Hòa giải viên - người 'bắc nhịp cầu' kết nối yêu thương

Giải quyết “thấu tình, đạt lý”

Đến nay, bà Dương Thị Hồng Thu (khu phố Thọ Cang, phường 5, TP.Tân An, tỉnh Long An) có đến 10 năm làm công tác hòa giải ở cơ sở. Là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố Thọ Cang, bà nắm rõ từng hoàn cảnh gia đình. Đây là điều kiện thuận lợi cho bà hòa giải thành những mâu thuẫn phát sinh trên địa bàn.

Bà Thu chia sẻ: “Ai cũng nói đây là công việc “không tên” nhưng tôi nghĩ rằng nhiều năm cuộc sống gia đình mình ổn định, các con có việc làm, một phần cũng nhờ Nhà nước quan tâm nên tôi luôn tâm niệm sẽ làm gì đó giúp ích cho xã hội. Vừa tham gia công tác xã hội, vừa cùng chồng quán xuyến việc buôn bán nên gia đình động viên, tạo điều kiện cho tôi thực hiện ước mơ của mình”.

Trong những cuộc họp, bà Dương Thị Hồng Thu (bìa trái) thường ghi chép lại những nội dung liên quan đến kiến thức pháp luật để làm tốt hơn vai trò của mình

Bà Thu cho rằng, để hòa giải thành các vụ việc, nhất là liên quan đến Luật Hôn nhân và Gia đình, bà cũng như các thành viên trong tổ hòa giải đều chủ trương hàn gắn tình cảm để họ cùng vun vén, xây dựng hạnh phúc. Điển hình như trường hợp của một cặp vợ chồng xảy ra bạo lực gia đình cách đây vài năm. Cả hai ở nơi khác đến sinh sống, lập nghiệp. Sau đó vì công việc không được tốt, người chồng thất nghiệp, thường xuyên đi nhậu và cãi vã.

“Có một lần xảy ra xô xát, trong đêm, tôi cùng mấy người trong khu phố đưa người vợ đi bệnh viện. Nhiều lần chúng tôi khuyên giải thì vợ chồng này đã có cuộc sống hạnh phúc, chí thú làm ăn, kinh tế ngày càng khấm khá. Bây giờ thấy tôi thì họ rối rít cảm ơn” - bà Thu kể.

Theo bà Thu, công tác hòa giải ở cơ sở cũng gặp khó khăn vì không chỉ đi một lần là thành công mà phải đến gặp nhiều lần. Vì vậy, nếu tính đến kinh phí thì HGV không thể nào làm tốt được công việc. Thực tiễn cho thấy, số đông HGV hiện nay chủ yếu là người có uy tín trong cộng đồng dân cư hoặc trưởng chi hội, đoàn thể trong ấp, khu phố kiêm nhiệm. Một số HGV trình độ hiểu biết pháp luật còn hạn chế. Trong khi các mâu thuẫn, tranh chấp trong dân cư có xu hướng phức tạp, nhất là ở lĩnh vực hôn nhân - gia đình, đất đai,... đòi hỏi HGV phải có kiến thức pháp luật nhất định, phương pháp xử lý phải nhuần nhuyễn mới hòa giải thành công. Đó cũng là điều mà bà Thu luôn trăn trở và thường cập nhật những kiến thức pháp luật để có thể làm tốt hơn công việc của mình.

Bà Dương Thị Hồng Thu (bên phải) tìm hiểu những nội dung liên quan đến công tác hòa giải ở cơ sở qua sách, báo

Trau dồi kỹ năng “dân vận khéo”

Là HGV giỏi ở vùng sâu, bà Nguyễn Thị Gái Ba (ấp Ông Quới, xã Thạnh Phú, huyện Thạnh Hóa) luôn nhớ những câu chuyện về nghề, những kỷ niệm buồn, vui trong những lần đi hòa giải. Với bà, tuy có vất vả, khó nhọc nhưng nhìn những đổi thay tích cực của xóm, ấp, thấy sự gắn kết, hỗ trợ từ cộng đồng là động lực để bà làm tiếp công việc của mình.

Bà Nguyễn Thị Gái Ba (bìa trái) trong một lần đi tuyên truyền pháp luật cho người dân

Thời gian đầu đảm nhận nhiệm vụ này, bà Ba cũng gặp trở ngại do trong ấp, người dân sinh sống thưa thớt. Hơn nữa, địa bàn ấp Ông Quới có phần tách biệt khi muốn đến trung tâm xã phải qua đò, trình độ dân trí không đồng đều, hiểu biết pháp luật của số ít người dân còn hạn chế,... Để làm tốt vai trò hòa giải, khi có vụ việc phát sinh trong ấp, bà chủ động đến tận nơi để tìm hiểu, xác minh, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân. Nhưng đâu phải đi một lần là xong chuyện, chấp nhận làm công việc này, ngay từ đầu bà đã dặn lòng phải chịu khó. “Đi làm đêm hoặc ngày nghỉ là chuyện hết sức bình thường bởi đâu biết khi nào có chuyện xảy ra. Điện thoại của tôi luôn mở suốt để khi có việc cần, người dân có thể liên lạc được. Chồng, con tôi cũng động viên, hỗ trợ rất nhiều để tôi yên tâm làm việc” - bà Ba bộc bạch.

Để làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở, bà Ba cho biết, việc đầu tiên cần phải làm là xoa dịu cảm xúc của các bên tranh chấp, khi hai bên thực sự bình tĩnh mới có thể tiến hành hòa giải. Khi giải quyết mâu thuẫn, bà phân tích kỹ, chỉ ra cái đúng, cái sai của từng người, đưa ra phương án hợp lý nhất cho đôi bên.

“Mỗi năm, tôi cùng thành viên tổ hòa giải ấp hòa giải khoảng vài vụ việc. Có lần, tôi giải quyết tranh chấp giữa hai gia đình trong ấp về mương nước. Đi cùng tôi còn có địa chính xã, đối với sự việc này ngoài phân xử theo quy định của pháp luật liên quan đến Luật Đất đai, chúng tôi đến tận nhà lắng nghe ý kiến của hai bên. Qua đó, trò chuyện, phân tích để các hộ dân hiểu. Nhờ vậy, mâu thuẫn đã được hóa giải, giữ lại hòa khí giữa hai gia đình” - bà Ba nói.

Công tác hòa giải ở cơ sở có thể nói là “muôn hình, muôn vẻ”, có những việc tưởng chừng đơn giản nhưng nếu giải quyết không khéo léo, sự việc sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Chính vì vậy, để làm tốt vai trò của mình, bản thân bà luôn lấy lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” làm kim chỉ nam. Bà tích cực tìm hiểu qua sách, báo, Internet để trau dồi kỹ năng “Dân vận khéo”, sao cho lời nói và hành động phải có tình, có lý, tạo được uy tín thì người dân mới tin và nghe theo.

Ngoài làm tốt công tác hòa giải, bà Nguyễn Thị Gái Ba (bìa trái) còn tham gia công tác từ thiện - xã hội

Nhờ vậy, trong thời gian làm công tác hòa giải, bà cùng các thành viên trong tổ đã tiếp nhận và giải quyết thành công ngay tại cơ sở nhiều vụ việc mâu thuẫn như tranh chấp đất đai, hôn nhân - gia đình, gây rối an ninh, trật tự,... không để phát sinh “điểm nóng”, khiếu kiện vượt cấp. Không chỉ làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở, bà còn tham gia tốt công tác từ thiện - xã hội. Bà tích cực vận động, hỗ trợ quà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em nghèo,... để giúp họ có điều kiện vươn lên trong cuộc sống.

Bằng trách nhiệm, sự nhiệt huyết của mình, thời gian qua, những HGV ở cơ sở đã góp phần cùng cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương giải quyết dứt điểm những mâu thuẫn ngay tại địa bàn dân cư. Họ cũng tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương./.

Song Nhi