Gỡ khó để đạt mục tiêu phát triển nhà ở

Cần các giải pháp quyết liệt và đồng bộ để đạt mục tiêu phát triển nhà ở

Khó hoàn thành mục tiêu

Theo Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh, năm 2023, thành phố phát triển khoảng 6,5 triệu m2 sàn. Như vậy, giai đoạn 2021-2023, thành phố chỉ phát triển khoảng 19,88 triệu m2 sàn (đạt khoảng 38% chỉ tiêu đề ra trong giai đoạn 2021-2025).

Như vậy, đến năm 2025, thành phố phải phát triển thêm khoảng 30,12 triệu m2 sàn. Khả năng hoàn thành chỉ tiêu phát triển 15,06 triệu m2 sàn trong hai năm (2024 và 2025) là cực kỳ khó khăn. Từ đó sẽ ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành chỉ tiêu 50 triệu m2 của giai đoạn 2021-2025.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh Trần Hoàng Quân, kịch bản khả quan nhất là thành phố phát triển bình quân khoảng 8 triệu m2/năm trong 2 năm còn lại. Khi đó, giai đoạn 2021-2025, dự báo thành phố sẽ phát triển khoảng 35,88 triệu m2 sàn nhà ở, tương ứng khoảng 71% chỉ tiêu đề ra.

Tương tự, chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân giai đoạn 2021-2025 của TP. Hồ Chí Minh là 2,5 triệu m2 sàn (tương đương khoảng 35.000 căn). Tuy nhiên, dù đã hơn nửa nhiệm kỳ, đến nay mới chỉ có 2 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng với quy mô 61.554 m2 sàn (623 căn hộ) và 7 dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân đang triển khai với quy mô 440.690 m2 sàn (4.996 căn hộ).

Từ nay đến cuối năm 2025, TP. Hồ Chí Minh cần phát triển thêm khoảng 2 triệu m2 sàn nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân (29.381 căn hộ). Trường hợp không quyết liệt tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân thì thành phố sẽ không có dự án đủ điều kiện để hưởng gói tín dụng 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP năm 2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Do đó, Sở Xây dựng đánh giá khả năng đến cuối năm 2025, thành phố phấn đấu hoàn thành các thủ tục đầu tư xây dựng để đưa vào đầu tư xây dựng khoảng 2 triệu m2 sàn nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân cũng rất khó khả thi.

Việc triển khai xây dựng nhà ở xã hội tại tỉnh ình Dương cũng đang gặp nhiều khó khăn và bất cập. Theo đề án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn 2021 - 2030, Bình Dương dự kiến đầu tư khoảng 172.879 căn nhà ở xã hội (167.706 căn chung cư và 5.173 nhà liền kề, trong đó số căn cho thuê khoảng 34.576 căn).

Tổng diện tích đất khoảng 612,1 ha, diện tích sàn xây dựng ước khoảng 10.110.867 m2, đáp ứng cho khoảng 678.307 dân số với tổng mức đầu tư khoảng 92.661 tỷ đồng, cao hơn gấp 2 lần chỉ tiêu được Chính phủ giao tại Quyết định số 338/QĐ-TTg năm 2023. Theo đó, giai đoạn 2021-2025, tỉnh dự kiến sẽ bố trí khoảng 158 ha diện tích đất đầu tư, hoàn thành khoảng 42.256 căn nhà ở xã hội, với diện tích sàn 2.702.572 m2, đáp ứng cho khoảng 163.476 dân số với tổng mức đầu tư khoảng 24.668 tỷ đồng.

Là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội tại Bình Dương, ông Bùi Ngươn Phong, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Lê Phong cho biết, dù đạt những thành công về phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân ở Bình Dương, song có thể thấy, đến nay nhà ở xã hội và nhà ở công nhân chỉ mới đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu của người dân.

Nguyên nhân là nhiều nhà đầu tư vẫn chưa mặn mà với xây dựng các dự án nhà ở xã hội như thiếu quỹ đất, khó tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi, thủ tục pháp lý kéo dài và chủ đầu tư còn bị khống chế lợi nhuận. Bên cạnh đó, đối tượng mua nhà ở xã hội cũng rất khó tiếp cận, bởi các ràng buộc về điều kiện thụ hưởng như thu nhập, địa chỉ thường trú, thời hạn đóng bảo hiểm.

Tương tự, tại tỉnh Đồng Nai, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cho hay, đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp của Chính phủ giao chỉ tiêu cho Đồng Nai 22.500 căn. Tuy vậy, UBND tỉnh Đồng Nai đã đặt mục tiêu phát triển ít nhất 50.000 căn trong giai đoạn 2021 - 2030 nhưng trong quá trình thực hiện các dự án gặp một loạt khó khăn, vướng mắc như việc lựa chọn chủ đầu tư dự án đối với trường hợp tổ chức đang thuê đất của nhà nước; lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đối với quỹ đất 20% của dự án nhà ở thương mại; việc bố trí công trình tiện ích công cộng trong dự án…

Thực tế, Đồng Nai đặt ra mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 xây dựng 10.000 căn nhà ở xã hội, nhưng đến nay mới thực hiện được hơn 950 căn. Dự kiến năm 2024, sẽ có thêm hơn 700 căn nhà ở xã hội. Do đó, để đạt mục tiêu đề ra không hề dễ dàng, nếu không muốn nói là không thể.

Khó khăn vẫn bủa vây

Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh Lê Trần Kiên cho biết, dù lãi suất một số ngân hàng đã giảm, việc huy động qua kênh trái phiếu đã có dấu hiệu tích cực trở lại, tuy nhiên, dự báo công tác phát triển nhà ở và thị trường bất động sản trong giai đoạn 2023-2025 sẽ tiếp tục gặp không ít khó khăn.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường đề nghị Sở Xây dựng nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư xây dựng nhà ở và nhà ở giá thành phù hợp cho người có thu nhập thấp. Mặt khác, đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản, tiếp tục quan tâm, rà soát, giải quyết vướng mắc về pháp lý cho các dự án thuộc thẩm quyền của địa phương; tránh đùn đẩy trách nhiệm hoặc chậm trễ trong giải quyết các thủ tục.

Về phía tỉnh Bình Dương, với mục tiêu đến năm 2025 sẽ xây dựng được hơn 42.000 căn nhà ở xã hội, thì theo ông Phan Cao Phúc - Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản tỉnh Bình Dương, hiện nay Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản mới đã tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc cho chủ đầu tư và đối tượng mua nhà ở xã hội. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu trên và để người lao động sớm tiếp cận được nhà ở xã hội thì cần xem lại lãi suất cho vay.

“Nguồn vốn mua nhà ở xã hội do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành thời gian qua lãi suất vẫn còn cao khiến người dân còn e ngại. Chính phủ và các cơ quan trong đó có Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét giảm lãi suất để người dân có thể tiếp cận tốt hơn và có cơ hội mua nhà ở trong tình hình còn nhiều khó khăn”, ông Phúc đưa ra quan điểm.

Trong khi chờ quy định của pháp luật được sửa đổi, các doanh nghiệp bất động sản mong rằng, những khó khăn nội tại cần sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh Bình Dương để tháo gỡ.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp chú trọng quy hoạch các dự án về nhà ở an sinh xã hội. Tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở xã hội; thực hiện chính sách xã hội hóa việc xây dựng nhà ở để bán và cho thuê đối với người có thu nhập thấp, thực hiện tốt các chính sách ưu đãi của Nhà nước về đầu tư nhà ở, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, giải quyết nhà ở cho các đối tượng chính sách, cho công nhân và người lao động có thu nhập thấp, góp phần bảo đảm ổn định cuộc sống cho người lao động, đóng góp lâu dài cho sự phát triển chung của Bình Dương.

Còn đối với tỉnh Đồng Nai, ông Hồ Văn Hà, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, hiện nay, do các quy định “vênh” nhau nên hiệu quả chưa cao, cần có các giải pháp tháo gỡ. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần tác động để các ngân hàng thương mại vào cuộc giúp chủ đầu tư, người mua nhà tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Sở Xây dựng sẽ tổng hợp các vướng mắc về thủ tục, tham mưu UBND tỉnh có văn bản kiến nghị Bộ Xây dựng tháo gỡ, đồng thời tham mưu cho tỉnh chính sách vay vốn “thoáng” hơn đối với nguồn vay từ ngân sách tỉnh.

Đến thời điểm hiện tại, Đồng Nai có 2 dự án nhà ở xã hội đã bốc thăm chọn người mua, 5 dự án được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư. Các dự án này được triển khai, về đích đúng kế hoạch sẽ đáp ứng một phần mong mỏi của người dân, góp phần thực hiện mục tiêu 10.000 căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2025.

Để phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn tới, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức đề nghị các sở, ngành cần nỗ lực nhiều hơn. Trước mắt, tập trung cho 5 dự án đã có chủ trương. Tiếp đó, Sở Xây dựng tổ chức hội nghị về nhà ở xã hội, nghiên cứu rút ngắn các thủ tục hành chính, thực hiện điều chỉnh quy hoạch xây dựng một số dự án. Đồng thời, đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai đẩy nhanh khâu thẩm định hồ sơ, hỗ trợ địa phương lập hồ sơ trình dự án mới.

Theo Thành Nam, Quang Sơn/nhanhdan.vn