Kết quả kinh doanh quý II: Tốc độ suy giảm có xu hướng co hẹp lại

Biểu tượng của Tập đoàn FPT.

Theo số liệu được các doanh nghiệp niêm yết đã và đang công bố, quý II năm nay, có những nhóm ngành lĩnh vực tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, kết quả kinh doanh quý II vẫn nghiêng về gam màu xám, cho thấy khó khăn vẫn còn đeo bám các doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo giới phân tích, dấu hiệu hồi phục đã được ghi nhận từ quý I và quý II/2023 khi tốc độ suy giảm đang có xu hướng co hẹp lại

Trong bối cảnh nhiều ngành, lĩnh vực gặp khó khăn thì doanh nghiệp công nghệ tăng trưởng rất mạnh trong năm nay, mà đại diện là Công ty cổ phần FPT (mã chứng khoán: FPT), doanh nghiệp này vừa công bố kết quả 6 tháng đầu năm 2023 với doanh thu 24.166 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 4.339 tỷ đồng tăng lần lượt 22% và 19% so với cùng kỳ; lợi nhuận ròng đạt 3.003 tỷ đồng tăng 21%.

Tính riêng quý II/2023, FPT ghi nhận 12.485 tỷ đồng doanh thu, 1.509 tỷ đồng lãi ròng; tăng lần lượt 24% và 21% so với quý II/2022. Đây cũng là quý có lãi ròng cao nhất từ trước đến nay của doanh nghiệp công nghệ này.

Năm 2023, FPT lên kế hoạch tổng doanh thu 52.289 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 9.055 tỷ đồng. Với kết quả trên, FPT đã thực hiện được lần lượt 46% và 48% hai chỉ tiêu trong nửa đầu năm. Hiện cổ phiếu chủ chốt của ngành công nghệ là FPT, chiếm tỷ trọng lợi nhuận toàn ngành lên tới gần 90%.

Theo Công ty Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam), Việt Nam vẫn phụ thuộc vào nguồn chip nhập khẩu và chưa tham gia nhiều vào chuỗi cung ứng chip. Nói cách khác, vẫn còn dư địa tăng trưởng cho các công ty có hàm lượng công nghệ cao và tiềm lực đầu tư lớn. Trong khâu thiết kế, một số doanh nghiệp như FPT, Viettel và Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC (mã chứng khoán: CMG) đã tiến hành nghiên cứu và FPT đã tham gia vào lĩnh vực thiết kế chip nhằm phục vụ nhu cầu nội địa. Trong khâu sản xuất, FPT đã sản xuất được ba dòng chip (gia công tại Hàn Quốc dưới thương hiện FPT) và nhận được đơn hàng xuất khẩu với quy mô 25 triệu chip (dự kiến xuất khẩu trong 2024-2025).

Tiếp đến, có thể kể đến sự trỗi dậy của công ty chứng khoán trong quý II. Thống kê từ báo cáo tài chính II/2023 của 20 công ty chứng khoán cho thấy, tổng lợi nhuận sau thuế trong kỳ đạt 3.790 tỷ đồng, tăng 63,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trước đó, vì kết quả kinh doanh quý I ảm đạm nên lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, tổng lợi nhuận sau thuế của nhóm 20 công ty chứng khoán này chỉ đạt 6.170 tỷ đồng, giảm 18,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Đáng chú ý, trong số 20 công ty chứng khoán, có 6 công ty đã ghi nhận sự đảo chiều ấn tượng từ lỗ trong quý II/2022 sang lãi trong quý II/2023, bao gồm: Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (mã chứng khoán: SHS), Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (mã chứng khoán: VDS), Công ty cổ phần Chứng khoán Tiên Phong (mã chứng khoán: ORS), Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam, Công ty cổ phần Chứng khoán DNSE và Công ty cổ phần Chứng khoán BIDV (mã chứng khoán: BSI).

Tăng trưởng doanh thu tích cực của DNSE trong Quý II/2023 có đóng góp quan trọng của hoạt động cho vay margin và tự doanh

Nhóm doanh nghiệp ngành dược cũng là điểm sáng về kết quả kinh doanh quý II. Có thể kể đến trường hợp Công ty cổ phần Dược phẩm IMEXPHARM (mã chứng khoán: IMP) có doanh thu thuần tăng 24% so với cùng kỳ lên 440 tỷ đồng; lãi sau thuế quý II/2023 đạt 79,7 tỷ đồng, tăng 71% so với quý II/2022. Đây cũng là mức lợi nhuận ròng theo quý cao kỷ lục của công ty.

Các doanh nghiệp khác như Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (mã chứng khoán DHG), Công ty cổ phần Dược phẩm Hà Tây (mã chứng khoán: DHT), Công ty cổ phần dược phẩm Trung ương CPC1 (mã chứng khoán: DP1) cũng đều có mức tăng trưởng lợi nhuận 2 chữ số.

Trong khi đó, báo cáo của các ngân hàng cho thấy, 6 tháng đầu năm lợi nhuận giảm so với cùng kỳ năm trước, trong khi nợ xấu lại tăng đột biến.

BacABank là ngân hàng đầu tiên công bố báo cáo tài chính quý II/2023 với lợi nhuận trước thuế trong kỳ đạt 139 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, nhờ quý 1 có kết quả tích cực nên lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của BacABank đạt 474 tỷ đồng, tăng 10%.

Nợ xấu của ngân hàng tăng 32% trong 6 tháng lên 679 tỷ đồng, chủ yếu do nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng mạnh 316% lên 175 tỷ. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay của BacABank tăng từ 0,55% lên 0,7%, vẫn thuộc nhóm thấp nhất trong hệ thống.

Lợi nhuận trước thuế quý 2/2023 của ABBank đạt 67 tỷ đồng, giảm tới 94% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng, lợi nhuận của ngân hàng ở mức 679 tỷ đồng, giảm 59% so với cùng kỳ. Nợ xấu ABBank tăng lên mức 3.820 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tính theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước tại Thông tư 11/2021/TT-NHNN vẫn đảm bảo dưới 3%, ở mức 2,86%.

Nhiều ngân hàng quy mô vừa và lớn, trước đây vốn có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao và ổn định cũng ghi nhận sự giảm tốc rõ rệt trong nửa đầu năm.

Đơn cử, TPBank báo lãi trước thuế 6 tháng đầu năm giảm 11% so với cùng kỳ xuống còn 3.383 tỷ đồng. Ngân hàng này cho biết nguyên nhân nền kinh tế có nhiều biến động và khó khăn, lãi suất cho vay có xu hướng giảm trong khi lãi suất huy động kỳ hạn dài vẫn ở mức tương đối cao khiến chi phí lãi tăng mạnh nửa đầu năm, từ đó khiến thu nhập lãi thuần sụt giảm.

Tại ngày 30/6/2023, nợ xấu TPBank tăng lên 3.913 tỷ đồng, chiếm 2,21% trên tổng dư nợ cho vay khách hàng.

Với LPBank, lợi nhuận cũng giảm 32% xuống còn 2.446 tỷ. Trong khi đó, nợ xấu ngân hàng này tăng tới 65% trong 6 tháng lên 5.656 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của LPBank từ mức 1,46% hồi đầu năm tăng lên 2,23% vào cuối tháng 6.

Techcombank trong nửa đầu năm có lợi nhuận giảm 20% so với cùng kỳ năm trước.

Một trong những ngân hàng lớn nhất hệ thống là Techcombank trong nửa đầu năm có lợi nhuận giảm 20% so với cùng kỳ năm trước, xuống gần 11.300 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu khiến lợi nhuận Techcombank sụt giảm đến là do chi phí huy động tăng nhanh dẫn đến thu hẹp quy mô thu nhập lãi thuần. Các mảng kinh doanh khác của Techcombank tăng trưởng tốt.

Trong 6 tháng đầu năm, nợ xấu nội bảng của Techcombank tăng thêm 65% lên hơn 5.000 tỷ đồng, chiếm 1,07% tổng dư nợ. Tỷ lệ này cao hơn so với mức 0,72% ghi nhận hồi đầu năm. Đồng thời nợ xấu tăng nhanh cũng khiến tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng giảm từ mức hơn 157% xuống còn gần 116%.

Với ngành điện, sau quý I/2023 kém khởi sắc, lợi nhuận của hầu hết các doanh nghiệp thủy điện trong quý II/2023 tiếp tục tăng trưởng âm do điều kiện thủy văn không thuận lợi. Nhóm nhiệt điện dù được dự báo sẽ bù đắp những thiếu hụt của nhóm thủy điện nhưng kết quả kinh doanh lại không quá khả quan.

Đơn cử, trong nhóm các công ty thủy điện đã công bố báo cáo tài chính quý II/2023, Công ty cổ phần Thủy điện Bắc Hà (mã BHA) là doanh nghiệp có lợi nhuận giảm mạnh nhất so với cùng kỳ. Trong kỳ, doanh thu của công ty đạt 51,6 tỷ đồng, giảm 43,6% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế chỉ vỏn vẹn 2,2 tỷ đồng, giảm tới gần 94,7% so với cùng kỳ.

Với doanh nghiệp nhiệt điện thì lợi nhuận phân hóa. Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (PPC) công bố lợi nhuận sau thuế quý II/2023 tăng 146% lên 167 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng (mã chứng khoán: HND) lãi sau thuế quý II/2023 đạt 181 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ năm trước.

Tiếp đến, lợi nhuận quý II/2023 của một số doanh nghiệp phân bón dù có cải thiện so với quý I/2023 nhưng tính chung 6 tháng đầu năm vẫn giảm sâu so với cùng kỳ năm 2022.

Đơn cử, Công ty cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã chứng khoán: DCM) - là một trong số những doanh nghiệp đầu ngành đã công bố doanh thu quý II/2023 đạt 3.291 tỷ đồng, giảm 19,4% so với cùng kỳ.

Doanh thu giảm và chi phí giá vốn lại tăng 7% khiến lợi nhuận gộp của Đạm Cà Mau giảm tới 72% xuống còn hơn 370 tỷ đồng, kéo biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 33% xuống còn 11%.

Sau khi trừ các chi phí, công ty báo lãi sau thuế 290 tỷ đồng, giảm hơn 71% so với mức nền cao của cùng kỳ năm trước. Dù vậy, so với quý đầu năm 2023, con số lợi nhuận quý II của Đạm Cà Mau đã cải thiện 26%.

Theo lý giải của doanh nghiệp, doanh thu trong kỳ giảm do giá bán phân bón giảm mạnh. Cụ thể, giá bán bình quân sản phẩm urê quý II/2023 giảm hơn 40% so với cùng kỳ. Trong khi chi phí giá vốn bán hàng tăng hơn 5% và chi phí bán hàng tăng 55,7% khiến lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ và hợp nhất đều giảm hơn 71% so với cùng kỳ năm 2022.

Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, Đạm Cà Mau ghi nhận doanh thu thuần đạt 6.026 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 520 tỷ đồng, giảm lần lượt 26% và 80% so với cùng kỳ năm trước.

Thực tế cho thấy, dù vẫn có những ngành, lĩnh vực tăng trưởng mạnh trong quý II, nhưng nhìn chung kết quả kinh doanh nghiêng về gam màu xám.

Theo Công ty cổ phần FiinGroup tính đến ngày 27/7/2023, đã có 683 công ty niêm yết (đại diện 55% tổng giá trị vốn hóa trên 3 sàn) công bố Báo cáo tài chính hoặc ước tính kết quả kinh doanh quý II/2023 và 6 tháng năm 2023; trong đó, 82% doanh nghiệp ghi nhận lãi trong quý II, nhưng chỉ có 47% số doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận tăng so với cùng kỳ, tổng lợi nhuận sau thuế quý II/2023 của toàn bộ 683 công ty giảm 16,9% so với cùng kỳ.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần FiinGroup cho biết, các doanh nghiệp niêm yết đang ở giai đoạn khó khăn lớn về tình hình tài chính, thậm chí khó khăn hơn giai đoạn đầu năm 2020 (gián đoạn kinh doanh do COVID-19) vì lợi nhuận giảm không chỉ vì doanh thu giảm mà do chi phí gia tăng.

Tuy nhiên, dấu hiệu hồi phục đã được ghi nhận từ quý I và quý II/2023 khi tốc độ suy giảm đang có xu hướng co hẹp lại./.

Văn Giáp/BNEWS/TTXVN