Hà Nội: Doanh nghiệp chuẩn bị nguồn cung hàng hóa dịp Tết Nguyên Đán

Sẵn sàng đầy đủ nguồn cung và dự trữ

Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là đến Tết Giáp Thìn 2024, đây là dịp nhu cầu mua sắm, tiêu dùng hàng hóa của người dân càng tăng cao. Để đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết của người dân trên địa bàn Thành phố, đồng thời, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố à Nội… Sở Công Thương Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 4884/KH-SCT về Phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2024. Trong đó, chú trọng đến những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa…

Dự báo về khả năng cung ứng và nhu cầu một số nhóm hàng thiết yếu, dịp cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán 2024, Sở Công Thương Hà Nội ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn Thành phố đạt khoảng 40.900 tỉ đồng (tăng 10% so với Tết năm 2023).

Các doanh nghiệp Thủ đô chuẩn bị nguồn cung hàng hóa dịp Tết tăng đến 25%

Bên cạnh đó, để đảm bảo nguồn cung hàng hóa, từ tháng 9/2023, Sở Công Thương Hà Nội đã chủ động theo dõi sát thông tin tình hình thị trường và xây dựng Kế hoạch phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, trong đó, Sở đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở sản xuất các mặt hàng phục vụ Tết có kế hoạch sản xuất đảm bảo nguồn cung đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn Thành phố; khuyến khích các đơn vị tổ chức sự kiện, các doanh nghiệp tổ chức các hội chợ Tết phục vụ nhân dân; Tiếp nhận, hướng dẫn các đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn tổ chức các chương trình khuyến mại phục vụ nhân dân trong dịp Tết; Tiếp tục thực hiện Chương trình bình ở thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn Thành phố năm 2023 và chương trình dự trữ hàng hóa phòng chống thiên tai để chủ động về hàng hóa, ổn định giả cả để góp phần ổn định thị trường hàng hóa thiết yếu trong dịp Tết…

Theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch khai thác hàng hóa phục vụ Tết tăng trung bình từ 7% - 25% tùy từng mặt hàng so với Kế hoạch phục vụ Tết năm 2023 sẵn sàng phục vụ nhân dân (trong đó, tỉ trọng hàng Việt Nam, nhất là hàng nông sản đặc trưng của các địa phương, sản phẩm OCOP chiếm khoảng 90%). Hiện, toàn bộ các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng có nhu cầu sử dụng cao trong dịp Tết đang được các doanh nghiệp sản xuất hối hả chuẩn bị và đưa đến các hệ thống phân phối.

Về phía hệ thống phân phối, hiện các hệ thống đã đàm phán với doanh nghiệp sản xuất về nguồn cung cũng như giá cả cả đây từ 3 - 6 tháng, để chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ nguồn cung và dự trữ theo chỉ đạo của Sở Công Thương Hà Nội, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô cả trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2024.

Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cũng cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp đã chủ động dự trữ hàng hóa cao hơn so với mức mà Sở Công Thương và thành phố Hà Nội giao, để sẵn sàng đối phó với các tình huống khẩn cấp, các tình huống dịch bệnh hoặc những tình huống bất khả kháng có thể xảy ra, từ đó có thể chủ động đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân trong dịp Tết Nguyên đán này.

Sở Công Thương Hà Nội triển khai nhiều chương trình kết nối giao thương chuẩn bị nguồn cung hàng hóa và dự trữ cho dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2024

“Năm nay, do điều kiện kinh tế của thế giới và trong nước còn gặp rất nhiều khó khăn, người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu và chỉ mua sắm các sản phẩm mặt hàng thiết yếu cho người dân. Do đó, để kích cầu tiêu dùng, Sở Công Thương Hà Nội đã tham mưu cho Thành phố ban hành các chương trình khuyến mại tập trung. Các doanh nghiệp chủ động đưa ra các chương trình khuyến mại hấp dẫn, kết nối với các nhà sản xuất để từ đó giảm giá thành và đưa ra các chương trình khuyến mại từ cơ sở sản xuất đến cơ sở phân phối, phục vụ nhu cầu người tiêu dùng, đồng thời đưa ra các chương trình quảng bá sản phẩm để kích thích người dân “mở ví”, tăng tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán”, bà Trần Thị Phương Lan cho hay.

Hàng Việt sẽ tiếp tục “lên ngôi”

Cùng với việc thực hiện đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa ổn định, thời điểm này, các doanh nghiệp cũng đang hối hả chuẩn bị nguồn hàng và đưa hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết vào các hệ thống phân phối. Theo dự báo, với việc thành phố Hà Nội, Sở Công Thương Hà Nội đẩy mạnh việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, theo dự báo, năm nay thị trường hàng Việt tiếp tục “lên ngôi” trong cuộc cạnh tranh thị phần cung cấp hàng hóa Tết cho người tiêu dùng Thủ đô.

Đề cập vấn đề này, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, đối với hàng Việt, những năm gần đây, các doanh nghiệp sản xuất trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp của thành phố Hà Nội đã nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu của người dân thông qua Chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” của thành phố Hà Nội. Do đó, các sản phẩm của doanh nghiệp đã tiếp cận trực tiếp và rất gần với người tiêu dùng Thủ đô.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng chú trọng trong công tác quảng bá, xây dựng thương hiệu, thiết kế các mẫu mã, bao bì, đóng gói phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng. Để làm sao hàng hóa đến được với người tiêu dùng sử dụng một cách thuận tiện nhất, giá ưu đãi nhất, chất lượng tốt nhất.

Hàng hóa Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục chiếm lĩnh thị trường dịp Tết Nguyên đán 2024

Nhằm đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, theo đại diện Sở Công Thương Hà Nội, thời gian tới, Sở phối hợp với các Sở, ngành thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã, các đơn vị sản xuất kinh doanh triển khai các chương trình, hoạt động, sự kiện kích cầu mua sắm dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như: Tổ chức các chợ hoa Xuân phục vụ Tết; tổ chức các điểm, chuyến bán hàng phục vụ Tết tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực nông thôn để phục vụ nhân dân dịp Tết Nguyên đán; tổ chức các sự kiện thực hiện Kế hoạch kích cầu tiêu dùng, tăng tổng mức bán lẻ, doanh thu dịch vụ tiêu dùng, chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024 và các sự kiện của Thành phố thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…

Box: Nhằm đảm bảo nguồn cung xăng dầu, bên cạnh việc theo dõi sát tình hình thị trường, Sở Công Thương Hà Nội chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn có kế hoạch về nguồn cung xăng dầu, không găm hàng, bán đúng giá niêm yết, mở cửa hàng theo đúng thời gian quy định góp phần bình ổn thị trường xăng dầu trên địa bàn Thành phố để đảm bảo sản xuất, kinh doanh lưu thông.

Tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn; phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn Thành phố, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm quy định trong kinh doanh xăng dầu.

Đỗ Đạt