Kinh tế bết bát, tài sản của người Trung Quốc giảm sút

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

“Nghĩ mà buồn. Điều duy nhất khiến tôi bước tiếp là giữ được công ăn việc làm để nuôi gia đình lớn của mình”, Zhou, 40 tuổi và làm trong ngành tài chính ở Thượng Hải, nói với hãng tin .

Những gì mà Zhou trải qua trong năm 2023 cũng là câu chuyện của nhiều người khác ở Quốc, khi sự sụt giảm của thị trường chứng khoán và bất động sản khiến tài sản của các hộ gia đình ở nước này trượt dốc Trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chật vật phục hồi sau đại dịch Covid-19, nguy cơ thất nghiệp cũng tăng mạnh. Giờ đây, các gia đình trung lưu ở Trung Quốc đang buộc phải điều chỉnh các ưu tiên tài chính. Một số rút khỏi đầu tư, một số phải bán tài sản để giải phóng thanh khoản.

ẢNH HƯỞNG CỦA KHỦNG HOẢNG BẤT ĐỘNG SẢN

Gây ảnh hưởng nặng nề nhất đến tài sản của các hộ gia đình Trung Quốc trong năm nay là tình trạng thê thảm của thị trường bất động sản. Cuộc khủng hoảng địa ốc này gây ảnh hưởng rộng khắp trong một xã hội mà 70% tài sản của các hộ gia đình nằm ở bất động sản. Mỗi 5% giảm xuống trong giá nhà ở Trung Quốc sẽ làm tổng tài sản của hộ gia đình ở nước này “bốc hơi” 19 nghìn tỷ nhân dân tệ, tương đương 2,7 nghìn tỷ USD - theo ước tính của Bloomberg Economics.

“Đây có thể mới là sự khởi đầu của sự mất mát tài sản trong những năm tới. Trừ khi xuất hiện một thị trường giá lên quy mô lớn, mức tăng nhỏ trong tài sản tài chính sẽ không đủ để bù đắp phần mất mát trong tài sản của các gia đình”, nhà kinh tế Eric Zhu của Bloomberg Economics nhận định.

Số liệu thống kê chính thức của Trung Quốc cho thấy giá bán nhà đã qua sử dụng ở nước này chỉ giảm nhẹ, thông tin từ các công ty môi giới bất động sản và các nhà cung cấp dữ liệu tư nhân lại cho thấy mức giảm ít nhất 15% ở các khu vực đắc địa thuộc các thành phố lớn nhất của nước này.

Bloomberg Economics ước tính tỷ trọng của ngành bất động sản Trung Quốc trong tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nước này sẽ giảm còn khoảng 16% vào năm 2026 từ mức khoảng 20% hiện nay. Sự sụt giảm này sẽ khiến khoảng 5 triệu người, tương đương 1% lực lượng lao động thành thị của Trung Quốc, trước nguy cơ thất nghiệp hoặc giảm thu nhập.

Tình hình đầu tư tài chính ở Trung Quốc cũng chẳng khá hơn là bao. Tháng 12 này, giá cổ phiếu ở Trung Quốc đuối sức so với cổ phiếu tại các thị trường mới nổi khác với mức chênh lệch lớn nhất kể từ ít nhất năm 1998. Các quỹ tương hỗ Trung Quốc cũng lỗ trong quý 3 năm nay. Lợi tức từ các sản phẩm quản lý gia sản do ngân hàng cung cấp giảm xuống thấp, lãi suất tiền gửi đã có 3 đợt giảm trong vòng 1 năm trở lại đây.

Lĩnh vực ủy thác tài chính quy mô 2,9 nghìn tỷ USD của Trung Quốc - nơi các nhà đầu tư giàu có của nước này tìm kiếm lợi tức cao thông qua các sản phẩm đầu tư được bán bởi các ngân hàng ngầm chỉ chịu sự kiểm soát lỏng lẻo của cơ quan chức năng - đang xuất hiện những vết rạn. Vụ bê bối gần đây ở công ty dịch vụ tài chính Zhongzhi Enterprise Group Co. có thể khiến nhà đầu tư thiệt hại số tiền lên tới hàng chục tỷ USD.

Giá trị tài sản ròng bình quân mỗi người trưởng thành ở Trung Quốc đã giảm 2,2% trong năm 2022, còn 75.731 USD - ngân hàng ụy Sỹ UBS cho biết trong báo cáo tài sản toàn cầu công bố hồi tháng 8. Tổng tài sản bình quân mỗi người trưởng thành ở Trung Quốc giảm lần đầu tiên kể từ năm 2000 do tài sản phi tài chính sụt giảm vì khủng hoảng bất động sản, báo cáo cho hay.

NHÀ GIÀU CHỈ MONG "BẢO TOÀN TÀI SẢN"

Echo Huang, một nhân viên truyền thông, chứng kiến giá trị khoản đầu tư bất động sản của cô ở Ninh Ba, Triết Giang giảm khoảng 1 triệu USD so với mức đỉnh vào năm 2019. Giờ đây, cô cho là mình may mắn vì đã bán bất động sản đó vào tháng 5, trước khi giá giảm sâu hơn.

Với số tiền thu về, Huang dành phần lớn để cha mẹ tiết kiệm cho tuổi già của họ, và phần còn lại cô gửi tiết kiệm và đầu tư vào quỹ thị trường tiền tệ cho phép rút bất kỳ lúc nào. Cô không đầu tư cổ phiếu nữa, sau khi danh mục của cô gần đây đã mất hết thành quả tăng có được từ năm 2018.

“Công ty của tôi đang chật vật để tồn tại. Ai mà biết được có ngày tôi sẽ bị sa thải hoặc giảm lương”, Huang, 39 tuổi, nói. “Mục tiêu chính của tôi là ổn định tài sản, và tôi muốn có đủ thanh khoản trong tay”.

Ngay cả những cá nhân có tài sản lớn cũng đang trở nên thận trọng hơn - theo môt cuộc khảo sát do China Merchants Bank và Bain & Co. thực hiện. Tỷ lệ trong nhóm này nêu “bảo toàn tài sản” là mục tiêu tài chính chủ đạo đã tăng mạnh trong năm 2023, trong khi tỷ lệ đề cập đến “tạo tài sản” đã giảm xuống.

Peter Bao, làm việc trong một công ty công nghệ lớn ở Bắc Kinh, cũng đang theo đuổi một chiến lược đầu tư khôn ngoan.

Danh mục đầu tư cổ phiếu của Bao, chủ yếu là cổ phiếu doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết ở Mỹ, có thời điểm mất nửa giá trị còn chừng 5 triệu nhân dân tệ nếu so với mức đỉnh vào cuối năm 2020. Trong 2 năm qua, Bao đã chuyển bớt vốn sang các quỹ thị trường tiền tệ và các sản phẩm đầu tư trái phiếu đòi hỏi ít phân tích hơn. Bao hy vọng chiến lược này sẽ giúp anh đứng vững giữa những biến động và rủi ro thua lỗ trong ngắn hạn.

“Không có lúc nào là tôi không thấy lo lắng và hoài nghi, nhưng chẳng có lựa chọn nào tốt hơn. Tôi cũng cần tập trung vào công việc để bảo vệ thu nhập của mình, nên không có nhiều thời gian để xem xét các kênh đầu tư khác”, Bao nói.

Bình Minh