Năm 2023, xuất khẩu gạo của Sóc Trăng tăng gần 34%

Ông Võ Văn Chiêu, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh óc Trăng cho biết, điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu trong năm vừa qua của tỉnh Sóc Trăng là gạo, với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 450 triệu USD, tăng gần 34% so với năm 2022, chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Sóc Trăng xuất khẩu gạo sang các thị trường truyền thống và trọng điểm như Philippines, Trung Quốc.

Theo ông Chiêu, xuất khẩu gạo tăng trưởng tốt là do tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa, được xác định là cây chủ lực với diện tích gieo trồng hàng năm khoảng 330.000 ha, với sản lượng lúa đạt trên 2 triệu tấn/năm, trong đó sản lượng lúa đặc sản chất lượng cao chiếm trên 90%.

Xuất khẩu gạo của Sóc Trăng tăng trưởng mạnh trong năm 2023

Riêng về xuất khẩu thủy sản đạt 925 triệu USD. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn giữ được các thị trường xuất khẩu truyền thống như Mỹ, Canada, Nhật Bản, EU… và khai thác khá tốt các lợi thế do FTA mang đến. Tuy nhiên, so với năm 2022, giá trị xuất khẩu thủy sản giảm hơn 11%. Nguyên nhân là do tình hình thế giới diễn biến phức tạp; lạm phát tăng cao; khủng hoảng kinh tế ở một số nước lớn; người dân một số nước nhập khẩu thắt chặt chi tiêu; nguồn cung lớn hơn cầu do sự cạnh tranh quyết liệt về giá tôm của Ấn Độ và . Đối với may mặc xuất khẩu đạt 120 triệu USD.

Năm 2023, xuất khẩu thủy sản của Sóc Trăng đạt 925 triệu USD

Trong năm 2024, tỉnh Sóc Trăng tiếp tục đặt ra chỉ tiêu xuất khẩu giá trị hàng hóa 1,5 tỷ USD; trong đó, chủ lực vẫn là gạo, thủy sản. Ông Võ Văn Chiêu cho biết, để đạt được mục tiêu này, Sóc Trăng sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, sản xuất chế biến, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Kim ngạch xuất khẩu đạt 450 triệu USD, tăng gần 34% so với năm 2022

Triển khai các giải pháp hướng dẫn hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng mô hình kinh tế hợp tác liên kết sản xuất và chế biến các mặt hàng xuất khẩu, nhất là con tôm, giảm các khâu trung gian, giảm giá thành sản xuất, mở rộng diện tích thả nuôi, đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu trong thời gian tới. Ngoài ra, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm với các thị trường mới.

Thạch Hồng/VOV-ĐBSCL