Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và JICA tọa đàm về triển vọng hợp tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản

Phiên Thuyết trình buổi sáng có sự tham dự của hơn 800 học viên là các cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ thuộc diện quy hoạch đang tham gia các Lớp Cao cấp Lý luận Chính trị (Lớp A) tại Học viện. Buổi Tọa đàm chiều cùng ngày có sự tham gia của hơn 80 cán bộ giảng viên, nghiên cứu của Học viện.

Giáo sư Trần Văn Thọ - Giáo sư danh dự của Đại học Waseda và Giáo sư Ikebe Ryo của Đại học Senshu, đều của Nhật Bản, đã tham dự và có bài thuyết trình tại buổi Thuyết trình và Tọa đàm.

Giáo sư Trần Văn Thọ - Giáo sư Danh dự của Đại học Waseda (Nhật Bản), phát biểu tại buổi Tọa đàm.

Cùng với việc đánh giá tổng quát mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản theo từng thời kỳ phát triển kinh tế của Việt Nam trong suốt 50 năm qua kể từ sau chiến tranh, Giáo sư Trần Văn Thọ đã đưa ra nhận định về khả năng tận dụng nguồn lực từ Nhật Bản của Việt Nam trong tương quan so sánh với các quốc gia châu Á khác cũng nhận được mức đầu tư tương đương về nguồn lực từ Nhật Bản. Theo Giáo sư Trần Văn Thọ, Việt Nam chưa phát huy tốt được nguồn lực này và Việt Nam có thể phát triển hơn nữa thông qua tăng cường nguồn lực trong nước, đồng thời phối hợp hiệu quả hai nguồn lực.

Giáo sư Ikebe Ryo đã trình bày về quá trình tăng trưởng kinh tế và công cuộc công nghiệp hóa của Việt Nam với ảnh hưởng của làn sóng FDI và hiệu quả kinh tế được tạo ra bởi nguồn vốn này. Giáo sư Ikebe Ryo cho rằng, đối với Việt Nam, việc nâng cao năng suất lao động có ý nghĩa quan trọng để tránh bẫy thu nhập trung bình, đồng thời, để đẩy mạnh công nghiệp hóa, Việt Nam cần có chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp phụ trợ phát triển và nâng cao giá trị gia tăng của vốn FDI.

Giáo sư Ikebe Ryo – Giáo sư của Đại học Senshu (Nhật Bản) (thứ hai từ phải sang), phát biểu tại buổi Tọa đàm.

Trong bài phát biểu tại buổi Tọa đàm, PGS,TS Hoàng Văn Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh những thành tựu nổi bật giữa Việt Nam với Nhật Bản nói chung và của Học viện với các cơ quan giáo dục, đào tạo và tư vấn chính sách của Nhật Bản nói riêng, đặc biệt trong lĩnh vực chia sẻ kinh nghiệm chính sách và phát triển của Nhật Bản, góp phần tiếp tục làm sâu sắc quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam, ông Sugano Yuichi đã bày tỏ sự biết ơn đối với Học viện đã tạo cơ hội quý báu cho JICA tổ chức Hội thảo và Tọa đàm. Ông cũng nhấn mạnh JICA sẽ nỗ lực hơn nữa để đóng góp cho sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Phiên thảo luận bàn tròn cùng học viên Lớp Cao cấp Lý luận Chính trị của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Với mục tiêu chia sẻ kinh nghiệm và bài học từ quá trình phát triển và hiện đại hóa của Nhật Bản với các nước đang phát triển, JICA đã triển khai dự án “JICA CHAIR”, hướng đến đối tượng là các trường đại học hàng đầu tại các nước đang phát triển. Tại Việt Nam, dự án này đã được triển khai từ năm 2021 và Hội thảo cũng như buổi Tọa đàm lần này là một trong những sự kiện nằm trong chuỗi bài giảng “JICA CHAIR” nêu trên, được tổ chức trong khuôn khổ hợp tác hai bên. Chuỗi sự kiện được khẳng định góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa các cơ quan đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu tư vấn chính sách và hợp tác phát triển nói riêng cũng như giữa Việt Nam và Nhật Bản nói chung.

* Lớp Cao cấp Lý luận Chính trị được thực hiện từ năm 2015 (Năm 2016 mới chính thức ký MOU với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), trong đó hàng năm có các chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp hoặc cơ quan chính phủ đến thuyết trình.

Tin, ảnh: LÊ QUỲNH ANH