Hà Nội - tầm nhìn và khát vọng tương lai

Trong tầm nhìn đến năm 2050, à Nội đặt mục tiêu phát triển là TP “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Người Hà Nội với tình yêu đậm sâu đất Thăng Long ngàn năm văn hiến luôn mang trong mình khát vọng xây dựng Thủ đô hùng cường, nhưng vẫn giữ được sự hài hòa giữa bản sắc truyền thống với hiện đại, giữa quan điểm giữ gìn cốt cách người Hà Nội với sự bứt phá hội nhập để tỏa sáng.

Có lẽ chưa bao giờ, Hà Nội dốc lòng thực hiện cùng lúc 3 việc lớn - bộ ba thể chế hoạch định tầm nhìn và khát vọng vươn tới cho mảnh đất nghìn năm văn hiến như năm 2023 này. Cùng với Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và Luật Thủ đô (sửa đổi), Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang ký họa vóc dáng Hà Nội trong tương lai gần và tầm nhìn hơn 2 thập kỷ với khát vọng khởi hành từ trái tim và niềm tin khởi hành từ vốn văn hóa, văn hiến ngàn năm.

Chính người đứng đầu chính quyền TP Hà Nội - Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh đã khẳng định: “Đây là cơ hội hiếm để mỗi chúng ta cống hiến cho Hà Nội trong xây dựng, hoàn thiện bộ ba thể chế có tầm ảnh hưởng lâu dài, định hình cho sự phát triển của Thủ đô trong tương lai”.

Thành phố Hà Nội không ngừng phát triển hiện đại, văn minh. Ảnh: Phạm Hùng

Trên cả hành trình hiện thực hóa khát vọng “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, Hà Nội luôn bền chắc quan điểm: Văn hóa và con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, là động lực, nguồn lực quan trọng để phát triển Thủ đô.

Điều đó thật “thuận” với đất và người “kẻ chợ” bởi bấy lâu nay Hà Nội vẫn là vùng địa linh nhân kiệt, hội tụ hiền tài, trí tuệ của quốc gia, ôm trong lòng cả nghìn năm trầm tích lịch sử văn hóa. Bao nhiêu năm nay, với Hà Nội, văn hóa và con người luôn được xác định là nguồn lực đặc biệt, chứa đựng tiềm năng vô cùng lớn.

Để văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, thì văn hóa nhất thiết phải hiện diện trong toàn bộ quá trình xây dựng và phát triển của các lĩnh vực. Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng không đi chệch quỹ đạo đó, nên từ Đề cương định hướng cho đến dự thảo Báo cáo Quy hoạch đã hình thành đều xác định đặc trưng của Hà Nội là “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Nhớ lại chuỗi hội thảo “chạy dọc” các sở, ngành, quận, huyện, thị xã để lấy ý kiến góp ý cho phương án phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô, mới thấy rõ quan điểm nhất quán của lãnh đạo TP: nguồn lực quan trọng cho sự phát triển bền vững của Thủ đô là văn hóa và con người Hà Nội.

Trong đó, không gian văn hóa được chú trọng mở rộng, phát triển hiệu quả các di sản phục vụ phát triển Thủ đô. Đây chính là nền tảng để các đơn vị tư vấn suy ngẫm, nghiên cứu và định hình cho sự phát triển các không gian văn hóa đặc sắc của Thủ đô sau này.

Các chuyên gia tâm huyết, gắn bó với Hà Nội lâu nay cũng đồng tình: Hà Nội cần xác định rõ triết lý phát triển, lấy con người là trung tâm và coi trọng phát triển môi trường văn hóa. Vì xa rời văn hóa thì không kết nối được với lịch sử, trong khi Hà Nội vốn dĩ là đô thị có bề dày lịch sử ngàn năm văn hiến.

Đặc biệt, với hệ thống di sản văn hóa đa dạng, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống phải là một phần quan trọng trong quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội. Đây chính là một trong những nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Song song với đó là nguồn lực về con người - yếu tố hàng đầu để công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đạt hiệu quả.

Quy hoạch Thủ đô giờ đã đi được quá nửa hành trình với nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Thời gian chưa nhiều, song sản phẩm mà người Hà Nội rút ruột, dày công đêm ngày đã nên hình hài bằng Dự thảo Báo cáo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội 1.200 trang được tích hợp từ 39 nội dung đề xuất của các ngành, lĩnh vực, 30 nội dung đề xuất của các quận, huyện, thị xã kèm theo hệ thống sơ đồ, bản đồ được số hóa.

Nội dung chủ yếu của bản Quy hoạch gồm: 5 quan điểm phát triển, 8 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá và 2 ưu tiên thực hiện.

Hà Nội ở phía tương lai được nghiên cứu tổ chức thành 5 vùng phát triển kinh tế - xã hội, 5 không gian chú trọng phát triển (không gian văn hóa, không gian xây dựng, không gian ngầm, không gian xanh, không gian số), các định hướng quy hoạch các ngành, lĩnh vực, địa bàn được tập trung theo 5 tuyến hành lang và vành đai kinh tế, gắn với 5 trục phát triển, cùng với hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ; đồng thời hình thành 2 TP trực thuộc Thủ đô, tạo nên hình ảnh Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại - Kết nối toàn cầu với những đặc trưng về kinh tế - xã hội phát triển, văn hóa đặc sắc, môi trường xanh, trong lành, người dân được thụ hưởng cuộc sống chất lượng.

Các nội dung phương án quy hoạch xoay quanh 5 trụ cột phát triển: văn hóa, con người và di sản nghìn năm văn hiến; phát triển kinh tế xanh, kinh tế số; hạ tầng kết nối đồng bộ, hiện đại; xã hội số, đô thị thông minh; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Có thể thấy rõ quan điểm lấy con người làm trung tâm, chủ thể, nguồn lực, động lực và mục tiêu của phát triển luôn được nhấn mạnh trong 5 quan điểm phát triển Thủ đô.

Mọi đổi thay ở thì tương lai đều hướng đến mục tiêu đáp ứng yêu cầu của Nhân dân, được đa số đồng thuận trên cơ sở tiêu chí người dân có điều kiện sống tốt hơn, DN có cơ hội đầu tư tạo thêm việc làm, hướng đến mục tiêu xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Nó tựa như lời khẳng định: Hà Nội tiếp tục xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa, lịch sử đặc thù trên địa bàn; đẩy mạnh kết nối và hòa nhịp văn hóa Thăng Long và văn hóa xứ Đoài tạo nguồn lực cho phát triển; xây dựng người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, văn minh và tiêu biểu.

Chính vì thế mà khâu đột phá được lựa chọn không gì khác là kiến tạo không gian, cảnh quan và môi trường văn hóa, khuyến khích xã hội hóa, phát huy các giá trị của di sản, văn hóa đặc thù của Thủ đô, từ đó “biến di sản thành tài sản; biến văn hóa thành hàng hóa; biến tài nguyên thành tài chính; biến nguồn lực thành động lực; biến môi trường thành thị trường; biến giá trị thành giá cả” vì sự phát triển bền vững của Thủ đô.

Cũng phải nói thêm rằng, trong định hướng phát triển không gian đô thị, TP đã và đang chú trọng tạo lập các không gian tổ chức hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, vui chơi giải trí tại các đô thị, xây dựng không gian tái hiện các lễ hội, thực hành di sản văn hóa mang đặc trưng Thăng Long - Hà Nội và Vùng đồng bằng sông Hồng dọc con đường di sản hai bên sông Hồng.

TP sẽ ưu tiên nguồn lực xây dựng một số công trình văn hóa, khu liên hợp thể thao hiện đại đáp ứng yêu cầu tổ chức các sự kiện cấp quốc gia và quốc tế ở khu vực phía Bắc; đầu tư một số công trình như nhà hát Opera, trung tâm hội chợ, triển lãm quốc gia, trung tâm thiết kế sáng tạo Hà Nội, quảng trường - tượng đài - đại lộ trung tâm kết nối trung tâm hành chính mới của TP ở khu phía Bắc sông Hồng với trung tâm Ba Đình…

Vóc dáng Hà Nội ở phía tương lai đã được phác họa trong bức tranh Quy hoạch Thủ đô với gam màu chủ đạo là văn hóa và con người vùng đất ngàn năm văn hiến. Ấy là Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, đại diện cho hình ảnh vị thế nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng có trình độ phát triển hàng đầu trong khu vực, ngang tầm Thủ đô các nước tiên tiến châu Á; là TP kết nối toàn cầu, Xanh - Thông minh - Thanh bình - Thịnh vượng; là nơi đáng đến và lưu lại, đáng sống và cống hiến.

Nhật Minh