Khai thác hiệu quả nguồn lực nhà nước tại doanh nghiệp

Quang cảnh Tọa đàm. Ảnh: quochoi.vn

Nhiều quy định chưa rõ ràng

Ông Bùi Tuấn Minh - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13) được ban hành đã tạo hành lang pháp lý cho việc đầu tư vốn nhà nước vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (DN).

Cơ chế, chính sách quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại DN đã được hoàn thiện phù hợp với yêu cầu đổi mới, hội nhập, tạo môi trường pháp lý đầy đủ, đồng bộ, ổn định hơn cho hoạt động quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước và DN; tôn trọng và nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DN cùng việc tăng cường sự kiểm tra, giám sát của Nhà nước trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản.

Tuy nhiên, qua tổng kết sau hơn 09 năm thực hiện Luật số 69/2014/QH13, cho thấy cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi Luật này cho phù hợp với các chủ trương mới của Đảng, Nhà nước về quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, kịp thời khắc phục một số hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai thời gian qua.

Bộ Tài chính dự kiến đề xuất sửa đổi căn bản các nội dung của Luật số 69/2014/QH13, thể hiện ở 6 nhóm chính sách mới, gồm: Quản lý vốn nhà nước đầu tư tại DN; Đầu tư vốn nhà nước vào DN; Hoạt động đầu tư của DN; Sắp xếp, cơ cấu lại vốn nhà nước tại DN; Cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn; Quản trị DN.

Thảo luận tại Tọa đàm, các đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các tập đoàn, tổng công ty có vốn nhà nước đều nhất trí với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật số 69/2014/QH13 để khắc phục các tồn tại, hạn chế, bất cập; cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, nghị quyết của ốc hội nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại DN, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ rõ, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, Luật số 69/2014/QH13 còn có những điểm chưa rõ ràng như chưa phân định, tách bạch rõ chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước và chức năng quản trị kinh doanh của DN; chưa phân tách được vốn của Nhà nước với vốn DN, quyền của đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước với quyền tự chủ kinh doanh của DN… Điều này khiến cho các tập đoàn, DNNN gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh. Cùng với đó, tư duy quản lý phải bảo toàn vốn tạo ra nhiều tâm lý chần chừ trong kinh doanh, bỏ lỡ nhiều cơ hội.

Bên cạnh đó, GS,TS. Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội phân tích, quy định về huy động vốn, đầu tư xây dựng, mua, bán tài sản của DN theo mức giá trị tài sản thuộc các cấp có thẩm quyền quyết định như khi đầu tư vốn vào DN là nhầm lẫn giữa vốn và tài sản; nhầm lẫn giữa quyền của chủ sở hữu với quyền sản xuất, kinh doanh của người điều hành DN.

“Đây là nguyên nhân căn bản “trói buộc” các DNNN kém năng động; đồng thời, không quy trách nhiệm trong việc quản lý sử dụng tài sản nhà nước tại doanh nghiệp. Cùng với đó, Luật hiện hành không phân định rõ chức năng quản lý tài sản nhà nước tại DN và quản lý nhà nước về hoạt động của DN” - ông Cường nhấn mạnh.

Đổi mới tư duy quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Từ những bất cập, hạn chế được chỉ ra, các đại biểu kỳ vọng việc sửa đổi Luật sẽ khơi thông, khai thác hiệu quả nguồn lực nhà nước rất lớn tại các DN.

TS. Cấn Văn Lực phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: quochoi.vn

Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, sửa đổi Luật lần này cần bảo đảm nguyên tắc vốn nhà nước đầu tư được xác định là tài sản của DN, tách bạch chức năng quản lý vốn và sở hữu vốn, nâng cao chất lượng quản trị DN để đáp ứng chuẩn mực quốc tế. Đặc biệt, Luật cần tiếp tục làm rõ về công bố thông tin của DN, các tiêu chuẩn minh bạch thông tin của DN cần được tập trung thể hiện đậm nét hơn. Đồng thời, cần có hành lang pháp lý để bảo đảm quyền của nhà đầu tư tư nhân, tăng tính hấp dẫn, thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân để cải cách DNNN.

Từ góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải đề nghị cần rà soát phạm vi điều chỉnh của Luật để tránh chồng chéo với các luật khác; làm rõ các nội hàm các khái niệm để có cách hiểu thống nhất trong triển khai thực hiện và trong thanh tra, kiểm tra - yếu tố quan trọng để DN dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Cùng với đó, cần quy định rõ nguyên tắc thị trường và DN chịu trách nhiệm toàn diện về hoạt động sản xuất kinh doanh của mình; trao quyền nhiều hơn cho DN để chủ động, đổi mới, sáng tạo và phát triển, hướng đến mục tiêu cuối cùng là bảo toàn và phát triển vốn.

Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV nhấn mạnh việc cần đổi mới tư duy quản lý vốn nhà nước tại DN theo hướng quản lý và đầu tư vốn chứ không phải chỉ là sử dụng vốn. Khi đó, hoạt động kinh doanh đầu tư vốn phải chấp nhận có lỗ, có lãi, tính thị trường nhiều hơn, tính hiệu quả của việc đầu tư vốn cần nhìn nhận tổng thể thay vì từng thương vụ. Ngoài ra, cần tăng tính minh bạch và chuyên nghiệp của cả cơ quan quản lý và cả DN (người quản lý vốn và người sử dụng vốn); có bộ tiêu chí đánh giá về hiệu quả sử dụng vốn, đầu tư nguồn lực để xây dựng cơ sở dữ liệu.

“Cần đánh giá tổng kết hoạt động của các cơ quan liên quan quản lý như Ủy ban quản lý vốn nhà nước, tổng kết mô hình của SCIC, các quỹ đầu tư phát triển như, hướng đến chuyên nghiệp hơn, thị trường hơn”, TS. Cấn Văn Lực đề xuất.

Theo Báo Kiểm toán