Một số công nghệ giúp nghệ sĩ đối phó nạn sao chép bằng AI

Một số công nghệ mới ra đời nhằm giúp nghệ sĩ đối phó nạn sao chép bằng AI

Họa sĩ minh họa người Mỹ Paloma McClain cảm thấy khó chịu khi biết rằng một số mô hình đã sử dụng tác phẩm của cô mà chẳng xin phép hay trả tiền bản quyền. “Tôi tin rằng tiến bộ công nghệ thực sự có ý nghĩa khi tuân thủ đạo đức và nâng cao giá trị của tất cả mọi người thay vì gây hại cho người khác”, McClain nói.

Để đối phó, McClain tìm đến phần mềm Glaze được phát triển bởi nhóm nghiên cứu Đại học Chicago. Phần mềm này điều chỉnh các điểm ảnh nhỏ khiến tác phẩm nghệ thuật số hóa trông khác biệt đáng kể “trong mắt” AI.

Giáo sư khoa học máy tính Ben Zhao - thành viên nhóm phát triển Glaze - cho biết: “Về cơ bản chúng tôi cung cấp công cụ kỹ thuật giúp bảo vệ con người khỏi hành vi dùng AI với mục đích xấu. Chúng tôi nỗ lực ra mắt phần mềm sớm vì biết rằng vấn đề này rất nghiêm trọng”.

Đa số dữ liệu (văn bản, hình ảnh, âm thanh) dùng vào nỗ lực đào tạo AI được lấy trên internet mà chẳng xin phép. Có trường hợp đơn vị phát triển mô hình AI chấp nhận xin phép và trả phí sử dụng dữ liệu đào tạo mô hình, nhưng thỏa thuận như vậy chỉ là trường hợp cá biệt, hiếm hoi.

Theo Giáo sư Zhao, từ lúc ra mắt vào tháng 3.2023 đến nay, Glaze đã đạt 1,6 triệu lượt tải xuống. Nhóm đang nghiên cứu một phiên bản cải tiến mang tên Nightshade có thể khiến AI nhầm lẫn, chẳng hạn như nhận dạng chó thành mèo. Mục tiêu của nhóm là bảo vệ dữ liệu của mọi cá nhân/tổ chức - từ nghệ sĩ với nhiều tác phẩm nghệ thuật đến doanh nghiệp sở hữu hàng loạt tài sản trí tuệ. Họa sĩ McClain tin tưởng Nightshade sẽ phát huy tác dụng khi được sử dụng rộng rãi, thu thập đủ hình ảnh gây nhiễu loạn.

Công ty khởi nghiệp Spawning thì phát triển phần mềm Kudurru chuyên phát hiện hành vi thu thập lượng lớn hình ảnh trực tuyến. Khi phát hiện nghệ sĩ có thể tiến hành chặn hoặc cố tình gửi hình ảnh không khớp yêu cầu thu thập, theo đồng sáng lập Spawning Jordan Meyer.

Hiện tại, hơn 1.000 trang web đã được tích hợp vào mạng lưới Kudurru. Công ty còn lập trang web hasibeentrain.com để giúp xác định liệu tác phẩm nghệ thuật nào đó có bị đưa vào mô hình AI hay chưa, và cho phép nghệ sĩ ngăn chặn việc sử dụng tác phẩm trong tương lai.

Một nhóm nghiên cứu khác của Đại học Washington thì tạo ra phần mềm AntiFake ngăn chặn hành vi sao chép giọng nói. Nghiên cứu sinh tiến sĩ Zhiyuan Yu (thành viên nhóm) cho biết, phầm mềm thêm vài tiếng động khiến AI không tổng hợp được giọng nói con người. Ngoài ra, AntiFake còn bảo vệ được cả bài hát.

Cẩm Bình