LHQ thúc đẩy đàm phán các phe phái tại Sudan để chấm dứt khủng hoảng hậu đảo chính

Ngày 8/1, Đặc phái viên LHQ tại Sudan, Volker Perthes, ra tuyên bố cho biết, tiến trình chính trị do LHQ thúc đẩy sẽ tìm kiếm một “con đường bền vững tiến tới dân chủ và hòa bình” ở nước này.

“Đã đến lúc chấm dứt bạo lực và bước vào một quá trình mang tính xây dựng. Quá trình này sẽ bao gồm tất cả.”, ông Perthes lưu ý, mọi bên liên quan ở Sudan, bao gồm quân đội, các nhóm nổi dậy, các đảng phái chính trị và các phong trào phản đối, cũng như xã hội dân sự và các nhóm phụ nữ sẽ được mời tham gia vào quá trình này.

Biểu tình diễn ra không ngừng trên khắp đất nước Sudan kể từ sau cuộc đảo chính ngày 25/10/2021, yêu cầu quân đội trao trả lại quyền lãnh đạo cho dân sự. Ảnh: AFP/Getty.

Bộ tứ Quad, gồm Ả Rập Xê-út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Vương quốc Anh và Mỹ đã bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ nỗ lực của LHQ; đồng thời kêu gọi tất cả các thành phần chính trị ở Sudan nắm bắt cơ hội này để khôi phục quá trình chuyển đổi sang nền dân chủ dân sự của đất nước.

Liên minh đối lập dân sự chính của Sudan, Lực lượng Tự do và Thay đổi (FFC) ra tuyên bố hoan nghênh bất kỳ nỗ lực quốc tế nào góp phần đạt được các mục tiêu của người dân Sudan trong việc tiến tới một nhà nước dân sự và dân chủ.

Biểu tình tại Sudan ngày 9/10 . Ảnh cắt từ video, nguồn: Mohamed Mustafa/Twitter.

Cuộc đảo chính ngày 25/10 của giới quân sự làm gián đoạn quá trình chuyển đổi hòa bình sang dân chủ ở Sudan, hơn hai năm sau khi một cuộc nổi dậy rộng khắp buộc quân đội lật đổ nhà lãnh đạo lâu năm Omar al-Bashir vào tháng 4/2019.

Hôm 2/1, Thủ tướng Sudan Abdallah Hamdok từ chức do không đạt được thỏa hiệp giữa các tướng lĩnh và phong trào ủng hộ dân chủ của đất nước. Ông Hamdok đã bị phế truất trong cuộc đảo chính và được phục chức một tháng sau đó, sau một thỏa thuận với quân đội nhằm xoa dịu căng thẳng và các cuộc biểu tình chống đảo chính.

Bạo lực tại các cuộc biểu tình ở Sudan khiến 60 người thiệt mạng. Nguồn:Anjazeera.

Việc Thủ tướng Hamdok từ chức đã khiến Sudan lún sâu vào hỗn loạn, trong bối cảnh bế tắc chính trị và các cuộc biểu tình liên miên, trong đó ít nhất 60 người đã thiệt mạng kể từ sau cuộc đảo chính.

Đặc phái viên LHQ Perthes cho biết, bạo lực gia tăng chống lại những người biểu tình kể từ sau cuộc đảo chính đã làm tăng thêm sự hoài nghi của tất cả các đảng phái chính trị vào quân đội.

Các cuộc biểu tình vẫn đang diễn ra tại Sudan chống lại đảo chính và việc nắm quyền của quân đội. Nguồn: Mohamed Mustafa/Twitter.

Ông Perthes cảnh báo, tình trạng bế tắc đang diễn ra có thể đẩy đất nước lún sâu vào tình trạng bất ổn, gây tổn hại những thành quả kinh tế, xã hội và chính trị quan trọng kể từ cuộc nổi dậy chống lại nhà lãnh đạo al-Bashir.

Phong trào phản đối đặt ra yêu cầu một chính phủ dân sự hoàn toàn để dẫn dắt quá trình chuyển đổi dân chủ, trong khi phía quân đội cho thấy, họ muốn là lực lượng chi phối trong giai đoạn chuyển tiếp tiến tới một cuộc bầu cử được lên kế hoạch vào tháng 7/2023.

Văn Phong (Theo Alja)