Dư địa rộng mở cho hợp tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản

Nguồn: Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam Đồ họa: Văn Chung

Luôn là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam

Xét về phương diện kinh tế, quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản có tính bổ sung cho nhau. Nhật Bản là quốc gia có trình độ phát triển cao và có nền khoa học công nghệ tiên tiến vượt bậc. Bên cạnh đó, cơ cấu dân số già cùng với vị trí địa lý chịu nhiều thiên tai cũng đã góp phần thúc đẩy doanh nghiệp Nhật Bản lựa chọn đầu tư ra bên ngoài và ưu tiên nhập khẩu lương thực, nhiên liệu.

Việt Nam là một nền kinh tế còn non trẻ và đang trên đà phát triển. Mặc dù vẫn còn nhiều hạn chế, Việt Nam vẫn là một thị trường mở với nguồn tài nguyên, lao động dồi dào nhân công giá rẻ, nền chính trị - xã hội tương đối ổn định. Chính vì vậy, hợp tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản được xem như là xu thế tất yếu và cùng đem lại lợi ích cho cả hai bên.

Về thương mại, đầu tư và ODA, Nhật Bản luôn là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Trong những năm qua, thương mại giữa hai nước luôn giữ tốc độ tăng trưởng đều đặn và Nhật Bản là một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam trong lĩnh vực này. Nhật Bản luôn đứng vị trí số một trong các nhà viện trợ ODA cho Việt Nam và là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam sau Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc.

Việt Nam có thể trở thành một mô hình kiểu mẫu

Tại COP26, Việt Nam đã cam kết trung hòa carbon vào năm 2050. Nhật Bản đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam và sẽ hỗ để giúp cho Việt Nam có thể trở thành một mô hình kiểu mẫu trong các nước đang phát triển có thể đảm bảo được cân bằng vừa phát triển kinh tế và trung hòa carbon.

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio

Hiện nay, Nhật Bản là một trong ba nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam, với quy mô ngày càng được mở rộng đã đóng góp to lớn vào sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong những năm qua.

Chia sẻ tại hội thảo quốc tế về 50 năm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản ngày 14/9, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio cho biết, năm ngoái, FDI của Nhật Bản vào Việt Nam khoảng 19 tỷ USD và trong nửa đầu năm 2023, Việt Nam đã thu hút được 13,4 tỷ USD FDI của Nhật Bản. Trong bối cảnh thế giới đang bất ổn như hiện nay thì con số này cho thấy, rất nhiều các doanh nghiệp Nhật Bản đang tích cực thúc đẩy đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Trong khảo sát gần đây của Cơ quan Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) về những khu vực mà doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn mở rộng đầu tư nhiều nhất thì Việt Nam đứng ở vị trí thứ 2, sau Hoa Kỳ.

Cũng theo Đại sứ Yamada Takio, các doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay cũng đang rất thành công trên thế giới. Các lĩnh vực Việt Nam có trình độ nhân lực cao như công nghệ thông tin, nhiều kỹ sư của Việt Nam cũng đang đóng góp vai trò rất quan trọng tại Nhật Bản.

Chuyển sang thời kỳ triển khai FDI hai chiều

Chia sẻ về triển vọng hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản trong thời gian tới, Đại sứ Yamada Takio cho rằng, bên cạnh ODA về hạ tầng, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đào tạo nguồn nhân lực thì Nhật Bản và Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng và cơ hội để mở rộng mối quan hệ này.

“Hiện nay Việt Nam đang là nước có thu nhập trung bình và đặt ra mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045. Đối với Nhật Bản, Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng và gắn kết với sự phát triển của Việt Nam và sự phát triển của Việt Nam cũng vì lợi ích của Nhật Bản. Vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ cho Việt Nam phát triển kinh tế trong thời gian tới” - Đại sứ Yamada Takio khẳng định.

Về triển vọng quan hệ thương mại song phương Việt Nam - Nhật Bản, TS. Lý Hoàng Mai (Viện Kinh tế Việt Nam) cho rằng, trong tương lai, quan hệ thương mại song phương Việt Nam - Nhật Bản có nhiều triển vọng để phát triển bởi nhiều động lực.

Trước hết, đó là những hiệp định mà Việt Nam và Nhật Bản đã ký kết và thực thi như: Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP), Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA), CPTPP, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Những hiệp định này đã tạo ra những hành lang pháp lý quan trọng, tạo ra cơ hội để thúc đẩy quan hệ thương mại song phương giữa hai nước.

Việt Nam cần tận dụng lợi thế từ lộ trình cách giảm thuế quan của các hiệp định thương mại tự do này. Bên cạnh đó, cần phát huy tính bổ trợ của lợi thế so sánh trong quan hệ song phương giữa hai nước…

Thêm ý kiến về vấn đề này, GS. Trần Văn Thọ - giáo sư danh dự Đại học Waseda, gợi ý trong giai đoạn tới, ODA và FDI từ Nhật cần có nội dung mới, song song với hợp tác về đào tạo nhân tài, về phát triển doanh nghiệp. Trong dài hạn, Việt Nam cần tốt nghiệp ODA và doanh nghiệp Việt Nam có khả năng đầu tư sang Nhật, bắt đầu thời kỳ triển khai FDI hai chiều trong quan hệ Việt - Nhật.

Cũng theo GS. Trần Văn Thọ, để đạt được mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam cần liên tục tăng năng suất lao động qua nỗ lực chuyển dịch cơ cấu công nghiệp; tham gia sâu hơn và cao hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, kèm theo các cải cách để phát triển doanh nghiệp; tăng cường giáo dục đào tạo theo hướng cung cấp ngày càng nhiều lao động có kỹ năng cao và khuyến khích FDI và doanh nghiệp bản địa đầu tư cho đổi mới sáng tạo.

Hà My