Giá trị của thị trường carbon toàn cầu đã lên đến hàng trăm tỷ USD

Việt Nam - không đứng ngoài cuộc đua xanh

Tại chuỗi sự kiện Báo chí Phát triển xanh hướng đến Net Zero carbon ngày 23/9, TS Phạm Phú Ngọc Trai - Chủ tịch Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Vietnam) đã chia sẻ những thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt khi tham gia lộ trình Zero carbon.

Theo ông Phạm Phú Ngọc Trai, lộ trình giảm phát thải ròng về mức Net Zero đã được hơn 190 quốc gia tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi Khí hậu của Liên Hiệp Quốc năm 2021 (COP26) cam kết.

Ông Phạm Phú Ngọc Trai - Chủ tịch Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Vietnam)

Bên cạnh nỗ lực giảm phát thải carbon, thị trường tín chỉ carbon cũng rất sôi động. Hiện nay giá trị của thị trường carbon toàn cầu đã lên đến hàng trăm tỷ USD. Thị trường này đang được đánh giá là tăng trưởng rất nhanh theo yêu cầu cam kết của lộ trình Net Zero 2050.

Mặc dù vậy thế giới vẫn cần tăng nhanh tốc giảm khí thải carbon hơn 5 lần để bắt kịp với lộ trình Net Zero vào năm 2050. “Ở khu vực châu Á Thái Bình Dương, tốc độ giảm phát thải rất thấp, chỉ ở mức 0,9% so với mức trung bình của thế giới là 2,5%. Từ đó cho thấy việc tiến đến Net Zero 2050 là một thách thức to lớn, cần rất nhiều nỗ lực để đạt được”- ông Phạm Phú Ngọc Trai nêu thách thức.

Tại Việt Nam, theo cam kết COP26, Chính phủ đã xây dựng các mục tiêu chiến lược cụ thể ở tầm quốc gia về biến đổi khí hậu, nhằm thực hiện theo từng giai đoạn, kể từ nay cho đến năm 2050. Mục tiêu và biện pháp nhằm giảm phát thải khí nhà kính tập trung vào 5 ngành nghề chính, bao gồm: Năng lượng, giao thông, sản xuất công nghiệp, xây dựng và chất thải.

Đáng chú ý, các thị trường tự nguyện của tín chỉ carbon tại Việt Nam hiện nay cũng đang trong quá trình phát triển. “Với đặc thù về mật độ rừng tương đối dày, tầm 14,7 triệu hecta (tương đương độ phủ 42%, trong đó rừng tự nhiên hơn 10 triệu hecta và rừng trồng hơn 4 triệu hecta), về lý thuyết, chúng ta có thể thu về hàng trăm triệu USD hàng năm thông qua hệ thống giao dịch quốc tế (ETS). Bên cạnh đó, cơ hội từ các dự án CDM (cơ chế phát triển sạch) cũng được định giá bằng hàng triệu tín chỉ carbon, thông qua các dự án về điện mặt trời, điện gió, thủy điện (chiếm tỷ trọng lớn trong ngành năng lượng sạch). Với các nguồn năng lượng tái tạo này, thị trường sẽ giao dịch bằng các chứng chỉ năng lượng tái tạo, REC (Renewal Energy Certificate). Song song đó, việc xây dựng các dự án Plastic Credit (tín chỉ nhựa) cũng đang hình thành và tạo nên nguồn thu tiềm năng trong quá trình thu hồi và tái chế nhựa”- ông Trai cho biết.

Điều này cho thấy Việt Nam không đứng ngoài dòng chảy của thế giới, mà đang chuyển động cùng để có thể hướng đến và xây dựng một nền kinh tế xanh - bền vững. Tuy nhiên, cũng như một số quốc gia đang phát triển hoặc vừa chạm ngưỡng của thu nhập trung bình, đa số chưa kịp chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn. Điều này do một thời gian dài, các quốc gia nay phát triển tập trung vào nền kinh tế tuyến tính để tận dụng tài nguyên, chưa chú trọng xử lý các hệ quả của sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng; cũng như chưa tập trung vào các xu thế hội nhập toàn cầu.

Còn nhiều điều phải làm…

Việt Nam hiện nay đã hội nhập sâu rộng đến nền kinh tế thế giới, với 19 FTAs đã ký kết và 16 FATs đã có hiệu lực, đưa Việt Nam có quan hệ ngoại giao với hơn 190 quốc gia có giao dịch thương mại với hơn 200 quốc gia.

“Phần trăm tăng trưởng GDP, cán cân thương mại xuất nhập khẩu và FDIs là 3 chỉ tiêu quan trọng đánh giá sự phát triển của nền kinh tế ở Việt Nam. Tuy nhiên Việt Nam đang gặp khó khăn về độ tăng trưởng của nền kinh tế, ảnh hưởng sau đại dịch cũng như những tác động khác về địa chính trị trên thế giới…; áp lực của các FTAs và cam kết chuyển đổi xanh tiến đến Net Zero đối với quốc tế… Ngoài ra, Việt Nam cũng đang đối đầu với những thách thức to lớn, điển hình là một số đơn hàng dệt may của chúng ta đã chuyển dịch sang Bangladesh do thiếu tiêu chuẩn xanh, hay sự chuyển dịch của các doanh nghiệp FDI ra khỏi Trung Quốc cũng không đến được Việt Nam như là một cơ hội mới...”- ông Phạm Phú Ngọc Trai chỉ ra.

Về nguyên nhân, do các tổ chức lớn hiện nay chỉ lựa chọn đầu tư ở những quốc gia có môi trường và hệ sinh thái xanh. Vì vậy, để đảm bảo cam kết của Thủ tướng Chính phủ về Net Zero 2050, Việt Nam còn rất nhiều việc cần phải làm.

Để công cuộc chuyển đổi xanh được thực thi hiệu quả, theo ông Trai, trước tiên, chúng ta cần chuyển tải được những khái niệm, cũng như tính cấp bách của chuyển đổi xanh vào đời sống người dân; vào hơi thở kinh doanh của từng doanh nghiệp, từ đó nâng cao nhận thức và biến chuyển nhận thức thành hành động cụ thể.

Thùy Dương