Hãy tự trách mình trước khi kêu cứu!

Có nhiều ý kiến đề xuất nhà nước nên giải cứu các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn thông qua việc giãn thuế, giảm tiền thuê đất để thu hút đầu tư, nuôi dưỡng nguồn thu cho thành phố.

Xu hướng “thấy ăn khoai vác mai đi đào”

Câu chuyện người dân và các doanh nghiệp kinh doanh theo xu hướng “đám đông”, chạy theo phong trào đã tồn tại từ hàng chục năm nay. Nhiều doanh nghiệp và người dân cứ thấy lĩnh vực nào có lợi nhuận trước mắt là nhảy vào kinh doanh.

Trong lĩnh vực nông nghiệp xu hướng này thể hiện rõ nhất. Năm nào nhà nước, người dân cũng kêu gọi giải cứu cho dưa hấu, thanh long, vải thiều…Thỉnh thoảng vài năm người dân lại chặt cây điều trồng cao su rồi chặt cao su trồng cà phê tùy theo giá cả thị trường. Việc kinh doanh chạy theo phong trào sẽ dẫn đến cung vượt cầu, giá cả sẽ giảm theo quy luật cung cầu, gây thiệt hại vô cùng to lớn không những cho người dân, doanh nghiệp mà còn gây thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế.

Khu vực ven biển thành phố Đà Nẵng trong nhiều năm qua “chật chội” với nhiều dự án bất động sản. Ảnh: Nhân Tâm

Trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn những năm trước đại dịch Covid 19, thị trường này rất sôi động, lượng du khách ồ ạt đỗ về Đà nẵng đã lôi kéo rất nhiều nhà đầu tư nhảy vào kinh doanh khách sạn, homestay, khu nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó, giá thuê đất trong giai đoạn này rất thấp so với giá thị trường, nhiều nhà đầu tư cảm thấy có hiệu quả nên đã mạnh dạn đầu tư hàng loạt khách sạn, khu nghỉ dưỡng. Việc có rất nhiều nhà đầu tư nhảy vào kinh doanh đã gây nên một con sốt ảo và hậu quả là cung đã vượt cầu ngay cả khi thị trường không bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid 19 như hiện nay.

Cần phải thẳng thắn chấp nhận rằng trong cơ chế thị trường, doanh nghiệp phải tự đương đầu với cơ hội và rủi ro theo quy luật thị trường. Nhà nước không có trách nhiệm và không nên giải cứu doanh nghiệp làm ăn thua lỗ do những quyết định sai lầm của mình. Nếu doanh nghiệp nào làm ăn thua lỗ cũng yêu cầu nhà nước giải cứu sẽ tạo ra một tiền lệ xấu cho nền kinh tế. Các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực khách sạn thời gian qua đã chạy theo mục tiêu ngắn hạn mà chưa phân tích các chiến lược kinh doanh dài hạn bao gồm: các cơ hội, thách thức, các kịch bản chiến lược dựa trên xu hướng và khả năng xảy ra trong dài hạn. Có thể thấy kịch bản mà các nhà đầu tư kinh doanh khách sạn phải dự báo trước là: giá thuê đất sẽ tăng dần lên theo thời gian, tăng theo hướng bằng giá thị trường, giá thuê đất rẻ hiện tại chỉ là tạm thời. Các chủ trương chính sách của nhà nước đều cho thấy Luật đất đai 2013 sẽ được điều chỉnh dần và sửa đổi theo hướng giá đất phù hợp với giá thị trường. Lẽ ra các nhà đầu tư phải thận trọng trước xu hướng này trước khi quyết định đầu tư. Một kịch bản nữa cũng cần được dự báo là lượng khách sẽ sụt giảm, giá thuê phòng giảm do cung vượt cầu. Dịch Covid là nguyên nhân bất khả kháng, không lường trước nhưng cũng nằm trong dự báo lượng khách sụt giảm. Tuy nhiên rất ít doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm đến các phân tích, dự báo này để có sự chuẩn bị, kế hoạch dự phòng tốt nhất.

Những bài học cần rút ra sau khủng hoảng

Cơn sốt đầu tư khách sạn, homestay, khu nghỉ dưỡng quá đà chạy theo phong trào đã dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, tạo ra một cuộc khủng hoảng thừa về cung. Hậu quả là giá thuê phòng thấp, tỉ lệ phòng trống cao, nhiều doanh nghiệp đang lâm vào cảnh nợ thuế, nguy cơ bị cưỡng chế thuế, phả sản rất cao. Trong lúc này các doanh nghiệp cần rà soát, tái cấu trúc lại doanh nghiệp của mình theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Đây chính là thời điểm các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn cần thực thi chiến lược cắt giảm hoặc sáp nhập. Việc cắt giảm số lượng khách sạn trong chuỗi thông qua việc thanh lý, bán tài sản hoặc sáp nhập với các thương hiệu khách sạn lớn sẽ giúp doanh nghiệp cắt lỗ và phục hồi tuy phải chịu một số tổn thất về tài chính và có thể đánh mất thương hiệu nhưng trong điều kiện hiện nay đây là một trong giải pháp có vẻ khả thi và hiệu quả nhất.

Tuy nhiên, qua cuộc khủng hoảng thừa về khách sạn, khu nghỉ dưỡng, homestay cũng cần nghiêm túc rút ra những bài học kinh nghiệm:

Một là, kinh doanh phải dựa trên phân tích thị trường, khả năng, kinh nghiệm của doanh nghiệp chứ không nên chạy theo phong trào. Nhiều doanh nghiệp chạy theo trend sẽ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu trong tương lai gần, việc rút ra khỏi thị trường không hề dễ dàng đối với lĩnh vực cần đầu tư lớn như khách sạn, khu nghỉ dưỡng. Tầm nhìn ngắn hạn chỉ phù hợp với những ngành nghề ít vốn đầu tư, thời gian hoàn vốn nhanh, có thể dễ dàng rút ra khỏi thị trường khi cần.

Hai là, các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn, khu nghỉ dưỡng, homestay cần có một chiến lược kinh doanh dài hạn, trong đó cần phân tích cơ hội, thách thức, rủi ro để có kế hoạch ứng phó phù hợp. Chiến lược kinh doanh này phải dự đoán được các khả năng không chắc chắn (uncertainty): lượng du khách, suy thoái kinh tế…và các trào lưu (trend) sẽ diễn ra: du lịch xanh, du lịch tâm linh…để xây dựng các kịch bản phù hợp cho doanh nghiệp mình. Chỉ tham gia vào thị trường, phát triển hệ thống khi đã phân tích đầy đủ các yếu tố về thị trường, đối thủ cạnh tranh.

Ba là, nhà nước chỉ hỗ trợ doanh nghiệp thông qua hệ thống pháp luật minh bạch, cơ chế chính sách thông thoáng chứ không phải giải cứu doanh nghiệp làm ăn thua lỗ do các quyết định sai lầm của mình. Hơn ai hết doanh nghiệp phải hiểu rõ năng lực của chính mình, hiểu rõ thị trường, phân khúc thị trường mà mình sẽ tham gia và tự chịu trách nhiệm với các quyết định của mình. Quy luật thị trường sẽ tự đào thải các doanh nghiệp yếu kém, sai lầm trong kinh doanh và điều đó là tất yếu.

* Viện Quản trị và Công nghệ FSB – Đại học FPT

TS. Võ Duy Nghi (*)