Kinh tế Việt Nam trong bối cảnh mới và cơ hội việc làm cho sinh viên

Chương trình do Khoa Kinh tế (Trường Đại học Thương mại) và Viện Doanh Trí tổ chức phối hợp tổ chức, đã mang đến cho các bạn sinh viên chuyên ngành Quản lý kinh tế những kiến thức kinh tế mới mẻ, giàu thực tiễn về xu thế kinh tế thế giới trong lĩnh vực khoa học công nghệ, xu hướng thị trường lao động và việc làm; hay thực tế hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới hiện nay.

Các diễn giả tại tọa đàm “Kinh tế Việt Nam trong bối cảnh mới và cơ hội việc làm”

Hãy bắt đầu bằng một câu hỏi đơn giản: Bạn nghĩ gì khi nghe đến "bối cảnh mới"? Có thể là công nghệ mới, thị trường lao động thay đổi, hoặc thậm chí là cách thế giới vận hành sau đại dịch. Nhưng một điều chắc chắn, bối cảnh mới mang lại cơ hội mới nhưng cũng nhiều thách thức mới. Những người làm chủ được thách thức, làm chủ được cơ hội sẽ là những người làm chủ được tương lai của mình, trong đó sẽ có rất nhiều các bạn sinh viên có mặt tại hội trường cùng lắng nghe các diễn giả chia sẻ.

Tại buổi tọa đàm, .TS. Phùng Thế Đông đã tổng quan bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam những năm qua, triển vọng thời gian tới. Theo PGS.TS. Phùng Thế Đông, hòa bình, hợp tác, liên kết và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo, hội nhập quốc tế và khu vực tạo ra nhiều cơ hội cho sự phát triển của thị trường lao động Việt Nam; mở rộng sân chơi cạnh tranh mà ở đó có nhiều thời cơ mới song cũng nhiều thách thức hơn. Cơ hội việc làm có thu nhập cao trong các lĩnh vực tài chính - tiền tệ - ngân hàng - bảo hiểm,… các lĩnh vực cần sử dụng nhiều trí tuệ, trình độ cao luôn dồi dào để đáp ứng nhu cầu phát triển và các biến động của kinh tế - chính trị trên thế giới.

PGS.TS. Phùng Thế Đông trình bày về biến động kinh tế và khoa học công nghệ trên thế giới và cơ hội việc làm.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch quỹ đầu tư Việt Nam - Singapore chia sẻ về các quỹ đầu tư và cơ hội việc làm.

Phần thú vị nhất của tọa đàm là giao lưu giữa các bạn sinh viên và các diễn giả là các CEO thành công trên thương trường, các nhà đầu tư và quản lý kinh tế, tài chính xuyên quốc gia đầy kinh nghiệm.

Thật tuyệt vời, khi được nghe các bạn sinh viên năm thứ nhất, năm thứ 2 của khoa Kinh tế mạnh dạn, tự tin khi đặt các câu hỏi rất “đắt giá” với các diễn giả. Qua đó, các bạn sinh viên hiểu rõ hơn về những yêu cầu của thị trường lao động hiện nay, hiểu rõ hơn về chuyên ngành Quản lý kinh tế, từ đó có thể vững tin hơn với lựa chọn của mình và có những định hướng phấn đầu cho nghề nghiệp trong tương lai.

Các diễn giả chụp ảnh lưu niệm tại chương trình

Tại buổi tọa đàm, PGS.TS. Phan Thế Công nhận định, trong bối cảnh mới, sự phát triển với tốc độ chóng mặt của các công nghệ số mới đã và đang ảnh hưởng đến mọi mặt hoạt động của xã hội loài người.

Khoa Kinh tế, trường Đại học Thương mại đang thay đổi phương thức đào tạo truyền thống để sang những phương thức đào tạo linh hoạt, chú trọng đào tạo các kỹ năng và gắn bó với văn hóa học tập suốt đời, ứng dụng công nghệ vào đổi mới phương thức đào tạo. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên chuyên ngành Quản lý Kinh tế có thể xin việc tại các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế các cấp (ví dụ: tại các bộ phận hoạch định, tổ chức và kiểm tra thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế vĩ mô; bộ phận hoạch định, tổ chức thực thi, kiểm tra, giám sát và phân tích, đánh giá thực thi chính sách về kinh tế, quản lý tài sản, ngân sách, thuế; bộ phận tổ chức triển khai, theo dõi và thực thi hội nhập kinh tế, thương mại và đầu tư quốc tế; bộ phận nghiên cứu, triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư vĩ mô và dự án đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội; bộ phận đăng ký kinh doanh, quản lý thị trường, theo dõi và giám sát hoạt động kinh tế của doanh nghiệp theo địa bàn và ngành hàng…).

Tọa đàm “Kinh tế Việt Nam trong bối cảnh mới và cơ hội việc làm” đã diễn ra thành công tốt đẹp. Rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm và cả các bài học rút ra trên hành trình lập nghiệp đầy chông gai thử thách của PGS.TS. Phùng Thế Đông, ThS. Nguyễn Trung Kiên, TS. Trần Văn Lê, Thạc sỹ doanh nhân Lê Dung tới các bạn sinh viên khoa Kinh tế, Đại học Thương mại. Từ đó giúp các bạn sinh viên hiểu hơn về những thách thức và cơ hội trong lĩnh vực kinh tế, cũng như những kỹ năng cần thiết để thích nghi và thành công.

TS. Trần Văn Lê, CEO Công ty TNHH Sản xuất cơ điện và Thương mại Phương Linh, chia sẻ “đường đi đến thành công” sau 25 năm khởi nghiệp.

Sau buổi tọa đàm, TS. Trần Văn Lê đã trao phần quà bằng tiền mặt 50 triệu tới vườn ươm Khoa Kinh tế với mong muốn các em sinh viên có nhiều cơ hội phát triển bản thân, nâng cao kiến thức, trải nghiệm, thực hành trong quá trình học tập tại ngôi trường thân thương mang tên trường Đại học Thương mại.

Các diễn giả chụp ảnh lưu niệm cùng các thầy cô và sinh viên Khoa Kinh tế, Trường ĐHTM

Moderator bà Lê Dung chia sẻ chưa bao giờ các cơ hội được rộng mở tới các bạn sinh viên như bây giờ. Gắn bó hơn 20 năm tại trường Đại học Thương mại, hiện CEO Lê Dung đang là NCS khoa Kinh tế, chuyên ngành Quản lý kinh tế tại trường, mong muốn hội thảo sẽ là bước tiền đề cho nhiều chương trình tiếp theo, như cánh tay nối dài giúp sinh viên có cơ hội tiếp cận trực tiếp tới cộng đồng doanh nghiệp, lắng nghe những mong muốn từ Doanh nghiệp. Từ đó, nhà trường cũng như các bạn sinh viên sẽ có những điều chỉnh phù hợp trong quá trình giảng dạy và học tập, giúp tăng cơ hội việc làm cho các em sau khi ra trường, đảm bảo mục tiêu không một sinh viên nào khoa Kinh tế bị thất nghiệp.

Bà Lê Dung, Viện trưởng Viện Doanh trí, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đào tạo và Phát triển nhân lực Dgroup

"Hy vọng rằng, qua những chia sẻ và thảo luận, mỗi bạn sinh viên sẽ tìm thấy một hướng đi mới, một ý tưởng mới, hoặc ít nhất là một câu hỏi mới để suy ngẫm. Và có lẽ, đó chính là bước đầu tiên để nắm bắt cơ hội trong "bối cảnh mới" của mỗi thành viên tham dự", PGS.TS Phan Thế Công khẳng định.