Hà Nội - Điểm đến đầu tư an toàn, thân thiện

Giám đốc khối kinh doanh Quốc tế khu vực phía Bắc, HSBC Việt Nam Trần Đức:

Hà Nội đóng vai trò quan trọng như một cửa ngõ kết nối với các khu công nghiệp lớn

Ông Trần Đức

Hà Nội với vị trí là Thủ đô có nhiều lợi thế khác biệt về mặt chính sách ưu đãi, nhân khẩu học đa dạng, lực lượng lao động lành nghề, cơ sở hạ tầng tốt và là nơi đặt trụ sở của các bộ, ban, ngành, phòng kinh doanh và hiệp hội. Ngoài những lợi thế đã nêu ở trên, Hà Nội với hệ thống thông tin minh bạch và khả năng tiếp cận các cơ quan chính phủ cho phép các DN nước ngoài có thể tiếp cận thông tin liên quan cho các hoạt động đầu tư và lập kế hoạch kinh doanh của họ.

Đây là những yếu tố chính để các DN nước ngoài cân nhắc thiết lập sự hiện diện của họ.

Khi hoạt động sản xuất trở lại guồng quay sau đại dịch Covid-19, các DN nước ngoài mới mở rộng sản xuất bên ngoài Trung Quốc, cụ thể là ở các lĩnh vực như điện tử, dệt may...

Khi đó, Hà Nội đóng vai trò quan trọng như một cửa ngõ kết nối với các khu công nghiệp lớn xung quanh, cụ thể là Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên và các tỉnh lân cận khác. Các ông lớn công nghệ như Samsung, LG, Intel, Foxconn… đã đổ vốn đầu tư lớn vào Việt Nam.

Trong khi đó, Samsung đã chọn Hà Nội để đầu tư Trung tâm R&D của họ, điều này chứng tỏ khả năng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chất lượng cao của TP. Nhìn kỹ hơn vào số liệu thống kê FDI của Hà Nội, có thể thấy rõ ràng rằng các khoản đầu tư đang tập trung vào lĩnh vực phát triển bất động sản và dịch vụ, thông qua việc mua cổ phần vào các DN Việt Nam. Xu hướng này được dự báo tiếp tục là mũi nhọn phát triển kinh tế của Hà Nội trong những năm tới.

Mặc dù vậy, còn một số mặt cần Chính phủ và các cấp chính quyền TP Hà Nội tập trung cải thiện, đặc biệt là về thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư nước ngoài, quy hoạch TP và áp dụng chuyển đổi số.
Với vị trí địa lý chiến lược được kết nối với các khu công nghiệp lớn xung quanh,

Hà Nội nên tập trung cải thiện khả năng kết nối, cơ sở hạ tầng và đẩy nhanh phát triển khu công nghệ cao để thu hút đầu tư nước ngoài lớn hơn vào mảng R&D hoặc trung tâm dữ liệu. Ngoài ra, với mật độ dân số cao và tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, Hà Nội nên xây dựng kế hoạch dài hạn và chính sách đầu tư hấp dẫn hơn vào các lĩnh vực y tế, giáo dục có nhiều tiềm năng trong tương lai gần.

Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến Thương mại Nhật Bản tại Hà Nội (JETRO
Hà Nội) kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) Takeo Nakajima:

Hà Nội có nhiều ưu điểm vượt trội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức

Ông Takeo Nakajima

Về ưu điểm, Hà Nội vượt trội so với các TP xung quanh khác về mọi mặt. Hà Nội sắp đạt quy mô dân số 8,5 triệu người, có thu nhập cao, nơi tập trung các cơ quan chính phủ, tập đoàn lớn, trường đại học và là nơi tập trung thông tin và cơ hội kinh doanh.

Bên cạnh đó, TP còn có các sân bay và mạng lưới đường bộ phát triển tốt, cùng với đó là môi trường sống, giáo dục, chăm sóc y tế và giải trí tốt. Đây là một thị trường hấp dẫn từ cả khía cạnh tiêu dùng, DN và chính phủ. Đồng thời Hà Nội có nền tảng để chấp nhận thay đổi, bao gồm số hóa, xanh hóa, và phát triển thông qua việc chú trọng hoạt động R&D.

Tuy nhiên, chính bởi sự nổi trội này, cạnh tranh giữa các công ty tại Hà Nội đang rất gắt gao trong việc tuyển dụng nhân sự, cùng với đó là chi phí tăng về lao động, văn phòng và giá bất động sản.

Hà Nội cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề như gia tăng ách tắc giao thông do dân số đông đúc, ô nhiễm không khí và các vấn đề về tiếng ồn, nguồn cung cấp nước và điện không ổn định. Ở miền Bắc, Hà Nội vượt trội so với các TP khác ở Việt Nam về hầu hết các khía cạnh và các công ty sẽ coi Hà Nội là nơi đầu tiên đầu tư.

Chính vì thế những ưu tiên của TP hiện nay là: cần cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, bãi đỗ xe và mạng lưới đường sắt để rút ngắn thời gian đi lại của người dân; thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, Hà Nội cần nhanh chóng chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo và điện năng sạch, bền vững hơn; để có một TP an toàn và an ninh, đề ra những giải pháp cũng như dành đầu tư đúng mức cho vỉa hè rộng và công viên, khu vui chơi cho các tầng lớp Nhân dân. Bên cạnh đó, khu vực phía Tây Hà Nội còn nhiều dư địa phát triển.

Đặc biệt, TP thiếu các năng lực du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo...), chẳng hạn như địa điểm tổ chức các sự kiện và triển lãm quốc tế, hội nghị, khách sạn chức năng và giao thông thân thiện với môi trường; MICE sẽ quốc tế hóa nền kinh tế, thu hút khách quốc tế và DN trong suốt cả năm, qua đó nâng cao chức năng của TP và thúc đẩy đổi mới đô thị.

Trưởng đại diện Văn phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp - Việt (CCIFV) tại Hà Nội Sophie Mermaz:

Hãy làm cho Hà Nội xinh đẹp trở nên đáng sống hơn nữa

Bà Sophie Mermaz

FDI từ Pháp hiện đứng thứ ba trong số các nước châu Âu đầu tư vào Việt Nam, chúng tôi có sự hiện diện tương đối mạnh ở đây.
Tại CCIFV, chúng tôi nhận được khá nhiều các yêu cầu tìm hiểu về thông tin đầu tư và thị trường ở miền Bắc Việt Nam và
Hà Nội nói riêng. Vào tháng 8 năm 2022, chúng tôi đã mở rộng Trung tâm Kinh doanh tại Hà Nội để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.
Ghi nhận bước đầu cho thấy, những năm gần đây, Hà Nội luôn đứng đầu các địa phương về môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Nhiều DN nước ngoài đầu tư tại Hà Nội đánh giá cao sự cải thiện và cởi mở, khả năng tiếp cận thông tin và cải thiện cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên, Hà Nội vẫn cần nỗ lực để phát triển xứng tầm Thủ đô của những nước phát triển. Bên cạnh đó, việc duy trì môi trường pháp lý minh bạch, dễ đoán định là yếu tố quan trọng để thu hút DN nước ngoài.

Để trở thành điểm đến đầu tư lý tưởng ở Đông Nam Á, Hà Nội cần tiếp tục kiến tạo môi trường kinh doanh thân thiện, đồng thời dành nhiều ưu đãi hơn nữa cho các nhà đầu tư nước ngoài. Đôi khi DN phàn nàn về thủ tục pháp lý rườm rà, chi phí đắt đỏ.

Do đó, chính sách hỗ trợ nhiều hơn cho các DN nước ngoài là chìa khóa, theo đó là môi trường kinh doanh thân thiện, giảm thuế thu nhập DN…

Ngoài ra, các nhà đầu tư đang tìm kiếm các khu công nghiệp hiện đại, dễ dàng tiếp cận. Chính vì thế Hà Nội cần đẩy mạnh số hóa các thủ tục hành chính, đồng thời cung cấp các dịch vụ đa ngôn ngữ và bảo đảm các dịch vụ và thông tin trực tuyến có sẵn bằng tiếng Anh.

Một yếu tố quan trọng khác là giảm thiểu ô nhiễm, sử dụng nhiều năng lượng tái tạo hơn và cải thiện quản lý chất thải. Hà Nội là một TP xinh đẹp, hãy làm cho nơi đây trở nên đáng sống hơn nữa!

Sơn Nguyễn - Ngọc Lâm