Chủ động đề phòng nguy cơ cháy, nổ phương tiện trong mùa nắng

Những năm qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, nhiều vụ việc đã xảy ra như xe đang lưu thông bỗng dưng phát nổ; xe ô tô đang dừng đổ xăng thì bất ngờ bị cháy gầm xe; xe tải, xe chở hàng đang di chuyển thì ốc cháy khiến hàng hóa bị thiêu rụi... Để phòng tránh những tai nạn cháy, nổ, người dân cần hiểu rõ nguyên nhân và chủ động hơn nhằm bảo vệ tính mạng và đảm bảo an toàn cho phương tiện của mình.

Ngày 13/3/2024, xe tải mang biển kiểm soát 29H-719.xx chở bưu phẩm chuyển phát nhanh do ông H.V.L (tỉnh Bắc Giang) điều khiển bất ngờ bốc cháy khi đang lưu thông trên Quốc lộ 1, đoạn qua thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh.

Ngay khi sự cố xảy ra, lực lượng chức năng đã có mặt tại hiện trường triển khai các biện pháp chữa cháy; người dân địa phương cũng đến hỗ trợ tài xế di dời số bưu phẩm, hàng hóa ra khỏi thùng xe. Tuy nhiên, nhiều hàng hóa trên xe đã bị thiêu rụi, hư hỏng nặng sau khi đám cháy được dập tắt hoàn toàn.

Chủ động kiểm tra, thay nước làm mát thường xuyên cho xe ô tô trong mùa nắng nóng - Ảnh: HN

Vụ việc trên chỉ là một trong số rất nhiều vụ cháy, nổ phương tiện xảy ra trên địa bàn tỉnh thời gian vừa qua. Theo ghi nhận, hằng năm, đặc biệt là vào mùa nắng nóng thường xuyên có những vụ cháy, nổ xe khi đang lưu thông hay dừng đỗ trên nhiều đoạn đường từ Quốc lộ đến nội thành, đường Hồ Chí Minh, đường cao tốc... Thực tế, phần lớn các vụ cháy, nổ xe đều do những nguyên nhân chủ quan.

Ngoài ra còn có một tỉ lệ rất ít các vụ cháy, nổ đến từ nguyên nhân khách quan hoặc do lỗi của nhà sản xuất xe. Anh Nguyễn Hoàng Lâm Duy, Trưởng khoa Cơ bản- Kinh tế, Trường Trung cấp nghề Giao thông vận tải Quảng Trị cho biết, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy, nổ phương tiện, tuy nhiên về lý thuyết thì có 5 nguyên nhân chính đó là: lỗi hệ thống điện, hở ống xả, dầu nhớt xuống cấp; rò rỉ nhiên liệu và các tác động bên ngoài.

Trong đó, lỗi hệ thống điện là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới cháy, nổ xe vào mùa nắng. Khi hệ thống điện bị chập sẽ phát ra các tia lửa điện, tia lửa này có thể bắn vào những vật chất dễ cháy xung quanh khiến đám cháy nhanh chóng bùng lên và lan rộng.

Trong điều kiện thời tiết nắng nóng, ô tô, môtô, xe máy vận hành liên tục một thời gian dài nếu không được nghỉ để làm mát hợp lý, hoặc do lỗi kỹ thuật, các tác động bên ngoài đều có thể khiến xe bắt lửa ở một bộ phận nào đó và lan ra toàn bộ xe.

Vào mùa nóng, xe hoạt động liên tục khiến lớp vỏ dây điện gần các nguồn nhiệt lớn như khoang động cơ bị co giãn, mềm nhũn ra và chảy nhựa, mất tác dụng bảo vệ. Các dây điện trần tiếp xúc với nhau sẽ gây chập cháy.

Đặc biệt, các xe khách chạy đường dài có hệ thống điện phức tạp với nhiều thiết bị như tivi, điều hòa, màn hình quan sát... khiến rủi ro cháy nổ càng cao. Bên cạnh đó, mùa nắng nóng thì hệ thống điều hòa trên xe hoạt động công suất lớn dễ gây quá tải, chập điện dẫn tới cháy, nổ.

Tại Quảng Trị, vào ngày 14/9/2023, xe chở hàng đông lạnh mang biển kiểm soát 29LD-502.xx chạy theo hướng Nam Bắc khi vừa dừng để đổ dầu tại khu vực bán hàng của Petrolimex - Cửa hàng xăng dầu 22 thuộc xã Hải Trường, huyện Hải Lăng thì bất ngờ bốc cháy dưới gầm đầu xe. Nguyên nhân được xác định là do chập dây điện nối từ bình điện đến máy lạnh của xe.

Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân phổ biến như thói quen sử dụng xe cũ, lâu năm mà không kiểm tra hệ thống nhiên liệu, ống xả; quá trình bảo dưỡng, chăm sóc xe của chủ xe chưa thực sự cẩn thận, không đúng quy trình. Không riêng gì ô tô, xe khách, xe tải mà cả xe máy nếu chủ xe không chủ động chăm sóc, bảo dưỡng định kỳ thì cũng dễ dẫn đến cháy, nổ.

Các tác động bên ngoài như điều kiện mặt đường, nhiệt độ mặt đường, các chướng ngại vật trên đường khi xe lưu thông cũng có thể gây ra cháy, nổ. Đơn cử như vào mùa hè, người dân thu hoạch lúa và phơi rơm rạ dọc đường, xe đi qua dễ bị cuốn vào gầm xe. Nếu gặp nhiệt độ cao tỏa ra từ khoang máy, rơm sẽ bén lửa và xảy ra cháy, nổ gầm xe. Với các xe khách, xe giường nằm, gầm xe là nơi chứa hành lý có thể chứa cả xe máy và những đồ vật dễ cháy ở nhiệt độ cao.

Để chủ động phòng tránh cháy, nổ phương tiện trong mùa hè với nhiều đợt nắng nóng cực đoan, các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân nên thường xuyên kiểm tra các hệ thống ống dẫn nhiên liệu, hệ thống điện và bảo dưỡng xe định kỳ theo đúng yêu cầu của nhà sản xuất. Đặc biệt, khi ô tô tắt máy, đóng kín cửa và để lâu dưới trời nắng nóng với nhiệt độ ngoài trời khoảng 40 độ C thì nhiệt độ trong xe có thể lên tới 90 độ C.

Nếu trên xe có chứa các vật dụng gây hội tụ ánh sáng sẽ tạo ra một vùng nhiệt tăng đột biến chiếu vào trong xe tới những bề mặt đang rất nóng sẽ có nguy cơ dẫn đến bốc cháy. Vì vậy, chủ xe cần hạn chế tối đa việc đỗ xe ngoài trời nắng nóng, che phủ bạt nếu trường hợp cần phải đỗ xe ngoài trời nắng thời gian dài. Trước khi cho xe vận hành, luôn kiểm tra, bổ sung, tránh để thiếu nước làm mát trên xe.

Tuyệt đối không “chế”, lắp “độ” thêm các thiết bị, hệ thống gây hại cho xe; hạn chế vận hành, di chuyển trên ô tô liên tục dưới nhiệt độ cao, nắng nóng gay gắt bởi nhiệt phát sinh từ động cơ sẽ đốt cháy dây điện, hơi xăng; không chở theo hoặc để trên xe hàng hóa dễ cháy, nổ như nước có ga, kính, bình xịt hóa chất, đồ điện tử, bật lửa, giấy; tránh đi qua những đoạn đường có phơi rơm rạ, đi chậm và cẩn thận nếu bắt buộc phải qua và quan sát, kiểm tra kỹ gầm xe khi đã đi qua.

Trong quá trình sử dụng xe ô tô, xe mô tô, xe máy, chủ xe cần hết sức để ý nếu ngửi thấy mùi xăng, nhiên liệu trong hoặc xung quanh xe của mình thì phải ngay lập tức tìm và khắc phục chỗ rò rỉ.

Nếu xe phát ra tín hiệu nguy hiểm như lỗi hệ thống điện, lỗi động cơ hay quá nhiệt thì cần gọi ngay cứu hộ để tránh rủi ro.

Đối với các điểm trông giữ ô tô, xe máy, cần trang bị đầy đủ các loại phương tiện chữa cháy theo quy định.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là mỗi người dân cần chủ động phòng tránh, đồng thời tìm hiểu, trang bị kiến thức và các biện pháp phòng cháy chữa cháy, bảo trì, xử lý sự cố ban đầu cho phương tiện của mình nếu chẳng may gặp tình huống cháy, nổ, để chiếc xe luôn là người bạn đồng hành bền bỉ, an tâm trên những chặng đường.

Hoài Nhung