Giáo viên nêu lý do kiểm tra định kì nên do Sở, Phòng ra đề thi

Việc đề kiểm tra định kỳ tại các trường phổ thông hiện nay nên làm đề chung hay riêng là câu chuyện được rất nhiều giáo viên quan tâm, thảo luận. Bởi, thực tế, việc đánh giá chất lượng giảng dạy, học tập hiện nay vẫn chủ yếu bằng các bài kiểm tra định kỳ. Nếu đề thi, các kỳ kiểm tra được thực hiện khoa học, khách quan, minh bạch mới có thể cho ra chất lượng giáo dục thật được.

Ảnh minh họa: TTXVN

Thầy Mai Văn Túc - Trường Trung học phổ thông Chuyên, Đại học khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: “Những năm 80 của thế kỷ trước, các kỳ kiểm tra chất lượng giữa học kỳ hay cuối học kỳ đều chung đề, do Sở Giáo dục và Đào tạo ra đề và ngồi theo số báo danh. Trường tôi còn ngồi xen kẽ lớp 8 và lớp 9 nay là 10 và 11.

Kết quả kiểm tra giữa kì, học kì sẽ được phân tích rất kỹ và Sở chỉ đạo rất kỹ giải pháp khắc phục. Theo hiểu biết của tôi, bài thi hay bài kiểm tra định kỳ mục tiêu chính để đánh giá việc dạy và kịp thời có biện pháp xử lý, chỉ đạo, hướng dẫn.

Kết quả kiểm tra trung thực sẽ giúp học sinh tự đánh giá đúng bản thân mình, để học sinh thay đổi cách học, giúp học sinh thi đậu tốt nghiệp thậm chí là vào được đại học. Một số nơi vẫn còn tiêu cực ngay cả trong việc ra đề kiểm tra đánh giá học sinh của mình.

Vì thế tôi mong việc thực hiện kiểm tra định kì nên có thống nhất chung trên cả nước, Sở ra đề với cấp trung học phổ thông, Phòng Giáo dục và Đào tạo ra đề với cấp trung học cơ sở.

Công tác tổ chức kiểm tra, chấm bài phải được các cơ sở giáo dục thực hiện đúng quy chế, khách quan. Làm được như thế, tôi tin chỉ sau khoảng 5 năm chất lượng sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt lên”.

Thầy giáo Hồ Đông - Trường Trung học cơ sở Võ Nguyên Giáp, thành phố Rạch Giá, Kiên Giang chia sẻ: "Theo tôi, phương án kiểm tra định kì theo đề chung do Sở, Phòng ra là rất hay. Khi kiểm tra theo đề chung của Sở, Phòng, giáo viên không còn chuyện ra đề cương thế nào, ra đề kiểm tra thế đó.

Cùng với đó, kiểm tra theo đề chung của Sở, Phòng sẽ ra triệt tiêu được học vẹt, học thuộc máy móc theo đề cương, là tàn dư của cách dạy, cách học từ chương trình cũ nhưng rất khó xóa bỏ.

Đặc biệt nhất, kiểm tra theo đề chung của Sở, Phòng ra sẽ góp phần giảm áp lực phải học thêm theo giáo viên chính khóa.

Giáo viên dạy thêm học sinh chính khóa được vì là người ra đề kiểm tra. Nếu không còn ra đề, học sinh sẽ lựa chọn giáo viên giỏi thật sự để học. Học sinh sẽ là người có lợi nhất.

Giáo viên muốn dạy thêm được, không còn cách nào khác phải tự nâng cao trình độ. Nó chính là góp phần bồi dưỡng nâng cao chất lượng giáo viên mà nhà nước không mất kinh phí đào tạo.

Kiểm tra định kì theo đề do Phòng ra sẽ có học bạ thực chất, giáo viên muốn làm đẹp học bạ cũng khó.

Vì vậy, sử dụng học bạ từ lớp 6 đến lớp 9 để xét tuyển trung học phổ thông sẽ chính xác, giảm đi một kì thi vô cùng áp lực của học sinh, bắt buộc học sinh muốn vào trường công, trường tốt phải phấn đấu học tập từ lớp 6.

Như vậy, kiểm tra định kì chung đề do Phòng ra sẽ góp phần nâng cao giá trị người thầy trong mắt học sinh suốt quá trình học tập chứ không phải chỉ dành cho những môn thi tuyển sinh. Nó cũng giúp xóa bỏ hoàn toàn khái niệm môn chính, môn phụ. Tôi mong các địa phương thực hiện kiểm tra định kì, ít nhất là học kì, chung đề do Sở, Phòng ra".

Thầy Phan Thanh Hùng - giáo viên Trường Trung học cơ sở Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng tàu chia sẻ: "Tôi hoàn toàn nhất trí với việc kiểm tra theo đề chung của Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo ra đề.

Kiểm tra theo đề chung sẽ tạo sự công bằng cho học sinh nếu xét tốt tốt nghiệp trung học phổ thông còn cơ cấu điểm học bạ và các trường đại học xét tuyển học bạ cũng có độ tin cậy về kết quả hơn.

Kiểm tra theo đề chung của Sở ra là giải pháp đơn giản nhất để chỉ đạo cách dạy, cách học ở địa phương mà không tốn nhiều kinh phí.

Sở muốn giáo viên phải dạy theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học thì cứ ra đề kiểm tra định kì theo định hướng kiểm tra phát triển năng lực, phẩm chất người học, như vậy, cả giáo viên và học sinh cũng phải thay đổi".

Rất nhiều giáo viên khác khi được người viết trao đổi, đều rất muốn thực hiện kiểm tra định kì chung đề do Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo ra đề.

Sở Giáo dục và Đào tạo Bà Rịa - Vũng Tàu đang triển khai ngân hàng đề dùng chung. Ảnh chụp màn hình do tác giả cung cấp

Đôi điều kiến nghị:

Chuẩn bị bước vào kiểm tra cuối học kì II năm học 2023-2024, một kì kiểm tra quan trọng của năm học, người viết đề nghị:

Thứ nhất, ộ Giáo dục và Đào tạo nên có quy định thống nhất trên cả nước, bậc trung học phổ thông đồng loạt thực hiện kiểm tra học kì theo đề chung do Sở Giáo dục và Đào tạo ra đề.

Thứ hai, các Sở Giáo dục và Đào tạo quy định bậc trung học cơ sở thực hiện kiểm tra học kì theo đề chung do Phòng Giáo dục và Đào tạo ra đề.

Thứ ba, môn Ngữ văn kiểm tra theo hình thức tự luận, các môn học khác kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm.

Đề kiểm tra thực hiện theo cấu trúc định dạng đề thi và đề minh họa cấu trúc định dạng đề thi của Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 cho cả trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Việc ra đề kiểm tra học kì theo cấu trúc định dạng đề thi và đề minh họa cấu trúc định dạng đề thi của Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 sẽ định hướng dạy và học cho giáo viên, học sinh, giúp giáo viên bám sát mục tiêu phát triển năng lực và phẩm chất của người học khi giảng dạy.

Thứ tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có dự định thành lập ngân hàng đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 sẽ có tính mở, xây dựng trên cơ sở phát huy trí tuệ toàn ngành.[1]

Các Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo cần thành lập ngân hàng đề kiểm tra định kì, công khai trên Website của Sở, Phòng, là nguồn tư liệu mở cho giáo viên và học sinh học tập.

Đề kiểm tra định kì sẽ do Sở, Phòng lấy từ ngân hàng đề kiểm tra định kì, sẽ giảm thiểu được tình trạng dạy thêm học thêm thiếu trong sáng.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=9205

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Sơn Quang Huyến