵng nó, hiện có đến 36% doanh nghiệp ảng Nam báo lỗ (27% doanh nghiệp thua lỗ chút ít và 9% doanh nghiệp thua lỗ rất lớn). Chỉ có khoảng 77% sẽ tiếp tục duy trì quy mô hiện tại, không thể mở rộng sản xuất. Doanh nghiệp vẫn đang hoạt động cầm chừng, ngóng trông và chờ đợi tín hiệu tích cực từ thị trường nội địa và thế giới.

Các cuộc khảo sát của Cục Thống kê chỉ ra đến 34% doanh nghiệp cho là nền kinh tế vẫn còn khó khăn. Năm 2024 vẫn chưa nhìn thấy được sự thay đổi nào của thị trường.

Nhiều doanh nghiệp may mặc lớn đã phải cắt giảm 30% lao động (Sedo Vina, Sơn Hà (Duy Xuyên) hay Rio Tam Thăng, Hòa Thọ, Huy Hoàng...). Không ít doanh nghiệp ngành gỗ thiếu hụt hoặc không có thêm đơn hàng mới, có nguy cơ phải đóng cửa.

Ông Lê Nho Hùng - Phó Cục trưởng Cục Thống kê cho hay, doanh nghiệp chưa kịp phục hồi. Thị trường bất ổn, thiếu hụt đơn hàng, chi phí sản xuất tăng cao, nguồn nguyên vật liệu, vật tư khan hiếm, doanh nghiệp đang đối mặt với một giai đoạn đầy khó khăn, nên nhiều doanh nghiệp buộc lòng phải thu hẹp sản xuất.

Cuộc khảo sát, thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách cũng chỉ ra điều tương tự. Ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh nói, xúc tiến, thu hút đầu tư mờ nhạt. Chuyển động của nền kinh tế không cho thấy gì về sự bùng nổ của các dự án đầu tư.

Tại một số KCN lượng lao động sụt giảm nặng nề (KCN Tam Thăng giảm khoảng 500 lao động, KCN Bắc Chu Lai giảm khoảng 500 lao động và KCN Trường Hải giảm khoảng 3.000 lao động - Báo cáo của Ban Quản lý các khu kinh tế và KCN Quảng Nam).

Tìm lực cho nền kinh tế phát triển

Những khó khăn của nền kinh tế đã được nhận diện. Kế hoạch phát triển đã được ấn định. Không còn “đường lùi”. Chỉ còn cách nỗ lực hết mức để thực hiện đạt mục tiêu cho nền kinh tế.

Ông Đặng Phong - Giám đốc Sở Tài chính nói, xuất khẩu gặp khó, bất động sản đóng băng, ngân hàng siết tín dụng, doanh nghiệp tiếp cận khó nên cần tìm thêm những giải pháp thích hợp, hỗ trợ, cứu doanh nghiệp thì kinh tế địa phương mới có lực phát triển.

Một khi nguồn lực tài chính địa phương hạn hẹp thì yêu cầu cao nhất là phải phân bổ các khoản chi ngân sách hiệu quả, tự chủ khai thác nguồn tài chính hợp lý, tạo ra động lực phát triển cân đối, tạo sức bật cho từng địa phương.

Thị trường bất ổn, thiếu hụt đơn hàng, chi phí sản xuất tăng cao, nguồn nguyên vật liệu, vật tư khan hiếm, doanh nghiệp đang đối mặt với một giai đoạn đầy khó khăn, nên nhiều doanh nghiệp buộc lòng phải thu hẹp sản xuất. Ảnh: T.D

Không ít cơ quan quản lý khuyến cáo rất cần thêm những thay đổi, tìm ra những giải pháp thích hợp.

Theo ông Nguyễn Văn Tiếp - Cục trưởng Cục Thuế, muốn thu tăng thuế thì ngoài việc hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất phải có thêm nhân tố mới. Đáng tiếc, trong khi số doanh nghiệp rời bỏ thị trường nhiều thì lại thiếu vắng những nhân tố, cơ sở mới. Cần xúc tiến đầu tư, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp có số thu lớn. Đừng để họ tạm dừng, đóng cửa… không ai hay.

Nhiều doanh nghiệp cân nhắc khi đầu tư vào địa phương vì giá đất quá cao so với các địa phương lân cận. Khi nền kinh tế đang phát triển theo chiều rộng, thì nên nghĩ đến chuyện giảm giá đất để thu hút nhiều nhà đầu tư đến sản xuất, kinh doanh, tạo ra sản phẩm mới. Không có sản phẩm mới, kinh tế sẽ yếu đi, thiếu cơ sở thu, lấy gì thu, sẽ khó tăng thu ngân sách.

Giới ngân hàng cho biết sẽ bám sát tình hình phát triển kinh tế địa phương để cung cấp vốn. Doanh nghiệp có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, báo cáo tài chính rõ ràng, ngân hàng sẽ thu xếp vốn.

Ngoài số doanh nghiệp mới gia nhập thị trường hay tái gia nhập thì số lượng doanh nghiệp chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn. Nghĩa là “chưa chết” hẳn, sẽ vẫn còn cơ hội hồi sinh. Những điều kiện cần đã có. Phần còn lại là doanh nghiệp có đủ khả năng chiến đấu để sống còn trên thương trường hay không lại là chuyện khác.

Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam nói, tạo sức bật cho nền kinh tế, cần theo sát, xác định thực hiện tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất.

Cải thiện mạnh mẽ hơn môi trường đầu tư, kinh doanh, xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư... Cần một định lượng cụ thể về tỷ lệ quỹ đất sạch bao nhiêu phần trăm trong giải phóng mặt bằng để sẵn sàng chủ động cho việc thu hút đầu tư. Không thu hút được nhà đầu tư thì sẽ không có nguồn lực phát triển kinh tế.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, không còn con đường nào khác là tập trung đến mức tối đa tháo gỡ sản xuất kinh doanh, nhất là mở rộng tìm kiếm thị trường, thu hút đầu tư.

Kiên quyết cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh. Phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư năm 2024. Phát triển công nghiệp bền vững theo chiều sâu.

Thực hiện tốt quy hoạch, chuyển đổi số, phục hồi, phát triển du lịch, nâng cao hiệu quả các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, kinh tế xã hội miền núi và kinh tế biển. Các đột phá chiến lược sẽ tiếp tục gia tăng, lấy đầu tư công dẫn dắt để thu hút tối đa các nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác.

TRỊNH DŨNG