Học sinh giỏi Văn giành học bổng 1,2 tỉ đồng ngành Điều dưỡng

Phạm Lâm Phương sinh ra và lớn lên tại Thanh Hóa. Cô là tân sinh viên chương trình cử nhân Điều dưỡng tại Trường Đại học VinUni với học bổng 90% (khoảng 1,2 tỷ đồng) cho bốn năm học.

Phạm Lâm Phương – tân sinh viên ngành Điều dưỡng, Trường Đại học VinUni.

Trước đó, cô theo học ngành Tâm lý học tại Trường Đại học Fulbright Việt Nam với học bổng trị giá 2 tỷ đồng. Lâm Phương cũng từng nhận Học bổng Tài năng từ Swinburne Việt Nam, Học bổng của Tổng lãnh sự quán Anh tại TP. Hồ Chí Minh và Học bổng của Quỹ Christina Noble (CNCF).

Cô gái 19 tuổi đã theo dõi và khao khát trở thành sinh viên VinUni ngay từ khi trường mới thành lập. Cô thậm chí từng xúc động rơi nước mắt khi xem lễ khai giảng của trường. Tuy nhiên, vào năm học lớp 12, cô thấy bản thân chưa đủ nổi bật nên đã dành trọn một năm để cải thiện hồ sơ trước khi ứng tuyển.

Khi Lâm Phương thông báo trúng tuyển và quyết định theo học ngành điều dưỡng, người thân và bạn bè không khỏi bất ngờ. Mọi người liên tục đặt câu hỏi “Vì sao”: “Vì sao không ở lại học?”, “Vì sao lại bất ngờ "cua ngành, rẽ nghề" nhanh đến thế?”, “Tự dưng lại phải học lại một năm đại học, cậu có thấy tiếc không?”...

“Mình cũng đắn đo rất nhiều. Trường đại học cũ rất tốt, nhưng mình muốn hiện thực hóa ước mơ được theo học y khoa chuyên sâu và được kết nối với bạn bè quốc tế”, cô chia sẻ.

Lâm Phương cùng các bạn trong một hoạt động tại trường đại học.

Từ tiểu học, Lâm Phương luôn là thành viên của đội tuyển thi chọn học sinh giỏi môn Ngữ văn các cấp. Thời phổ thông, cô là Phó ban Nội dung của Ga Lam Sơn – câu lạc bộ báo chí đầu tiên tại tỉnh Thanh Hóa. Cô từng lọt top thí sinh điểm cao trong kỳ thi đánh giá năng lực ngành Sư phạm Ngữ văn của một trường đại học lớn.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến cô quyết tâm “rẽ hướng” sang khối ngành y khoa, trong đó ảnh hưởng từ gia đình là yếu tố quan trọng nhất. Cô có hai người chị họ đều là điều dưỡng viên nên đã thấy được sự tận tâm, tận hiến của các chị với ngành y.

Trong đợt dịch COVID-19, chị của cô đã cùng 59 y, bác sĩ khác vào thành phố Hồ Chí Minh để “chiến đấu” tại vùng tâm dịch. Thấu hiểu sự hy sinh thầm lặng của đội ngũ y, bác sĩ, cô càng yêu quý và trân trọng nghề nghiệp cao cả này.

Trong bài luận học bổng, Lâm Phương kể lại quãng thời gian hai năm chăm sóc bà bị bệnh và ước muốn được thay đổi hệ thống y tế của nước nhà. Với cô, hành trình chăm bà ốm cho đến những giây phút cuối cùng là một hành trình giàu kỷ niệm.

Đó là sự khó khăn, vất vả cùng sự đau đớn đến tột cùng khi thấy người thân của mình ngày một héo mòn. Thế nhưng, cô đã cố hết sức để chăm sóc bà, cả về thể chất lẫn tinh thần, nắm chặt tay bà cho đến khi bà rời cõi tạm.

Chính kinh nghiệm thực tế từ việc chăm sóc bà bị bệnh đã khiến cô thêm yêu ngành học và càng quyết tâm trở thành một điều dưỡng viên. Cô muốn trở thành người ở bên, động viên, chăm sóc và san sẻ những nỗi đau của người bệnh.

“Mình muốn là người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân, nắm chặt tay bệnh nhân và cùng bệnh nhân vượt qua những thời khắc đau thương nhất. Mình muốn được mang lại những phút giây yên bình nhất cho người bệnh và cùng họ vượt qua nỗi đau”, cô tâm sự.

Cô hy vọng được góp sức mình vào đội ngũ nhân lực chất lượng cao ngành điều dưỡng trong tương lai, từ đó củng cố thêm hệ thống y tế của nước nhà. Đó là một giấc mơ to lớn, một tầm nhìn dài hạn và cô tin rằng ngôi trường cô đang ứng tuyển sẽ là điểm khởi đầu phù hợp để hiện thực hóa ước mơ ấy.

Tại vòng phỏng vấn học bổng, Lâm Phương được chính Giám đốc chương trình Điều dưỡng, Viện Khoa học Sức khỏe, Đại học VinUni phỏng vấn. Cô được thầy hỏi hai câu hỏi khó liên quan đến đạo đức nghề nghiệp và đã cố gắng trả lời một cách rành mạch. Ngoài lời khen về tư duy logic tốt, lý luận chặt chẽ, cô cũng được thầy gợi mở thêm các góc nhìn và kiến thức mới về ngành.

Có được sự tự tin ấy, ngoài thành tích học tập nổi bật, Lâm Phương đã và đang tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa nổi bật và có liên quan mật thiết đến lĩnh vực sức khỏe.

Cô là thành viên trong dự án khởi nghiệp (start-up) về tâm lý, nhằm củng cố sức khỏe tinh thần của người Việt, làm giáo viên dạy văn cho các em nhỏ tại làng trẻ SOS, mở lớp học tiếng Anh miễn phí cho học sinh khó khăn về tài chính…

Lâm Phương cùng các bạn trong câu lạc bộ.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất của cô trong các hoạt động ngoại khóa là khi dạy học cho các em nhỏ ở làng trẻ SOS. Lâm Phương đã “uốn nắn” từ lúc các em còn gặp khó khăn trong việc đặt các câu đơn, phân biệt các biện pháp tu từ, cho đến khi thấy các em biết sử dụng các cấu trúc câu phức tạp và viết được một bài văn hoàn chỉnh.

Nhìn thấy ánh mắt lấp lánh cùng nụ cười giòn tan của các em khi nhận điểm tốt chính là động lực lớn lao để cô nỗ lực ươm hạt giống thiện đến nhiều người khác.

Tất cả những hoạt động ngoại khóa mà cô triển khai đều xoay quanh chữ “E” - “Empathy” (thấu cảm). Với cô, thấu cảm chính là phẩm chất quan trọng nhất đối với bất kỳ ai muốn theo đuổi lĩnh vực y khoa.

Điểm mạnh của cô chính là sự thống nhất từ hồ sơ cho đến bài luận về lòng yêu thương con người và khát khao đóng góp cho xã hội. Điều này đã góp phần giúp cô gái học sinh giỏi Văn chinh phục được hội đồng tuyển sinh và giành được học bổng ngành Điều dưỡng.

Chia sẻ với độc giả của Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, báo Tiền Phong, Lâm Phương mượn lời của cố tỷ phú Steve Jobs để nhắn gửi: “’Hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ’. Kế hoạch ứng tuyển học bổng trường quốc tế của mình từng bị cho là viển vông và xa vời. Mình đã chọn cách cố gắng và tin vào bản thân thay vì nhụt chí bởi những lời nhận xét. Ý chí và sự kiên trì đã mang đến cho mình trái ngọt.”

Trịnh Vũ Lam Trang