Đưa vào vận hành hồ chứa trong tình huống khẩn cấp tại Thừa Thiên Huế

Lãnh đạo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế cùng các đơn vị đối tác của Nhật Bản phối hợp tổ chức khánh thành dự án.

Ngày 12/5, tại Thừa Thiên Huế, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức khánh thành dự án “Vận hành hồ chứa trong tình huống khẩn cấp và quản lý lũ hiệu quả bằng hệ thống thông tin quản lý thiên tai toàn diện”.

Tham dự có Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai Phạm Đức Luận, Ủy viên Thường trực, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, Phó trưởng Ban Chỉ đạo dự án; ông Tsuruoka Hiroki, Bí thư thứ 2 Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam; ông Sugano Yuiichi, Trưởng đại điện JICA Việt Nam; ông Trần Đình Hòa, Giám đốc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam và Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn Hoàng Đức Cường.

Góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác Nhật Bản-Việt Nam

Ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Ủy viên Thường trực, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai phát biểu tại buổi lễ khánh thành.

Phát biểu tại buổi lễ khánh thành, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai Phạm Đức Luận cho biết: Đây là dự án hỗ trợ kỹ thuật thí điểm do chính phủ Nhật Bản tài trợ nhằm bảo vệ an toàn di tích lịch sử cố đô Huế và hạn chế tình trạng lũ lụt, giảm thiểu thiệt hại cho lưu vực sông Hương.

Dự án góp phần thực hiện 3 mục tiêu chính, đó là:

(1) Giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do mưa, lũ, góp phần bảo đảm phát triển kinh tế, xã hội bền vững thông qua việc thiết lập khung vận hành hồ chứa trong tình huống khẩn cấp; xây dựng hệ thống dự báo, cảnh báo đến các khu vực dễ bị tổn thương trên lưu vực sông Hương;

(2) Góp phần phát triển toàn diện hệ thống thông tin phòng, chống thiên tai;

(3) Xây dựng mô hình thí điểm về vận hành hồ chứa trong tình huống khẩn cấp và quản lý lũ hiệu quả nhằm nghiên cứu nhân rộng đến các lưu vực sông khác.

Tổng số vốn của dự án là 18,2 triệu USD (tương đương 414 tỷ đồng), trong đó, vốn ODA không hoàn lại của Nhật Bản là 1,8 tỷ yên (tương đương trên 16,65 triệu USD).

Với sự chỉ đạo sát sao cũng như sự phối hợp của các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công Nhật Bản, đến nay, các khối lượng chính của dự án đã hoàn thành, về cơ bản đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ theo thỏa thuận viện trợ và văn kiện đã được phê duyệt. Hệ thống trang thiết bị hình thành từ dự án đã được nghiệm thu và bàn giao cho các đơn vị thụ hưởng quản lý, sử dụng vào tháng 12/2022.

Bí thư thứ 2 Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, ông Tsuruoka Hiroki phát biểu tại lễ khánh thành.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Tsuruoka Hiroki, Bí thư thứ hai Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng: Năm nay đánh dấu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Việt Nam. Lãnh đạo hai nước Nhật Bản và Việt Nam đều có chung quan điểm rằng năm 2023 sẽ là bước ngoặt mở ra một kỷ nguyên mới cho cả hai nước và sẽ hợp tác chặt chẽ để thúc đẩy mối quan hệ Nhật Bản-Việt Nam lên tầm cao hơn nữa.

“Nhật Bản có nhiều nỗ lực trong cả kiểm soát lũ lụt và sử dụng nước, và chúng tôi có kiến thức, vì vậy chúng tôi mong muốn tiếp tục làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai lũ lụt. Đặc biệt, để hệ thống nhiều đập kiểm soát lũ hiệu quả dựa trên dự báo lượng mưa, cần phải thường xuyên nắm bắt thông tin về lượng mưa, mực nước sông trên lưu vực, trong đó, hệ thống thông tin phòng, chống thiên tai lũ lụt đóng vai trò quan trọng. Chúng tôi hy vọng rằng hệ thống được giới thiệu trong dự án này sẽ được sử dụng để dự đoán lượng mưa và dòng chảy, đồng thời vận hành đập một cách tối ưu, từ đó góp phần giảm thiểu thiệt hại do lũ lụt ở tỉnh Huế”, ông Tsuruoka Hiroki nhấn mạnh.

Sự kiện ngày hôm nay đánh dấu kết quả hoàn thành dự án, áp dụng công nghệ hiện đại của Nhật Bản trong việc phục vụ công tác phòng, chống thiên tai nói chung và việc vận hành liên hồ chứa nói riêng. Đây là sự kiện quan trọng góp phần thúc đẩy và tô đậm thêm tình hữu nghị hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam nói chung và giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, tổ chức JICA nói riêng nhân dịp kỷ niệm 50 năm (1973-2023) thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản-Việt Nam.

Phục vụ cộng đồng phòng chống thiên tai

Các đại biểu tham dự thực hiện nghi thức khánh thành dự án.

Theo kế hoạch ban đầu, dự án triển khai trong 36 tháng kể từ khi thỏa thuận viện trợ được ký kết (từ năm 2017 đến năm 2020). Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã có nhiều yếu tố phát sinh ảnh hưởng đến tiến độ như: liên quan đến an ninh quốc phòng trong việc bay chụp Lidar, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các vấn đề kỹ thuật có ý kiến khác nhau,… Song, với sự chỉ đạo sát sao của Ban Chỉ đạo dự án, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sự hỗ trợ tích cực của các bộ, ngành liên quan và nỗ lực của các bên, Tổng cục Phòng, chống thiên tai (nay là Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai), Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế; Ban Quản lý dự án Trung ương, Ban Quản lý dự án tỉnh Thừa Thiên Huế, cũng như sự phối hợp của các đơn vị liên quan nên khối lượng chính của dự án đã cơ bản hoàn thành, đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ đã phê duyệt.

Trong thời gian vừa qua, nhất là đợt mưa lũ lịch sử tháng 10/2022, mặc dù dự án chưa được hoàn thiện, xong đã phát huy hiệu quả, không chỉ trong việc vận hành hồ chứa, điều tiết lũ, phòng, chống thiên tai mà còn phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh trong lĩnh vực khác như: du lịch, tổ chức sản xuất, lễ hội và các hoạt động phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế Hoàng Hải Minh đã biểu dương những nỗ lực, cố gắng của các nhà thầu, đơn vị tư vấn Nhật Bản như: FRICS JRC, FUJITSU, JESCO, SDM đã thực hiện các hạng mục dự án với tinh thần trách nhiệm cao, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, an toàn tuyệt đối trong quá trình thi công.

Ông Minh cho biết, từ năm 2021 đến 2023, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế đã sử dụng các sản phẩm phần mềm từ Dự án như: ảnh Radar Xband, đo mực nước các sông, đo lượng mưa, phần mềm dự báo mưa để hỗ trợ tham mưu, chỉ đạo, vận hành các hồ chứa nước, giám sát mưa lũ; chia sẻ thông tin đến các cơ quan, địa phương trên địa bàn tỉnh góp phần thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai.

Ông Hoàng Hải Minh cũng đã ghi nhận, đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, địa phương thuộc UBND tỉnh; tinh thần trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền xã Bình Thành (thị xã Hương Trà), các hộ dân trong vùng ảnh hưởng của dự án đã đồng lòng, giao đất kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai dự án; sự hỗ trợ tích cực cho dự án của các Nhà máy thủy điện: Bình Điền, Hương Điền, Thượng Lộ, A Roàng, A Lưới; Ban Quản lý dự án Thủy lợi 5 (hồ Tả Trạch), Công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên Quản lý và khai thác công trình thủy lợi tỉnh, Ban Quản lý dự án tỉnh đã làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành dự án.

“Lễ khánh thành dự án hôm nay diễn ra đúng vào tháng cao điểm tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tuần Lễ quốc gia về phòng, chống thiên tai, càng làm cho dự án thêm nhiều ý nghĩa. Dự án Vận hành hồ chứa là dự án có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với tỉnh Thừa Thiên Huế trong công tác phòng, chống thiên tai, vận hành hồ chứa theo thời gian thực, hiển thị hệ thống mạng phục vụ cộng đồng phòng, chống thiên tai, hỗ trợ dân sinh kinh tế trên địa bàn tỉnh, hệ thống được kết nối đến các cơ quan Trung ương phục vụ chỉ đạo điều hành”, ông Hoàng Hải Minh nhấn mạnh.

Ông Sugano Yuiichi - Trưởng đại điện JICA Việt Nam phát biểu.

Theo Trưởng đại điện JICA Việt Nam, ông Sugano Yuiichi, thiên tai liên quan đến nước phát sinh thường xuyên hàng năm trên lưu vực sông Hương, do đó, việc phòng ngừa và ứng phó thiên tai liên quan đến nước rất quan trọng. Nhằm bảo đảm an toàn cho người dân, bảo đảm phát triển kinh tế, xã hội bền vững, Chính phủ Việt Nam đã và đang đưa vấn đề quản lý và vận hành đập thích hợp vào luật và các quy định liên quan bao gồm cả luật phòng, chống thiên tai. Trong bối cảnh đó, dự án này đã được thực hiện từ năm 2017 nhằm mục đích quản lý lưu vực sông và vận hành đập thích hợp tại 3 đập lớn trên lưu vực sông Hương.

"Tôi rất vui khi được biết các trang thiết bị được cung cấp trong dự án này, bao gồm cả radar X-band, đã góp phần cung cấp thông tin thích hợp tới các cơ quan liên quan và đóng góp không nhỏ vào công tác phòng, chống và ứng phó thiên tai. Tôi cũng đã được báo cáo rằng các hoạt động của dự án cũng giúp góp phần giảm mực nước ở khu vực hạ lưu ngay cả khi mưa lớn trên diện rộng vào mùa mưa năm ngoái, góp phần giảm thiểu thiệt hại liên quan đến lũ", ông Sugano Yuiichi nói.

Các đại biểu đã đi thăm trạm Radar Xband T2 tại đập thủy điện Bình Điền - một trọng 31 vị trí lắp đặt các trang thiết bị của dự án trên địa bàn toàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

* Nằm trong chương trình khánh thành dự án, sáng 12/5, các đại biểu đã đi thăm trạm Radar Xband T2 tại đập thủy điện Bình Điền - một trong 31 vị trí lắp đặt các trang thiết bị của dự án trên địa bàn toàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Trạm này gồm có một trụ anten cao 30m, trên có đặt Radar Xband. Bên cạnh là nhà trạm đặt các trang thiết bị kết nối thông tin của hệ thống. Phía ngoài đập Bình Điền còn có các thiết bị được lắp đặt để đo độ mở cửa đập và đo mực nước thượng lưu đập.

Chiều cùng ngày, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai tổ chức Hội thảo cuối kỳ về Dự án: “Vận hành hồ chứa trong tình huống khẩn cấp và quản lý lũ hiệu quả bằng hệ thống thông tin quản lý thiên tai toàn diện” tại thành phố Huế. Hội thảo đã nghe các đơn vị liên quan, Ban Quản lý dự án Trung ương, Ban Quản lý dự án tỉnh Thừa Thiên Huế, đại diện các đơn vị tư vấn hỗ trợ kỹ thuật, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Nhà thầu Nhật Bản báo cáo về những kết quả thực hiện dự án từ đầu đến nay, những tồn tại, khó khăn cần giải quyết từ nay cho đến khi đóng dự án.

Phát biểu kết luận hội thảo, Giám đốc Ban Quản lý dự án Trung ương Nguyễn Đức Quang đề nghị: Đối với tỉnh Thừa Thiên Huế, sớm kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý, vận hành và bảo đảm kinh phí phục vụ công tác quản lý, duy trì hoạt động và khai thác phát huy hiệu quả của hệ thống; làm việc cụ thể với JICA về các đề xuất hỗ trợ tiếp theo trong việc chuyển giao công nghệ, tổ chức quản lý, vận hành và duy trì động của hệ thống sau khi dự án kết thúc bảo đảm tính hiệu quả và bền vững.