Học Bác thực hiện tốt phong trào thi đua 'Dân vận khéo'

Phó Bí thư Tỉnh ủy Lâm Minh Đằng trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” năm 2023.

Đồng chí Lâm Minh Đằng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Quy chế dân chủ ở cơ sở và phong trào thi đua “Dân vận khéo” cho biết: năm 2023, cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng về công tác dân vận, lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) “về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, phương châm hành động của Tỉnh ủy “Đoàn kết, Kỷ cương, Hành động, Sáng tạo, Đột phá, Phát triển”, 06 nhiệm vụ trọng tâm, 03 nhiệm vụ đột phá. Các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện công tác dân vận, đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, XDNTM. Trong đó, đặc biệt chú trọng thực hiện “Dân vận khéo” trong giải quyết xử lý các vụ việc tồn đọng kéo dài trên địa bàn tỉnh à Vinh.

Qua triển khai, có 1.356 tập thể, cá nhân đăng ký xây dựng mô hình. Quá trình tổ chức thực hiện có 625 mô hình hiệu quả, qua sàng lọc các đơn vị, địa phương chọn 278 mô hình nhân rộng trên 04 lĩnh vực.

Mô hình “Dân vận khéo” trên lĩnh vực kinh tế có 201 mô hình. Ban Chỉ đạo các cấp tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và tổ chức cho đoàn viên, hội viên, Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, các mục tiêu phát triển, xây dựng các mô hình kinh tế, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, tập trung xây dựng các sản phẩm chủ lực, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, sản phẩm và chuỗi giá trị của từng ngành, địa phương sản phẩm VietGAP, OCOP, nhiều mô hình đã thực sự đi vào đời sống xã hội tiêu biểu, như: mô hình: “Dân vận khéo” trong vận động thành lập tổ hợp tác nuôi tôm càng xanh toàn đực của ấp Rạch, xã Hiệp Mỹ Đông, huyện Cầu Ngang; “Dân vận khéo” trong vận động hội viên tham gia tổ hợp tác trồng lúa hữu cơ của Hội Nông dân xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành; “Dân vận khéo” trong tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia liên kết chuỗi giá trị dừa hữu cơ, của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiểu Cần.

Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội có 750 mô hình. Hầu hết các mô hình xuất phát từ các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động của , các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền, vận động quần chúng Nhân dân đóng góp xây dựng đạt được một số kết quả, như: quan tâm giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe cho người dân; xây dựng mô hình toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới, chỉnh trang đô thị; mô hình bảo vệ môi trường; mô hình xã hội hóa công tác an sinh xã hội.

Các tập thể, cá nhân có cách làm hiệu quả kết hợp vận động “khéo” đã phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân điển hình qua các mô hình “Dân vận khéo”, như: vận động người con quê hương tất cả vì quê hương trong công tác an sinh xã hội của xã Châu Điền, huyện Cầu kè; vận động hội viên xây dựng tuyến đường hoa của Hội Liên hiệp phụ nữ xã Đôn Xuân, huyện Duyên Hải; bữa cơm yêu thương cho người già neo đơn, trẻ mồ côi của Huyện Đoàn Trà Cú. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, giải quyết, tháo gỡ những việc khó nhằm giúp Nhân dân phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị có 78 mô hình. Trong đó, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung xây dựng mô hình thu hút, tập hợp đoàn viên, hội viên tham gia xây dựng tổ chức vững mạnh, bồi dưỡng, giới thiệu kết nạp đảng viên mới; phát huy vai trò phản biện của UBMTTQ Việt Nam các cấp, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; ý thức tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, xây dựng và thực hành phong cách “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”.

Điển hình như: mô hình “Dân vận khéo” trong tuyên tuyền nghe dân nói, làm dân tin của Ban Thường vụ Huyện ủy Cầu Kè; tuyên truyền cải cách thủ tục hành chính tăng sự hài lòng của người dân của Sở Tư pháp tỉnh Trà Vinh; tuyên truyền vận động tiếp nhận và hoàn trả kết quả hồ sơ thủ tục hành chính tại nhà cho người dân của UBND Phường 3, thành phố Trà Vinh.

Đối với việc thực hiện “Dân vận khéo” trong giải quyết xử lý các vụ việc tồn đọng kéo dài trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, đồng chí Tăng Tùng Chân, Phó Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Trà Cú cho biết: Ban Dân vận Huyện ủy tham mưu Thường trực Huyện ủy lãnh đạo, chỉ đạo các giải pháp để giải quyết, xử lý các vụ việc tồn đọng kéo dài bằng phương pháp “Dân vận khéo”. Huyện ủy chọn 04 vụ việc trên địa bàn để triển khai mô hình. Ban Dân vận Huyện ủy phối hợp với UBMTTQ Việt Nam huyện, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện và Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước huyện, tranh thủ các vị chức sắc, chức việc, người có uy trong đồng bào dân tộc đến gặp gỡ, đối thoại với phương châm “mưa dầm thấm lâu” đã từng bước tiếp cận các đối tượng, giải thích, động viên và thuyết phục. Kết quả, đã giải quyết được 04/04 vụ việc đã đề ra. Ngoài ra, với phương pháp “Dân vận khéo” còn giải quyết được 02/04 vụ việc tồn đọng kéo dài trên địa bàn huyện.

Theo đồng chí Tăng Tùng Chân, để giải quyết hiệu quả các vụ việc tồn đọng kéo dài, cấp ủy cần quan tâm đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước do địa phương phát động.

Phát huy tốt vai trò của chức sắc, chức việc, người có uy tín trong đồng bào dân tộc, trong tuyên truyền vận động Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Rút kinh nghiệm, nhân rộng các vụ việc giải quyết thành công để các địa phương khác học tập, tác động xử lý các vụ việc khác tương tự. Phát huy vai trò tham mưu của các Ban Chỉ đạo trong xử lý các vụ việc có liên quan. UBND cấp cơ sở chủ động nắm tình hình trong Nhân dân.

Ban Dân vận, UBMTTQ Việt Nam phát huy vai trò là cầu nối của cấp ủy Đảng, chính quyền với Nhân dân, thực hiện hiệu quả Luật Dân chủ ở cơ sở. Tham mưu Thường trực cấp ủy giải quyết kịp thời từng vụ việc, đúng quy định của pháp luật và định hướng chỉ đạo của cấp ủy cấp trên.

Qua thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên tiếp tục được nâng lên; phương thức, nội dung công tác vận động quần chúng ngày càng đổi mới. Đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình, tâm huyết với công việc, với phong trào. Ý thức tự giác của Nhân dân ngày càng thể hiện rõ hơn trong đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội tại địa bàn khu dân cư, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đến cuối năm 2023, tăng trưởng GRDP đạt 8,25%, thu nhập bình quân đạt 81,75 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 0,68%, hộ cận nghèo còn 2,36%. Toàn tỉnh hiện có 85/85 xã NTM, 48 xã NTM nâng cao, 11 xã NTM kiểu mẫu, 08/09 huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ XDNTM. Tỷ lệ tập hợp quần chúng vào tổ chức chính trị - xã hội đạt 94,8%, vượt 15,3% so Nghị quyết.

Thực tế chứng minh, phong trào thi đua “Dân vận khéo” làm theo lời Bác, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình dân vận khéo trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị. Đáng nói, nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” đã phát huy hiệu quả, có sức lan tỏa trong toàn xã hội, được các đơn vị học tập. nhân rộng. Qua phong trào “Dân vận khéo” đã nâng cao hiệu quả công tác dân vận, giải quyết những vấn đề bức xúc tại địa phương, kịp thời lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội, động viên và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, phấn đấu xây dựng tỉnh Trà Vinh đạt chuẩn NTM trước năm 2025.

Bài, ảnh: SƠN TUYỀN