Giá cả thị trường có 'nhảy múa' khi lương tăng?

Nỗi lo lương chưa tăng, giá đã tăng

Tại họp báo định kỳ chiều 20/6/2024, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ạm Thị Thanh Trà cho biết Bộ Chính trị đã thống nhất thực hiện 4/6 nội dung trong đề án cải cách tiền lương từ ngày 1/7. Theo đó, mức lương cơ sở được điều chỉnh từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%). Đây là mức tăng cao nhất từ trước đến nay, góp phần cải thiện đời sống người hưởng lương và hưởng chế độ phụ cấp, trợ cấp, các chính sách hỗ trợ gắn với mức lương cơ sở.

Được tăng lương là điều mà người lao động mong đợi, nhằm bù đắp phần nào trượt giá, bảo đảm việc trang trải đời sống vật chất tốt hơn cũng như hy vọng có một phần để tích lũy.

Lượng khách ổn định nhưng sức mua giảm so với trước, do ảnh hưởng từ kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu.

Chị Nguyễn Thị Thanh, một viên chức ở huyện Quảng Ninh cho biết: Tôi rất vui vì theo chính sách cải cách tiền lương lần này, thu nhập của mình tăng thêm được 2 triệu đồng mỗi tháng. Nhưng đi kèm đó là có chút lo lắng, không biết giá cả thị trường có tăng theo hay không? Nếu tăng lương mà giá cả hàng hóa cũng tăng, chi tiêu khó khăn thì việc tăng lương cũng mất ít nhiều ý nghĩa.

Bà Hoàng Thị Dịu ở xã Lộc Ninh (TP. Đồng Hới) chia sẻ: Mỗi lần nghe chuẩn bị tăng lương, tôi lo nhất là các mặt hàng tăng giá. Với người lao động làm thuê tự do như chúng tôi, việc tăng lương không ảnh hưởng nhiều đến thu nhập nhưng thường mang đến nỗi lo về việc tăng các khoản chi tiêu sinh hoạt cho gia đình.

Không riêng gì chị Thanh, bà Dịu, điệp khúc “lương chưa tăng giá đã vội tăng” luôn là nỗi lo thường trực đối với nhiều người lao động, người làm công ăn lương mỗi khi có thông tin cải cách tiền lương.

Giá cả vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước

Theo báo cáo mới nhất của Sở Tài chính, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tỉnh tháng 4 năm 2024 tăng 0,20% so với tháng trước; tăng 6,88% so với cùng kỳ năm trước (trong đó nhóm hàng hóa tăng 4,36%, nhóm dịch vụ tăng 11,44%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 2 nhóm CPI giảm (hàng ăn và dịch vụ ăn uống, văn hóa, giải trí và du lịch), 4 nhóm CPI tăng (nhà ở và vật liệu xây dựng, thiết bị và đồ dùng gia đình, giao thông, hàng hóa và dịch vụ khác) và 5 nhóm CPI ổn định. Bình quân 4 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước, chỉ số CPI tăng 6,71%.

Bà Lương Thị Kiều Lan Chi, Giám đốc Co.opmart Quảng Bình cho biết: Hiện tại, giá cả tại siêu thị bình ổn, không có sự biến động khi có thông tin tăng lương. Giá các mặt hàng trong tháng 6 so với các tháng gần đây không có thay đổi; chỉ tăng khoảng 3-5% so với cùng kỳ với năm ngoái, do trượt giá. Thời gian gần đây, sức mua giảm mặc dù lượng khách tăng. Hiện, Co.opmart bảo đảm cung cấp cho khách hàng đầy đủ, đa dạng, phong phú các mặt hàng với giá cả ổn định và nhiều chương trình khuyến mãi.

Đối với chuỗi Winmart+ trên địa bàn, bà Trần Ngọc Thúy Anh, Quản lý khu vực Winmart+ TP. Đồng Hới cho hay: So với cùng kỳ năm ngoái, giá có tăng khoảng 5-10%. Còn hiện tại, giá cả các mặt hàng vẫn giữ nguyên so với 2 tháng trước đây. “Khi tăng lương, tăng thu nhập, chắc chắn khách hàng sẽ vui vẻ hơn khi mua sắm, nhưng nhìn chung kinh tế khó khăn nên mọi người đều thắt chặt chi tiêu, chỉ mua những hàng hóa thiết yếu”, bà Thúy Anh chia sẻ thêm.

Tại chợ Đồng Hới, không ít tiểu thương cho rằng, từ năm ngoái đến nay, do kinh tế khó khăn nên việc kinh doanh buôn bán cũng ế ẩm, nên cũng không ai dám tự nâng giá. Khảo sát tại thị trường, nhìn chung sức tiêu thụ hàng hóa yếu so với trước rất nhiều, lượng khách không thay đổi nhưng số lượng, giá trị hàng hóa mua sắm giảm.

Các siêu thị, bách hóa tổng hợp cung ứng hàng hóa đầy đủ cho chị trường.

“Giá cơ bản ổn định từ Tết đến nay chứ mấy tháng gần đây không có biến động gì lớn. Việc tăng, giảm chỉ tùy thuộc vào từng mặt hàng, ví dụ mặt hàng nào bán chững thì các cơ sở sản xuất, nhà cung cấp sẽ đưa ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá nhằm kích cầu; còn mặt hàng nào vào mùa tiêu thụ nhiều thì sẽ tăng nhẹ. Theo tôi thấy, giá cả tăng, giảm cơ bản vẫn vận hành theo nhu cầu tiêu dùng của thị trường, theo doanh số của nhân viên bán hàng chứ thông tin tăng lương cũng không ảnh hưởng gì nhiều”, bà Nguyễn Thị Thục Quyên, đại diện Cửa hàng bách hóa tổng hợp Kim Tuyến (đường Lý Thường Kiệt, TP. Đồng Hới) cho biết.

Giám đốc Sở Công thương Phạm Quang Hải cho biết: Qua nắm bắt, hiện trên thị trường tỉnh, chưa có biến động lớn về giá cả hàng hóa tiêu dùng liên quan đến thông tin tăng lương. Sở sẽ tiếp tục nắm bắt nhu cầu, dự báo thị trường; chỉ đạo các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ, cửa hàng bách hóa tổng hợp,… chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch cung ứng hàng hóa, bình ổn thị trường. UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo việc theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, giá cả hàng hóa tiêu dùng trên địa bàn, bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa cho thị trường. Sở cũng đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, chương trình hội chợ, khuyến mãi, giảm giá kích cầu người tiêu dùng.

Vào mùa du lịch, lượng khách mua hải sản tại chợ Đồng Hới tăng.

“Bên cạnh đó, Sở Công thương hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, đơn vị chức năng trên địa bàn phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường để tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường; chống buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng; tăng cường kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, nâng giá bất hợp lý, chủ động ngăn chặn tình trạng “té nước theo mưa”, lương chưa tăng thì giá đã tăng”, ông Phạm Quang Hải cho biết thêm.