Hội Nông dân tỉnh: Tập trung đổi mới phương thức hoạt động, xây dựng tổ chức Hội, quan tâm đến đời sống hội viên

Hội Nông dân tỉnh Trà Vinh đã triển khai thực hiện nhiều nội dung liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn cùng với Chương trình công tác Hội và phong trào nông dân đến cơ sở và hội viên nông dân. Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua (2018 - 2023), cùng với cả nước tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Hội Nông dân nhiệm kỳ 2023 - 2028, nhiều nội dung đã và đang được Hội Nông dân tỉnh quan tâm triển khai: xây dựng giai cấp nông dân và Hội Nông dân vững mạnh, tập trung các hoạt động tư vấn hỗ trợ nhằm phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển kinh tế nông nghiệp, XDNTM, không ngừng nâng cao đời sống hội viên và nông dân.

Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh thừa ủy quyền của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao bằng khen của Trung ương Hội cho đồng chí Nguyễn Văn Giới, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Duyên Hải đã có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và Phong trào nông dân năm 2021 - 2022.

Đồng chí Quảng Thanh Tú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh cho biết: thông qua Chương trình hành động số 37-CTr/TU, ngày 19/10/2022 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW với phương châm lấy nông nghiệp làm “trụ đỡ”, nông dân là “động lực”, nông thôn làm “nền tảng” là vấn đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Vai trò của Hội trong thời gian tới sẽ tiếp tục chỉ đạo đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, bám sát cơ sở, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của hội viên, nông dân; thực hiện tốt vai trò giám sát phản biện xã hội.

Trong này, tập trung phát huy vai trò chủ thể của hội viên, nông dân trong phát triển nông nghiệp, XDNTM, đô thị văn minh; đẩy mạnh các phong trào hành động cách mạng của nông dân. Không ngừng chăm lo về vật chất, tinh thần, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho hội viên, nông dân, khơi dậy khát vọng xây dựng quê hương Trà Vinh ngày càng phát triển, giàu mạnh, văn minh.

Đặc biệt, trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội trong phát triển nông nghiệp, nhằm phát huy nội lực, tính cần cù, sáng tạo của nông dân trong lao động sản xuất, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng kinh tế sản xuất hàng hóa tập trung, đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân. Đồng thời gắn kết với mô hình tương trợ, giúp đỡ trong nội bộ nông dân, hội viên về giống, vật tư, tiền, ngày công, hướng dẫn cách làm ăn để các hộ nghèo, hộ khó khăn vươn lên làm giàu, thoát nghèo bền vững…

Vận động, hỗ trợ, hướng dẫn nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp; thông qua việc xây dựng các mô hình phát triển sản xuất ứng dụng công nghệ, có địa chỉ, mã vùng, mã vạch, thương hiệu, giúp nông dân tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị… Tập trung các nguồn lực xây dựng các mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; lấy nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi có uy tín làm nòng cốt, làm trung tâm để xây dựng tổ hợp tác và hợp tác xã, để liên kết, hợp tác theo các nhóm hộ cùng sản xuất một loại sản phẩm theo hướng hàng hóa, an toàn, VietGAP, GlobalGAP nâng cao giá trị và tính cạnh tranh của sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành chức năng hỗ trợ nông dân, tổ hợp tác, các hộ sản xuất sản phẩm nông nghiệp chủ lực ở các huyện, thị, thành tham gia Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 919/QĐ-TTg.

Đặc biệt, tại Đại hội đại biểu toàn quốc ội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028, Hội Nông dân tỉnh đã có một số nội dung tham gia thảo luận tại đại hội. Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: nội dung được đoàn đại biểu tỉnh trình bày tham luận “Một số giải pháp thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”. Nhìn chung, thông qua việc góp ý hàng năm, đảng viên, nhất là đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo quản lý nghiêm túc tiếp thu các ý kiến góp ý, xây dựng kế hoạch khắc phục sửa chữa, thực hiện tốt vai trò trách nhiệm được phân công.

Hội Nông dân Trà Vinh phối hợp với Viện Cây ăn quả miền Nam tổ chức hội thảo về quản lý dịch hại gây bệnh trên cây ăn trái cho nông dân huyện Càng Long, Cầu Kè...

Cũng theo đồng chí Nguyễn Văn Dũng, qua thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TW, Hội chủ trì tham mưu tổ chức 55 cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy và chính quyền với Nhân dân. Qua đối thoại có hơn 900 lượt ý kiến, kiến nghị; tham gia tiếp xúc cử tri đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp được 1.715 cuộc, với 60.487 lượt cử tri tham dự, có 2.234 lượt ý kiến, kiến nghị của cán bộ, hội viên, nông dân đóng góp và được đại biểu ghi nhận, giải trình về các chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là các chính sách hỗ trợ cho nông dân.

Công tác góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền còn được thực hiện thông qua giám sát và phản biện xã hội của Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, các cấp Hội tổ chức thực hiện 625 cuộc giám sát với các nội dung thực hiện pháp luật về quản lý kinh doanh vật tư nông nghiệp; việc thực hiện Kết luận số 61-KL/TW của Ban Bí thư; việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19; công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp; thực hiện chương trình phối hợp xây dựng hợp tác xã trong nông dân trên địa bàn; chuyển giao khoa học công nghệ cho nông dân và tham gia xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp; việc thực hiện chính sách tiêu thụ nông sản; chính sách hỗ trợ nông dân bị thiệt hại do khô hạn và xâm nhập mặn; hỗ trợ vật tư, con giống; bảo vệ môi trường; chính sách tín dụng cho nông dân vay phát triển sản xuất, kinh doanh; xây nhà tình thương, tình nghĩa; xây dựng các công trình tại địa phương...

Thông qua các hoạt động, vai trò của các cấp Hội Nông dân trong tỉnh ngày càng được nâng cao, phát huy được trách nhiệm trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; góp phần nâng cao ý thức trong việc tu dưỡng, rèn luyện, nỗ lực thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ, cán bộ, đảng viên, người đứng đầu.

Các ý kiến tham gia được trao đổi thẳng thắn, khách quan, phù hợp, sát thực tiễn, góp phần nâng cao tính hiệu quả trong quá trình xây dựng, ban hành, thực thi các các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của hội viên, nông dân; phát huy dân chủ, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.

Bài, ảnh: HỮU HUỆ