Hàng trăm mã hồi phục mạnh, VN-Index tăng vọt lên sát mốc 1.130 điểm

Mặc dù thị trường có chút cân bằng hơn sau phiên mất điểm hôm qua nhưng giao dịch nhìn chung vẫn khá ảm đạm trong suốt cả phiên sáng 6/10. Bên cạnh thanh khoản chưa có tín hiệu cải thiện, chỉ số chung rung lắc nhẹ quanh mốc tham chiếu và đã có những nhịp lún xuống dưới mốc 1.110 điểm rồi nhanh chóng bật hồi.

Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường không có nhiều biến chuyển. Chỉ số VN-Index vẫn “dập dình” quanh mốc tham chiếu với giao dịch nhỏ giọt.

Nhưng sau hơn 1 giờ “gật gù”, thị trường cũng đã bừng tỉnh. Lực cầu gia tăng ở nhóm cổ phiếu bluechip đã giúp các mã đua nhau khởi sắc và lan tỏa toàn thị trường, giúp VN-Index nới rộng đà tăng và đóng cửa ở vùng giá cao nhất trong ngày.

Thị trường đã đóng cửa khả quan với sắc xanh chiếm áp đảo, gấp hơn 2 lần số mã giảm và nhóm VN30 cũng chỉ còn duy nhất MSN điều chỉnh nhẹ 0,1%, tuy nhiên, niềm vui chưa đủ trọn vẹn.

Bên cạnh thanh khoản thị trường ở mức khá thấp, với tổng giá trị giao dịch trên toàn thị trường chưa tới 15.000 tỷ đồng, trong đó sàn HOSE vẫn trong trạng thái "lùi dần đều"; chỉ số VN-Index dù được đánh giá là bật tăng khá tốt nhưng mức điểm số này chỉ vừa đủ để bù đắp cho phiên hôm qua (ngày 5/10).

Với những diễn biến trên, đây rất có thể cũng chỉ là một trong những nhịp hồi kỹ thuật. Tuy nhiên, “hãy vui khi đời cho phép”, và với sự phân tích của các chuyên gia, thị trường sẽ sớm tìm lại được điểm cân bằng để tiếp tục bước tiếp khi mức chiết khấu đã ngày càng hấp dẫn hơn.

Đóng cửa, sàn HOSE có 372 mã tăng (10 mã tăng trần) và 118 mã giảm, VN-Index tăng 14,65 điểm (+1,32%) lên 1.128,54 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 609 triệu đơn vị, giá trị 13.035,7 tỷ đồng, tăng nhẹ hơn 2% về khối lượng nhưng giảm 1,85% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 35,54 triệu đơn vị, giá trị 812,4 tỷ đồng.

Như đã nói ở trên, nhóm VN30 là động lực chính của thị trường khi có tới 26 mã tăng, chỉ còn 3 mã đứng giá và 1 mã điều chỉnh giảm. Trong đó, đại diện nhóm chứng khoán là SSI tăng tốt nhất khi đóng cửa tăng 4,1% lên mức giá cao nhất trong ngày 32.950 đồng/CP, đã đóng góp gần 0,5 điểm cho chỉ số chung.

Các mã có đóng góp lớn nhất cho chỉ số chung của thị trường phải kể đến VHM với gần 1,66 điểm; đáng kể là pha “quay xe” ngoạn mục của anh cả dòng bank là VCB đóng góp hơn 1,25 điểm…

Xét về nhóm ngành, trái với diễn biến phiên sáng, trong phiên chiều không có nhóm nào mất điểm. Trong đó, nhóm cùng nhịp đập thị trường là chứng khoán đương nhiên trở lại vị trí leader.

Nhóm chứng khoán chỉ còn duy nhất TVB giảm 1%, còn lại đều đảo chiều tăng vọt và hầu hết đều đóng cửa tại mức giá cao nhất ngày. Điểm sáng nhất vẫn là cặp đôi VIX và VND tiếp tục tăng tốc và đóng cửa tại mức giá trần với khối lượng khớp lệnh lần lượt đạt 37,83 triệu đơn vị và 34,77 triệu đơn vị.

Cổ phiếu SSI ngoài tăng mạnh về giá, thanh khoản cũng thuộc top 3 khi trên thị trường khi chỉ thua cặp anh em VIX và VND, với xấp xỉ 26,5 triệu đơn vị khớp lệnh. Ngoài ra, ORS tăng 5,1%, VDS tăng 3,1%, VCI và HCM cùng tăng 2,9%, CTS tăng 2,7%, BSI tăng 2,6%...

Nhóm ngân hàng cũng đồng loạt khởi sắc. Ngoài VCB, các mã khác như BID, CTG, STB đều đóng góp hơn 0,5 điểm cho chỉ số chung. Trong đó, cổ phiếu STB tăng tốt nhất ngành, đạt 3,51% và đóng cửa tại mức giá 30.950 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh cũng sôi động nhất dòng bank, đạt hơn 13,1 triệu đơn vị.

Ở nhóm bất động sản, các mã lớn bé đua nhau khởi sắc cũng giúp nhóm này củng cố vị thế, vươn lên top 5 nhóm ngành có mức tăng tốt nhất thị trường, với sự đóng góp chính của VHM tăng 3,37%. Các mã đáng chú ý khác trong ngành như DIG tăng 2,3% và khớp 21,9 triệu đơn vị, VCG tăng 4,7% và khớp gần 10,9 triệu đơn vị…

Điểm sáng ngành vẫn là cổ phiếu TCH. Sau khi có chút hụt hơi và để mất sắc tím ở phiên sáng, lực cầu tiếp tục mạnh mẽ đã giúp TCH củng cố đà tăng và đóng cửa tại mức giá trần 11.850 đồng/CP. Thanh khoản của TCH khá tốt khi thuộc top 10 mã dẫn đầu thị trường với hơn 13,2 triệu đơn vị khớp lệnh và còn dư mua trần hơn 1,53 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, nhận tín hiệu lạc quan từ sàn HOSE, thị trường cũng đã bật tăng sau nửa đầu phiên rung lắc và đóng cửa ở mức giá cao nhất ngày.

Chốt phiên, sàn HNX có 109 mã tăng và 52 mã giảm, HNX-Index tăng 2,45 điểm (+1,07%) lên 230,45 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 71,44 triệu đơn vị, giá trị đạt xấp xỉ 1.320 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 13,3 triệu đơn vị, giá trị 113,12 tỷ đồng, trong đó riêng PSI thỏa thuận 8,92 triệu đơn vị, giá trị 77,57 tỷ đồng.

Các cổ phiếu chứng khoán trên sàn HNX cũng là tâm điểm đáng chú ý của thị trường khi đồng loạt “quay xe” tăng vọt.

Cụ thể, SHS đóng cửa tăng 4,2% và tiếp tục có thanh khoản vượt trội với 24,17 triệu đơn vị khớp lệnh; MBS tăng 5,3% và khớp 4,2 triệu đơn vị; IVS tăng 4,1%; VIG, EVS, BVS đều tăng hơn 1%...

Bên cạnh đó, nhiều mã đáng chú ý cũng đã đảo chiều hồi phục tích cực như CEO tăng 1,1% và khớp 8,74 triệu đơn vị, HUT tăng 2,2% và khớp 4,81 triệu đơn vị, PVS tăng 1,1% và khớp 4,15 triệu đơn vị, IDC tăng 2,2% và khớp 2,25 triệu đơn vị…

Thị trường UPCoM cũng không nằm ngoài xu hướng khởi sắc của thị trường chung.

Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,41 điểm (+0,47%) lên 87,2 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 43,59 triệu đơn vị, giá trị 498,45 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,77 triệu đơn vị, giá trị 23,95 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR không còn ảm đạm như phiên sáng nhưng ảnh hưởng từ thông tin giá dầu giảm đã khiến mã này vẫn chưa thoát khỏi sắc đỏ. Đóng cửa, BSR giảm nhẹ 0,5% xuống mức 19.900 đồng/CP, khối lượng giao dịch vẫn dẫn đầu thị trường, đạt 9,79 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu chứng khoán trên UPCoM cũng khởi sắc hơn so với phiên sáng, với SBS đóng cửa tăng 1,3%, AAS đã lấy lại mốc tham chiếu, TCI tăng 2%.

Trên thị trường phái sinh, có 3 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 tăng và 1 hợp đồng đứng giá, trong đó hợp đồng đáo hạn gần nhất là

VN30F2310 tăng 18,4 điểm, tương đương tăng 1,6% lên mức 1.138,4 điểm, khớp lệnh đạt 240.000 đơn vị, khối lượng mở 45.818 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc xanh cũng chiếm ưu thế hơn, với CSTB2320 phiên này khớp lệnh cao nhất, đạt hơn 6,51 triệu đơn vị và đóng cửa tăng 16,3% lên 930 đồng/cq.

Tiếp theo là CVPB2307 khớp 4,46 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 9,4% lên 350 đồng/cq.

T.Thúy