Hà Nội: Thực hiện kiểm tra, giám sát mở rộng để phòng ngừa vi phạm

Điều này góp phần hoàn thành cơ bản và vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của Thành phố à Nội năm 2023.

Quang cảnh hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát năm 2023 tại Thành ủy Hà Nội.

Tập trung kiểm tra, giám sát vấn đề nổi cộm, gây bức xúc

Theo Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Nguyễn Chí Lực, năm 2023, trọng tâm kiểm tra, giám sát của các cấp ủy Đảng là công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện các chương trình công tác toàn khóa; việc thực hiện các kết luận kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; công tác cán bộ; chú trọng kiểm tra, giám sát tổ chức Đảng gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền.

Qua đó, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã kịp thời tham mưu các cấp ủy Đảng giải quyết ngay những vấn đề vướng mắc ở cơ sở. Tham mưu xây dựng, ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, báo cáo sơ kết, tổng kết các chỉ thị, quy định về công tác kiểm tra, giám sát bảo đảm đúng quy định, yêu cầu theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Trong năm qua, Ban Thường vụ Thành ủy đã triển khai 2 cuộc kiểm tra đối với 62 tổ chức Đảng, 10 đảng viên; 2 cuộc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 4 tổ chức Đảng. Ủy ban Kiểm tra các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 145 tổ chức Đảng và 360 đảng viên (tăng 24 đảng viên so với cùng kỳ năm 2022). Nội dung kiểm tra tiếp tục tập trung vào những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội; việc mới, khó, phức tạp như liên quan đến Công ty CP Tiến bộ quốc tế AIC; mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế; việc quản lý đất đai, trật tự xây dựng; công tác cán bộ…

Ngoài ra, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã thi hành kỷ luật 5 tổ chức Đảng và 19 đảng viên. Ủy ban Kiểm tra cấp huyện ủy và tương đương thi hành kỷ luật 279 đảng viên. Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy cơ sở thi hành kỷ luật 42 đảng viên…

Bên cạnh đó, công tác giám sát chuyên đề tập trung vào việc thực hiện quy chế làm việc của cấp ủy và công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ chính trị; kịp thời giám sát công tác quản lý đất đai ở những địa bàn có Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đi qua; việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác kê khai, công khai tài sản, thu nhập…

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội Hoàng Trọng Quyết phát biểu tại Hội nghị giao ban công tác kiểm tra, giám sát với các quận, huyện ủy có Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đi qua địa bàn. Ảnh: Viết Thành

Chọn lĩnh vực để tiến hành kiểm tra, giám sát

Trao đổi tại Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát năm 2023 diễn ra mới đây, lãnh đạo các quận, huyện trên địa bàn Thành phố đều cho rằng, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng bộ Thành phố Hà Nội đã bám sát và phục vụ kịp thời những nhiệm vụ chính trị của Trung ương và Thành phố. Chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát cũng được nâng lên. Nội dung kiểm tra, giám sát được thực hiện đúng trọng tâm, trọng điểm, giải quyết đúng các vấn đề dư luận quan tâm, bức xúc.

Tại quận Cầu Giấy, năm 2023, Ủy ban Kiểm tra Quận ủy Cầu Giấy đã khảo sát, quyết định kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 2 tổ chức Đảng, 7 đảng viên. Qua kiểm tra, đã kết luận 2 tổ chức Đảng, 7 đảng viên có vi phạm; yêu cầu kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với 1 tổ chức Đảng, kiểm điểm trách nhiệm đối với 2 đảng viên; xem xét, thi hành kỷ luật đổi với 1 tổ chức Đảng và 5 đảng viên...

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quận ủy Cầu Giấy Lê Thị Tú cho biết, để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này, Ủy ban Kiểm tra Quận ủy xác định, công tác thẩm tra, xác minh là một khâu rất quan trọng trong toàn bộ quá trình thực hiện nhiệm vụ của đoàn kiểm tra. Quá trình thực hiện phải bảo đảm nguyên tắc "chứng cứ đến đâu, kết luận đến đó, không suy diễn, không áp đặt, không thành kiến” và phải được tiến hành một cách thận trọng, khoa học, chặt chẽ, bảo đảm công tâm, khách quan, chính xác để đối tượng kiểm tra “tâm phục, khẩu phục” chấp hành kết luận kiểm tra.

Từ thực tế triển khai, thực hiện ở địa phương, Bí thư Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Thanh Liêm cho biết, trong công tác kiểm tra, giám sát, Huyện ủy Mê Linh đã có những phương pháp, cách thức sáng tạo nhằm tăng cường các kênh, hình thức giám sát của cấp ủy Đảng, tránh phát sinh vi phạm. Nếu có vi phạm, cũng được phát hiện, khắc phục kịp thời.

Theo đó, huyện đã công khai 2 đường dây nóng (số máy của Huyện ủy và số máy của Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy) để tiếp nhận các phản ánh về vi phạm quy định đất đai, trật tự xây dựng... Qua công tác kiểm tra, giám sát, huyện đã đúc rút một số bài học kinh nghiệm, trong đó, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy Đảng, người đứng đầu các cấp ủy Đảng.

Tại quận Hoàng Mai, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Xuân Phong cho biết, quận chú trọng nhiệm vụ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và giám sát chuyên đề. Trong đó, Quận ủy đã chọn một số lĩnh vực cần có sự chuyển biến mạnh để lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giảm sát. Nhờ đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, đồng thời góp phần đưa công tác kiểm tra, giám sát đạt được nhiều kết quả tích cực. "Bài học kinh nghiệm được quận rút ra là phải thưởng xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiếm tra, giám sát từ khâu xây dụng chương trình, kế hoạch đến việc tổ chức thực hiện"- Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hoàng Mai nêu.

Nhấn mạnh năm 2024 là năm tăng tốc thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII, Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị, Ủy ban Kiểm tra các cấp tiếp tục tập trung kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt các lĩnh vực, khu vực dễ xảy ra tiêu cực, sai sót, như: quản lý sử dụng tài chính công, tài cản công, quy hoạch quản lý đất đai, trật tự xây dựng, công tác cán bộ, khối nội chính. Đặc biệt, công tác kiểm tra tiếp tục làm tốt việc "đi trước, mở đường" trong phát hiện vi phạm và thực hiện giám sát mở rộng để tập trung vào phòng ngừa vi phạm…

Nguyên Bảo