Giáo viên là người 'gieo mầm' cho những trường học hạnh phúc

Sáng 24/9, tại Đà Nẵng, Hội thảo “Thay đổi Vì một trường học Hạnh phúc” với Chủ đề “Chọn Yêu thương - Chọn Hạnh phúc” được tổ chức với sự tham gia của 400 Hiệu trưởng, giáo viên đến từ 50 tỉnh, thành trên cả nước.

Giáo sư Peck Cho (Đại học Korea - Hàn Quốc, Cố vấn giáo dục của Chính phủ Hàn Quốc) và Giáo sư Hà Vĩnh Thọ (Người sáng lập Học Viện Eurasia vì Hạnh Phúc & An Lạc và dự án Trường học Hạnh phúc) - những chuyên gia hàng đầu về Tâm lý giáo dục là người dẫn dắt và đồng hành cùng các thầy, cô giáo.

Hai chuyên gia tâm lý giáo dục hàng đầu, Giáo sư Peck Cho và Giáo sư Hà Vĩnh Thọ là những người chia sẻ, dẫn dắt các Hiệu trưởng, giáo viên cách xây dựng trường học hạnh phúc

Theo Giáo sư Peck Cho, đại dịch COVID-19 tạo ra sự gián đoạn trong giáo dục, lần đầu tiên trong lịch sử, có quá nhiều trường học phải tạm đóng cửa.

“Nhiều học sinh đang được chăm sóc quá kỹ dẫn đến phụ thuộc. Và khi các em lớn lên sẽ trở nên kiêu ngạo, ích kỷ và chỉ yêu bản thân mình. Điều các em cần phải thay đổi đó chính là ý thức về công dân, lòng thương, sự sẵn sàng cống hiến cho xã hội các em đang sống…”, Giáo sư Cho nhận định.

Giáo sư đánh giá đây là thời điểm tất cả mọi nơi trên thế giới đều cải cách giáo dục và một trong những điều quan trọng đó là thầy cô cần dạy học sinh cách cư xử.

“Điều chúng ta nên làm chính là hướng dẫn cảm xúc, mong muốn học sinh cư xử tốt, chuyên nghiệp. Trước khi làm điều đó, phải tác động, kết nối về mặt cảm xúc, trái tim với trái tim…”, ông nói.

GS Hà Vĩnh Thọ chia sẻ những góc nhìn chân thực về giáo dục và những cách thức để có thể vận hành một Ngôi trường Hạnh phúc

Là người khởi xướng và đồng hành cùng Dự án Trường học Hạnh phúc, GS Hà Vĩnh Thọ chia sẻ những góc nhìn chân thực về giáo dục và những cách thức để có thể vận hành một Ngôi trường Hạnh phúc.

“Sau khi tham gia khóa đào tạo Happy School, một giáo viên nói với chúng tôi rằng: khi bắt đầu sự nghiệp của một giáo viên trẻ, tôi tràn đầy lý tưởng, nhưng dần dần tôi quên mất lý do tại sao tôi lại chọn con đường này. Sau khóa học này, tôi nhớ ý định ban đầu của mình là giúp trẻ em trở thành những con người tốt hơn”, Giáo sự Thọ nói.

Theo Giáo sư Thọ, giáo viên là những viên gạch vững chãi để xây dựng trường học hạnh phúc mặc dù hành trình để xây dựng lại niềm hạnh phúc của giáo viên trong việc giảng dạy là không dễ và có nhiều rào cản.

“Mối nguy hiểm hiện hữu khi những bạn trẻ đang lớn lên trong thời đại của internet và mạng xã hội và chúng tôi đi ngược với những xu hướng này. Điều quan trọng là họ phải hiểu rằng hạnh phúc của họ đi liền với hạnh phúc của người khác, của xã hội và của lợi ích chung. Do đó, Trường học Hạnh phúc nên chú trọng nhiều đến các giá trị đạo đức”, Giáo sư Thọ nói.

Mỗi giáo viên chính là người đặt nền móng cho những trường học hạnh phúc

Là lớp giáo viên đầu tiên tham gia dự án Trường học Hạnh phúc, trong 4 năm qua, thầy Đoàn Văn Tiến (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Cao Thắng - TP Huế) cùng các giáo viên của trường tích cực thực hành những bài học để xây dựng môi trường giáo dục hạnh phúc cho học sinh.

“Xây dựng Trường học hạnh phúc nghe có vẻ to tát, nhưng điều đó bắt đầu từ chính những thay đổi của mỗi giáo viên về nhận thức, về hành động. Bản thân mỗi giáo viên phải là những người hạnh phúc, biết nhận diện và quản lý được cảm xúc, quan tâm đến bản thân, sau đó, quan tâm đến người khác. Cảm nhận được hạnh phúc khi giảng dạy, mỗi giáo viên sẽ lan tỏa được năng lực tích cực đến các em học sinh và ngược lại”, thầy Tiến nói.

Theo cô Trần Thị Dung Huế (Trường Tiểu học Thạch Đài, Hà Tĩnh), thời gian qua, bản thân cô luôn cố gắng thay đổi từng chi tiết nhỏ nhất từ bản thân và lan tỏa cho các thầy cô để cùng nhau đặt nền móng xây một ngôi trường Hạnh phúc đúng nghĩa.

“Ở đây, tôi tìm thấy những hướng dẫn cụ thể, được lắng nghe, chia sẻ với các chuyên gia về những giá trị mà tôi theo đuổi, những điều mà tôi băn khoăn. Tôi tin rằng sau đây, tôi sẽ áp dụng được những điều mới mẻ này để cùng các giáo viên trong trường xây dựng môi trường giáo dục hạnh phúc thực sự cho học sinh”, cô Huế nói.

Trong 2 ngày diễn ra Hội thảo (24/9 và 25/9), các hiệu trưởng sẽ cùng tham gia các lớp học về vận hành trường học và hướng dẫn cảm xúc, hạnh phúc là gì và làm thế nào để hạnh phúc trong giáo dục, tìm hiểu về trí tuệ cảm xúc, suy ngẫm thực hành về 5 điều kiện của hạnh phúc và 5 kỹ năng cảm xúc – xã hội…

Giang Thanh - Thái Lâm