Khoa học - công nghệ đi đầu, mở lối phát triển

Ngành khoa học hoàn thành tốt nhiệm vụ

Ngành khoa học và công nghệ tỉnh đã tham mưu Tỉnh ủy, HÐND, UBND tỉnh ban hành các văn bản khá đầy đủ, kịp thời, đảm bảo chất lượng trên lĩnh vực khoa học và công nghệ (trong năm đã tham mưu ban hành 2 chương trình, 1 đề án, 6 kế hoạch và 1 quyết định quy phạm pháp luật). Thực hiện hoàn thành hầu hết các nhiệm vụ do UBND tỉnh và ngành đề ra trong năm 2023; công tác quản lý Nhà nước về khoa học và công nghệ đã bám sát các chủ trương, chỉ đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ và của tỉnh.

Hoạt động nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ có sự gắn kết khá chặt chẽ với sản xuất và đời sống, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, đồng thời tập trung vào một số lĩnh vực trọng điểm; trong đó, công tác ứng dụng, nhân rộng các tiến bộ khoa học và công nghệ từng bước được khắc phục, chú trọng việc nghiên cứu, ứng dụng gắn liền với thực tiễn sản xuất.

Dự án trồng dưa lưới trong nhà kín tại xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau.

Ông Phan Tấn Thanh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, chia sẻ: “Hoạt động quản lý tiêu chuẩn đo lường chất lượng được triển khai hiệu quả; công tác quản lý và phát triển các tài sản sở hữu trí tuệ ngày càng đạt nhiều kết quả tích cực. Ðến nay, toàn tỉnh có 28 sản phẩm đặc sản đặc trưng của tỉnh được bảo hộ, trong đó có 12 sản phẩm được bảo hộ với hình thức nhãn hiệu tập thể, 14 sản phẩm được bảo hộ với hình thức nhãn hiệu chứng nhận, 2 sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý à Mau".

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của ngành Khoa học và Công nghệ tỉnh nhà còn một số hạn chế. Hoạt động khoa học và công nghệ chưa thực sự gắn kết với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chưa đáp ứng yêu cầu giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra như: nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; chưa có các đề tài, dự án quy mô lớn, mang tính đột phá nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh, nhất là nhu cầu phục vụ kinh tế biển, công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản.

Ðồng chí Nguyễn Tiến Hải, Ủy viên BCH Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh Cà Mau, lo lắng: "Qua Ngày hội Cua Cà Mau năm 2022, một lần nữa khẳng định sự nổi tiếng từ lâu của cua Cà Mau; cũng qua sự kiện này rất nhiều tiểu thương ngoài tỉnh lợi dụng kinh doanh, phân phối, gắn bảng “Cua Cà Mau” mà chất lượng ở đâu, ai kiểm soát? Trách nhiệm của ngành khoa học - công nghệ là quản lý như thế nào để không ai có thể làm giả được?”.

Vẫn còn nhiều cái khó

Một thực tế đã qua chúng ta cần nhìn nhận, khi chúng ta đưa mã vạch cho người nuôi cua là không khoa học, không hiệu quả; người nuôi, người dân có thể đi mua cua từ vùng khác không đủ chuẩn để gắn mã vạch vào; một câu hỏi đặt ra, chúng ta có vô hình trung tiếp tay để hạ thấp chất lượng con cua Cà Mau; gây khó khăn trong công tác quản lý chất lượng đối tượng nuôi chủ lực của ngành thủy sản Cà Mau.

“Như vậy, đối với việc giữ vững thương hiệu cho con cua Cà Mau thì đầu bài đặt ra cho người cán bộ làm khoa học - công nghệ là hiệu quả thật. Vấn đề này tôi đã đặt hàng ngành rất lâu nhưng vẫn chưa có đáp án”, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh thêm.

Công tác tư vấn, hỗ trợ dịch vụ khoa học - công nghệ cho người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn và chuyên nghiệp hơn (trong năm, có hàng trăm doanh nghiệp, hợp tác xã được tư vấn, hỗ trợ về xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, công bố hợp chuẩn, đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp...). Tiềm lực khoa học và công nghệ về cơ sở vật chất tuy có sự đầu tư nhưng thiếu tập trung và chưa đồng bộ, thiếu sự phối hợp để phát huy, sử dụng giữa các ngành; nguồn nhân lực khoa học và công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là thiếu đội ngũ nghiên cứu khoa học chuyên sâu. Hoạt động khoa học và công nghệ của nhiều sở, ngành có liên quan chưa được quan tâm, chất lượng hoạt động Hội đồng khoa học và công nghệ chưa cao.

Với vai trò là chủ nhiệm đề tài khoa học dự án nuôi tôm càng toàn đực, bà Vũ Hồng Như Yến, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HÐND tỉnh Cà Mau, chia sẻ: “Mô hình nuôi tôm càng xanh đang được triển khai hiệu quả, lợi nhuận từ 40-80 triệu đồng mỗi vụ; hiện nay mô hình được duy trì và nhân rộng tại nơi thí điểm; người dân quanh vùng cũng tự nhân rộng. Từ 40 ha ban đầu nay tăng lên 450 ha và có khả năng nhân rộng trong thời gian tới. Với diện tích 400.000 ha mô hình lúa - tôm ở Thới Bình và U Minh thì khả năng nhân rộng mô hình này rất cao”.

Dự án khoa học của Cà Mau được đánh giá cao nhưng chậm triển khai, nhân rộng; mô hình nuôi tôm càng là một minh chứng.

Những lo lắng của chủ nhiệm đề tài hoàn toàn có cơ sở khi nguồn vốn dành cho khoa học - công nghệ hằng năm rất cao nhưng hiệu quả mang lại chưa tương xứng. Nếu như năm 2023 nguồn vốn được bố trí là 31 tỷ đồng thì năm nay đã tăng thêm 3 tỷ đồng nữa.

“Tiềm năng phát triển con tôm càng là thế, nhưng ngành quản lý chưa có động thái, chậm trễ, chuyển bộ; trong khi ở bên ngoài, người dân đã có tâm thế chủ động hơn; như dự án của chúng tôi đến nay vẫn chưa ban hành”, bà Vũ Hồng Như Yến lo lắng.

Quản lý, phát triển các tài sản sở hữu trí tuệ đã được bảo hộ, việc truy xuất nguồn gốc các sản phẩm đặc thù của địa phương đã qua còn có mặt hạn chế, chưa phát triển thành thương hiệu lớn, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Thương hiệu Cua Cà Mau khá phát triển trong nước, nhưng sản lượng không ổn định, chưa được chế biến xuất khẩu sang nhiều nước; chưa có giải pháp hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, chứng minh xuất xứ Cua Cà Mau để bảo hộ thương hiệu sản phẩm; chất lượng Cua Cà Mau chưa được tiêu chuẩn hóa để tiện cho việc quản lý, khai thác, sử dụng.

Thực tế, việc đưa mã vạch cho người nuôi cua là không khoa học, không hiệu quả; người nuôi, người dân có thể đi mua cua từ vùng khác không đủ chuẩn để gắn mã vạch vào; một câu hỏi đặt ra chúng ta có vô hình trung tiếp tay để hạ thấp chất lượng con cua Cà Mau. Ảnh Minh họa

Năm 2024 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, là năm “tăng tốc, bứt phá” trong thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội đại biểu lần thứ XVI Ðảng bộ tỉnh. Nhiệm vụ của ngành khoa học và công nghệ là phát huy những kết quả đã đạt được, vượt qua khó khăn, tập trung xây dựng đội ngũ trong sạch, vững mạnh, đủ sức triển khai thực hiện đồng bộ và hoàn thành tốt các mặt công tác theo chức năng, nhiệm vụ.

Giải pháp trọng tâm được ngành vạch ra là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, đoàn thể các cấp và nhà khoa học trong các hoạt động khoa học và công nghệ; cần có sự quan tâm đúng mức hơn, để khoa học và công nghệ thực sự là động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Khẩn trương rà soát, xây dựng, hoàn thiện, cụ thể hóa chính sách, pháp luật thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; tập trung xây dựng các nghị quyết đã được HÐND tỉnh cho chủ trương xây dựng trong năm 2024./.

Phú Hữu