Huy động vốn tăng mạnh hơn cho vay: Thế khó của ngân hàng và doanh nghiệp

Có ngân hàng huy động vốn cao gấp 6 lần tốc độ tăng tín dụng

Theo báo cáo vừa công bố của Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 20/9/2023, tổng phương tiện thanh toán tăng 4,75% so với cuối năm 2022. Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 5,8% trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế chỉ đạt 5,73%.

Còn số liệu của Ngân hàng Nhà nước trước đó cho thấy, tổng huy động tiền gửi của hệ thống tổ chức tín dụng đến cuối tháng 6/2023 tăng 4,6% so với đầu năm. Như vậy, từ tháng 7 đến nay, huy động vốn của hệ thống ngân hàng vẫn tiếp tục tăng trưởng dương, bất chấp lãi suất huy động giảm xuống mức thấp kỷ lục.

Theo đó, lãi suất tiền gửi cao nhất tại nhóm Big 4 (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank) chỉ còn 5,5%/năm, ngang với giai đoạn dịch Covid 19.

Đây là lần đầu tiên sau 3 năm, hệ thống ngân hàng mới chứng kiến lại hiện tượng tăng trưởng huy động vốn cao hơn tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng đầu năm. Cụ thể, năm 2022, huy động vốn trong 9 tháng chỉ tăng 4,6% trong khi tín dụng tăng 11,05%; năm 2021 tương ứng là 5,2% và 7,88%.

Hiện nay, tỷ lệ cho vay tín chấp cao, doanh nghiệp càng minh bạch thì ngân hàng càng có điều kiện đẩy mạnh tín dụng.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, từ đầu năm đến nay, huy động vốn của ngân hàng này cao gấp 6 lần tốc độ tăng tín dụng, nhiều địa phương ghi nhận tín dụng tăng trưởng âm.

Đơn cử, Hà Nội là địa bàn tập trung rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty lớn, song tăng trưởng tín dụng tính tới cuối tháng 8/2023 âm 2,2%. Riêng tín dụng của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm mạnh 19,1%; cho vay bất động sản cũng giảm mạnh, cho vay với cá nhân mua bất động sản giảm tới 15%.

Tương tự, Tổng giám đốc Lê Ngọc Lâm cho hay, tính tới cuối tháng 8/2023, tín dụng của BIDV mới tăng 5,72% dù hạn mức cả năm lên tới 14%. Dư địa room tín dụng còn rất lớn, nhưng việc tìm kiếm khách hàng, đẩy mạnh cho vay hết sức khó khăn bởi cầu của doanh nghiệp rất yếu.

Trong khi đó, theo lãnh đạo Agribank, tăng trưởng tín dụng tại ngân hàng này đến ngày 31/8/2023 mới đạt mức 2,4% so với đầu năm.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống vẫn thấp so với cùng kỳ các năm trước, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ các yếu tố khách quan như: cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm; một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa; tác động từ khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm bất động sản.

“Sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro bị đánh giá cao hơn, khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả (chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu cao, thị trường đầu ra, đơn hàng, doanh thu giảm...); tổ chức tín dụng rất khó khăn trong quyết định cho vay do không hạ được chuẩn tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống”, bà Hồng phân tích.

Cần hạ lãi suất cho vay chứ không phải giảm lãi huy động

Hiện tại, lợi nhuận ngân hàng vẫn phụ thuộc lớn vào thu nhập lãi thuần đến từ hoạt động huy động vốn và cho vay. Do đó, tín dụng tăng trưởng chậm đồng nghĩa với việc quy mô nguồn thu nhập chính của ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng theo.

Theo đó, ông Lê Ngọc Lâm chia sẻ, hiện nay, tỷ lệ cho vay tín chấp cao, doanh nghiệp càng minh bạch thì ngân hàng càng có điều kiện đẩy mạnh tín dụng. Đồng thời, cũng mong doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động kinh doanh cốt lõi, không kinh doanh ngoài ngành để đảm bảo an toàn, hiệu quả”, ông Lâm nói.

Lãnh đạo một ngân hàng cũng đề xuất, các ngân hàng lợi nhuận cao quá trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn nên việc giảm lợi nhuận là sự chia sẻ vì lợi ích chung. Ngành ngân hàng cần “chia lửa”, nhưng thực tế hoạt động trên thị trường cho thấy chỉ một vài ngân hàng có lợi nhuận cao, trong khi khá nhiều ngân hàng lợi nhuận rất thấp.

“Thực tế, tổng lợi nhuận ngành ngân hàng Việt Nam so với quy mô vốn không cao. Thực trạng nền kinh tế đang rất khó khăn, lợi nhuận các ngân hàng kể cả khi rất cao cũng sẽ bị bào mòn do phải trích lập dự phòng...”, vị này nhấn mạnh.

Một chuyên gia ngân hàng cho rằng, với các yếu tố như nền kinh tế có dấu hiệu tích cực hơn, ngành sản xuất, xuất khẩu dần phục hồi, lãi suất tiếp tục giảm mạnh, tốc độ tăng trưởng tín dụng các tháng cuối năm được dự báo sẽ tăng nhanh, thậm chí gấp đôi so nửa đầu năm.

“Kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây thường có xu hướng phục hồi mạnh vào quý III/2023 và tốc độ tăng trưởng tín dụng 6 tháng cuối năm luôn cao gấp đôi 6 tháng đầu năm. Dù tăng trưởng tín dụng chỉ sụt giảm trong tháng 7, nhưng sang tháng 8, tốc độ tăng trưởng tín dụng đã phục hồi khá tốt và dự báo có thể giữ đà này đến các tháng cuối năm khi lãi suất cho vay tiếp tục giảm và lượng đơn hàng có phần cải thiện”, chuyên gia này nhận định.

Tuy nhiên, giới phân tích cũng khuyến cáo, cần tiếp tục hạ lãi suất cho vay chứ không phải giảm lãi suất huy động do chính sách tiền tệ đã đạt đến điểm giới hạn. Nếu tiếp tục hạ lãi suất huy động sẽ gây ra nhiều hậu quả, nên tránh nôn nóng hạ lãi suất chính sách dồn dập, cần kiểm soát tăng trưởng cung tiền quanh mức an toàn cho phép (khoảng 10%).

Chính vì vậy, trong bối cảnh những tín hiệu phục hồi tốt đã đến từ thị trường và các chính sách khuyến khích đầu tư, tiêu dùng cùng công tác "giải cứu" bất động sản của Chính phủ…, động lực thúc đẩy nhu cầu tín dụng tăng và cải thiện sẽ xuất hiện vào cuối năm và đầu năm tới.

Bên cạnh định hướng hạ lãi suất, room tín dụng được phân bổ cho các ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cần vận dụng các công cụ chính sách tiền tệ hỗ trợ kéo “hàng tồn kho huy động vốn” thấp xuống bằng một số công cụ như điều chỉnh dự trữ bắt buộc, triển khai các nghiệp vụ thị trường mở linh hoạt. Có như vậy mới vừa bảo đảm sự an toàn của hệ thống, vừa đạt được hiệu quả tối ưu từ các giải pháp nhằm “khơi thông” tín dụng.

Thanh Hồng