Kinh tế Việt Nam tiếp đà cải thiện

Theo cơ quan này, mặc dù tốc độ tăng trưởng thấp hơn so với kỳ vọng nhưng là mức tăng trưởng tích cực trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có nhiều khó khăn.

GDP quý III tăng 5,33%

Tổng cục Thống kê cho biết, GDP quý III của Việt Nam tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này không như kỳ vọng nhưng cho thấy đà phục hồi của kinh tế Việt Nam khi mức tăng GDP quý sau cao hơn quý trước (quý I tăng 3,28%, quý II tăng 4,05%). Tính chung, GDP 9 tháng năm 2023 tăng 4,24% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng chỉ cao hơn tốc độ tăng 2,19% và 1,57% của 9 tháng các năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011-2023.

Lý giải về lý do khiến tăng trưởng GDP quý III-2023 có xu hướng đi lên so với các quý trước, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, kinh tế 9 tháng năm 2023 đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đều có mức tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng do tổng cầu suy giảm; lạm phát đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao; chính sách tiền tệ thắt chặt, nợ công thế giới đã tăng lên mức kỷ lục, bất ổn địa chính trị, an ninh lương thực, thiên tai, biến đổi khí hậu... ngày càng gia tăng.

Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Thương mại và Phát triển công nghệ PMA, Hà Nội. Ảnh: THU DỊU

Trước bối cảnh này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động, quyết liệt, sát sao chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế.

Các giải pháp đã được tích cực thực hiện như: Giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; triển khai các gói tín dụng hỗ trợ các ngành, lĩnh vực; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất, hỗ trợ doanh nghiệp; nâng thời hạn visa điện tử cho khách du lịch; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản; công tác an sinh xã hội được quan tâm kịp thời, thiết thực.

Các giải pháp này đã phát huy hiệu quả, tạo xu hướng tích cực hơn cho nền kinh tế và ngày càng rõ nét trong nhiều ngành, lĩnh vực.

Riêng với đầu tư công, quý III ước đạt gần 183.000 tỷ đồng, bằng 25,3% kế hoạch năm, tăng 30,1% so với quý II và tăng 27,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2023, vốn từ ngân sách nhà nước ước đạt gần 415,5 nghìn tỷ đồng, bằng 57,4% kế hoạch năm và tăng 23,5% so với cùng kỳ năm trước. “Khối lượng thực hiện đầu tư công 9 tháng đạt gần 415,5 nghìn tỷ đồng là rất lớn, đã làm tăng sức cầu của nền kinh tế, lan tỏa tới các khu vực kinh tế khác, tạo động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, bà Nguyễn Thị Hương phân tích.

Tín hiệu tích cực nữa của nền kinh tế trong quý III chính là xuất khẩu. 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đều có tốc độ tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm trước, tháng 9 đã có tín hiệu khả quan khi cả xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng trưởng dương. Bên cạnh đó, trong quý III, hoạt động công nghiệp đã có chuyển biến tích cực (đạt mức tăng trưởng 5,19%) sau thời kỳ suy giảm âm (-0,75%) của quý I và chỉ tăng nhẹ 0,95% của quý II.

Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, cải thiện các hoạt động thương mại

Trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, để tăng trưởng kinh tế cả năm đạt mục tiêu 6,5% như Chính phủ đề ra là thách thức rất lớn.

Theo bà Nguyễn Thị Hương, tăng trưởng kinh tế nhiều khả năng sẽ được cải thiện trong các quý tới. Tuy nhiên, với những khó khăn từ bên ngoài và nội tại nền kinh tế thì tăng trưởng kinh tế sẽ không cao như kỳ vọng. Cụ thể, sản xuất công nghiệp tuy có chuyển biến tích cực nhưng còn chậm, chưa phục hồi hoàn toàn.

Hoạt động xuất, nhập khẩu có khả năng chưa thể tăng do tác động tiêu cực từ khó khăn của kinh tế thế giới. Nhiều doanh nghiệp chưa thoát khỏi khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn do cơ hội phát triển thị trường, đơn hàng sụt giảm; chi phí đầu vào cho sản xuất, xuất khẩu vẫn cao và có xu hướng gia tăng...

Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm, nền kinh tế nước ta cũng có nhiều động lực để thúc đẩy tăng trưởng. Bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê cho rằng, đó chính là đầu tư công đang được triển khai ráo riết theo cam kết của Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương. Đầu tư công sẽ là đòn bẩy cho các luồng đầu tư ngoài nhà nước và đầu tư FDI.

Cùng với đó, cầu tiêu dùng sẽ có thể cải thiện do xu thế tiêu dùng thường tăng vào cuối năm; mặt bằng lãi suất đã giảm và dự kiến lãi suất cho vay khả năng tiếp tục giảm trong thời gian tới sẽ kích thích tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và kích thích tiêu dùng của người dân.

Để thúc đẩy tăng trưởng các tháng cuối năm, Tổng cục Thống kê kiến nghị Chính phủ cần phát huy hiệu quả các chính sách tài khóa (hỗ trợ doanh nghiệp và người dân như giãn, hoãn, giảm thuế...); chính sách tiền tệ (cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất, phí dịch vụ, các gói tín dụng ưu đãi) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng; chính sách thúc đẩy đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các thị trường đất đai, bất động sản...

Đặc biệt, song song với giảm thuế, hoãn thuế, cần giảm các loại phí và hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm các thị trường mới; chú trọng đầu tư hiện đại hóa hệ thống phân phối ở vùng nông thôn, miền núi để đẩy mạnh đưa hàng Việt về nông thôn, đẩy mạnh triển khai các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa tại những địa phương có các sản phẩm đặc thù, lợi thế...

Mới đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố Báo cáo triển vọng phát triển châu Á tháng 9-2023, trong đó cập nhật dự báo về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023. Theo ADB, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự kiến chậm lại ở mức 5,8% trong năm 2023, giảm so với dự báo là 6,5% vào hồi tháng 4-2023 chủ yếu do nhu cầu thế giới suy yếu. Các dự báo về lạm phát của Việt Nam cũng được ADB điều chỉnh giảm từ 4,5% xuống còn 3,8% cho năm 2023.

Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam chia sẻ, nền kinh tế vẫn vững vàng và dự kiến sẽ phục hồi nhanh trong tương lai gần nhờ tiêu dùng trong nước mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi lạm phát ở mức vừa phải, tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công và cải thiện các hoạt động thương mại.

VŨ DUNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.