Hàng chục nghìn nhà hàng Đức bên bờ phá sản

Theo nhà cung cấp dữ liệu Crif, hơn 15.000 nhà hàng tại Đức đang đứng trước bờ vực phá sản.

Cơ quan này cũng nhận định rằng tình trạng mất khả năng thanh toán trong lĩnh vực dịch vụ sẽ tăng trở lại trong năm nay, sau mức tăng 36,5% vào năm ngoái.

Bước vào năm 2024, số lượng doanh nghiệp Đức phá sản dự kiến sẽ nhiều hơn so với năm 2023, do chi phí năng lượng cao và chính phủ chấm dứt các gói viện trợ thời đại dịch Covid-19.

Theo các chuyên gia, việc Berlin rút lại các gói viện trợ đã đẩy những công ty vốn đang chỉ tồn tại nhờ vào sự hỗ trợ của nhà nước giờ đứng trước bờ vực phá sản.

Khoảng 15.000 nhà hàng, quán ăn nhanh của Đức đang đứng trước bờ vực phá sản. Ảnh: The Financial Times

Kể từ đầu năm nay, một số công ty lớn tại Đức, như: chuỗi cửa hàng bách hóa Galeria Karstadt Kaufhof hay nhà sản xuất túi Bree tại Hamburg đã nộp đơn xin phá sản. Không những vậy, ngày càng nhiều công ty gặp khó do tình trạng trì trệ của kinh tế Đức, lãi suất và giá năng lượng tăng cao cùng với việc chính phủ siết chặt các khoản chi tiêu ngân sách. Các chuyên gia cho biết những nguyên nhân này đang khiến tỷ lệ vỡ nợ tăng từ 10-30%, vượt xa mức đại dịch.

Chẳng hạn, vào tháng 12, hãng sản xuất đồ chơi bằng gỗ lâu đời Haba đã bị tòa án tuyên bố mất khả năng thanh toán, và phải sa thải 1/3 nhân viên. Theo người phát ngôn Ilka Kunzelmann của công ty, bên cạnh chi phí năng lượng và giá gỗ tăng vọt, những sai xót của hệ thống công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh trực tuyến quần áo trẻ em đã góp phần làm gia tăng gánh nặng cho công ty.

Steffen Müller, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu phá sản tại Viện nghiên cứu kinh tế Halle, cho biết tỷ lệ vỡ nợ hàng tháng tại Đức (loại trừ các công ty chưa đăng ký hoặc có ít nhân viên) đã lần đầu tiên vượt mức trung bình trước đại dịch. Vào tháng 12, tỷ lệ này đã đạt mức cao nhất trong bảy năm qua.

“Chắc chắn, số lượng công ty mất khả năng thanh toán sẽ tiếp tục tăng trong hai đến ba tháng tiếp theo. Các doanh nghiệp có năng suất hoạt động thấp đã được chính phủ hỗ trợ rất nhiều trước đại dịch. Tuy nhiên, hiện tại, họ đang gặp khó khăn do không còn nhận được tiền viện trợ” – Ông cho biết.

Vào tuần trước, số liệu do cơ quan thống kê liên bang công bố cho thấy tính đến tháng 10, số lượng công ty nộp đơn xin phá sản tại các tòa án quận đã tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm 2022.

Mặc dù cảnh báo về những thách thức mà môi trường kinh doanh sẽ gặp phải, Bộ Kinh tế Đức cho rằng nếu xét trong thời gian dài, tình trạng mất khả năng thanh toán của doanh nghiệp vẫn chưa đến mức báo động.

Trong khi đó, Wolfgang Steiger, thành viên của đảng CDU đối lập, nhấn mạnh rằng các chính sách kinh tế không hiệu quả của Chính phủ Đức đã khiến tỷ lệ vỡ nợ ở nước này tăng nhanh hơn so với các quốc gia khác.

Tăng trưởng của nền kinh tế Đức đã giảm 0,4% trong quý 3 so với cùng kỳ năm trước, sau khi doanh số bán lẻ, xuất khẩu và sản xuất công nghiệp của nước này giảm mạnh.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD, mặc dù kinh tế Đức dự kiến sẽ tăng 0,6% trong năm nay, đây vẫn sẽ là một trong những nền kinh tế lớn trên thế giới có mức tăng trưởng thấp. Không những vậy, các chuyên gia kinh tế đã cắt giảm dự báo tăng trưởng, sau khi Berlin buộc phải cắt giảm chi tiêu. Điều này diễn ra khi chính phủ phải tìm các nguồn thu để bù vào khoảng trống ngân sách, trong bối cảnh Tòa án Hiến pháp phản đối việc nước này chuyển 60 tỷ euro từ quỹ đối phó đại dịch Covid-19 sang dành cho Quỹ Khí hậu và Chuyển đổi (KTF).

Do việc cắt giảm ngân sách, Berlin buộc phải chấm dứt việc áp dụng mức thuế VAT thấp dành cho các bữa ăn tại nhà hàng trong thời đại dịch, đồng thời cảnh báo về việc hàng nghìn quán ăn sẽ phải dừng hoạt động kinh doanh.

Bên cạnh đó, Hiệp hội bảo hiểm Đức gần đây đã cảnh báo về sự tăng mạnh của tình trạng vỡ nợ, sau khi các công ty bảo hiểm tín dụng đã phải trả hơn 1,2 tỷ euro vào năm 2023, tăng 44% so với năm 2022.

Tùng Lâm