Năm 2024 - Dấu mốc nâng tầm đối ngoại quốc phòng

Phóng viên (PV):Nhìn lại năm 2023 vừa qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu ngoại giao. Đại sứ đánh giá như thế nào về những thành tựu này?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Trước hết, nhìn vào bối cảnh quốc tế năm 2023 là một bối cảnh rất khó khăn, từ những bất ổn về chính trị, cạnh tranh nước lớn, rồi đến những cuộc khủng hoảng, xung đột ở nhiều nơi. Câu chuyện về kinh tế bước ra khỏi đại dịch có một số tín hiệu tích cực nhưng vẫn còn bấp bênh, cả về sự phục hồi cũng như vấn đề phòng, chống lạm phát. Rồi đến những câu chuyện về thách thức an ninh phi truyền thống, trong đó có biến đổi khí hậu hay là nguy cơ dịch bệnh quay trở lại vẫn còn. Trong bối cảnh đó, nhìn lại một năm hoạt động đối ngoại của Việt Nam, chúng ta phải thấy rằng, chúng ta đã kịp thời triển khai dồn dập các hoạt động đối ngoại ngay sau khi kiểm soát được đại dịch. Chỉ tính riêng các đoàn cấp cao đã gần 50 đoàn, bao gồm các đoàn ra và đoàn vào, điều đó tạo ra một bề dày và chiều rộng của quan hệ Việt Nam với các nước.

Thứ hai, chúng ta đã làm nên một đột phá trong việc củng cố, mở rộng, nâng tầm với các đối tác chủ chốt, bao gồm các quốc gia láng giềng và các nước lớn. Điển hình trong một năm, chúng ta đón đoàn nguyên thủ của cả hai nước quan trọng nhất thế giới, cường quốc số một, số hai, đó là Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Chúng ta nâng cấp quan hệ với Mỹ lên thành đối tác chiến lược toàn diện. Chúng ta cũng nâng cấp quan hệ với Nhật Bản lên đối tác chiến lược toàn diện; củng cố, mở rộng và nâng cao quan hệ với Trung Quốc, tạo ra một thế chiến lược mới, một vị trí chiến lược mới cho Việt Nam. Đến nay, chúng ta có 6 nước là đối tác chiến lược toàn diện trong tổng thể 30 nước là đối tác vừa toàn diện, vừa chiến lược. Điều đó tạo vị thế rất mới cho Việt Nam.

Một trong những khâu then chốt và tập trung nhất của nỗ lực đối ngoại của Việt Nam trong năm 2023 là tập trung phục vụ cho phát triển kinh tế. Chúng ta đã tranh thủ được những nguồn lực từ bên ngoài giúp cho phát triển kinh tế. Tính riêng về mặt xuất nhập khẩu, tức là thương mại với thế giới, chúng ta đạt 700 tỉ USD. Như vậy cũng gần đạt được mốc trước đại dịch. Thứ hai, tranh thủ đầu tư trực tiếp từ nước ngoài cũng gia tăng 14%, trong đó đạt trên 36 tỉ USD.

Điểm nữa là chúng ta nâng tầm quan hệ kinh tế của Việt Nam với các nước, bằng việc tranh thủ các hiệp định thương mại tự do đã có, đồng thời tranh thủ những nguồn lực từ những xu hướng phát triển kinh tế mới, như là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh hay chuyển đổi sạch thông qua bất cứ các chuyến thăm nào, chúng ta cũng đều nhấn rất mạnh đến kinh tế và phát triển dựa trên đổi mới, sáng tạo và công nghệ. Tất cả những hoạt động đối ngoại trong năm qua được Đảng và Nhà nước đánh giá là một năm mang tính dấu mốc và có nhiều dấu ấn lịch sử, tạo vị thế mới cho Việt Nam trong thời gian tới phát triển hơn nữa quan hệ với các nước, đóng góp tốt hơn cho môi trường hòa bình và phát triển của Việt Nam.

Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Ảnh: ĐỨC ANH

PV: Giữa những giá trị và ý nghĩa tích cực hoạt động đối ngoại đạt được trong năm 2023, đối ngoại quốc phòng đã góp phần vào thành công chung của công tác đối ngoại như thế nào, thưa Đại sứ?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Về đối ngoại quốc phòng, năm 2023 chúng ta đã tiếp tục được đà phát triển và những thành tựu đã đạt được của những năm trước. Ngành quốc phòng đã tham gia vào hoạt động đối ngoại chung ở Việt Nam để tạo ra môi trường thuận lợi nhất cho đất nước về cả an ninh và phát triển kinh tế, đặc biệt, chúng ta tạo ra được môi trường xung quanh mình.

Đó là đoàn kết, hữu nghị, tăng cường hiểu biết và chung tay hợp tác vì hòa bình. Thứ hai, trong năm qua, chúng ta có rất nhiều tham vấn về chính sách quốc phòng với các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là với các nước lớn và các nước láng giềng, nhằm tăng cường lòng tin, sự hiểu biết và xây dựng hợp tác với nhau.

Trong đó, chúng ta thể hiện rất rõ đường lối đối ngoại nhất quán của quốc phòng Việt Nam là tự vệ độc lập, tự chủ và hòa bình, tham gia thúc đẩy hợp tác hữu nghị với các nước. Điểm nữa là chúng ta củng cố và mở rộng, làm sâu sắc về quan hệ với các nước láng giềng, nhất là những nước có chung biên giới để tạo ra quan hệ hữu nghị, hợp tác và cùng nhau thúc đẩy sự phát triển của khu vực này và biến các đường biên giới thành những đường biên giới hòa bình, hữu nghị và ổn định lâu dài.

Đây là câu chuyện rất quan trọng đối với môi trường, an ninh và phát triển của Việt Nam. Một điểm nữa cũng phải nhấn rất mạnh, đó là đối ngoại quốc phòng Việt Nam tham gia sâu rộng vào hội nhập quốc tế, nhất là tham gia vào các hoạt động của ASEAN, của Liên hợp quốc. Ví dụ như chúng ta tham gia các hội nghị của ASEAN về quốc phòng, trong đó có Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) để thúc đẩy các môi trường hợp tác ở khu vực, ứng phó với các thách thức, bao gồm cả thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống.

Bên cạnh đó, chúng ta cử người tham gia một cách tích cực, hiệu quả và được các nước đánh giá rất cao khi cử các lực lượng tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở châu Phi. Tất cả những điều đó đã tạo một vị thế mới cho đối ngoại quốc phòng Việt Nam và đóng góp rất lớn và có ý nghĩa cho công tác đối ngoại chung của Đảng và Nhà nước ta.

PV: Nói sâu hơn về một trong những điểm sáng của đối ngoại quốc phòng Việt Nam năm 2023 là đối ngoại biên giới. Tháng 12 vừa qua, lần đầu tiên Bộ Quốc phòng tổ chức giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia. Dù diễn ra trong thời gian ngắn,chương trình giao lưu đã thành công tốt đẹp. Sự thành công ấy có ý nghĩa như thế nào đối với quan hệ quốc phòng giữa ba nước, thưa Đại sứ?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Chúng ta đã có những hoạt động giao lưu với ào, Campuchia theo cách song phương. Nhưng đây là lần đầu tiên ba nước tổ chức, mà lại trên điểm giao nối ở biên giới với nhau, điều đó thể hiện mấy điểm rất rõ ràng. Một là phản ánh quan hệ đặc biệt truyền thống của ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia cùng chung tay trong công cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do; công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Các bên đã có những truyền thống hữu nghị, hợp tác với nhau lâu dài và gắn bó với nhau cùng dải Trường Sơn, dòng Mekong. Đó chính là sự thể hiện cao trong quan hệ đối ngoại về quốc phòng giữa ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia.

Hai là chương trình giao lưu càng vun đắp thêm cho biên giới hữu nghị, ổn định lâu dài giữa Việt Nam, Lào và . Chương trình này sẽ tiếp tục là nền tảng để chúng ta có thể củng cố hơn nữa môi trường hợp tác giữa ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia với nhau. Và thứ ba là thể hiện tình đoàn kết, hợp tác tương trợ lẫn nhau giữa ba nước.

Từ lâu nay, Việt Nam, Lào và Campuchia đã hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau, chẳng hạn khi có thiên tai, dịch bệnh hay phòng, chống tội phạm xuyên biên giới… Người dân với người dân ở các vùng, địa phương vùng giáp ranh biên giới rất hữu nghị, họ cũng rất đoàn kết và tương trợ với nhau. Như vậy chương trình giao lưu lần này càng cho phép ba nước phối hợp một cách tốt hơn. Tôi trông đợi rằng, chương trình giao lưu hữu nghị biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia đầu tiên này sẽ trở thành truyền thống, để thể hiện rất rõ quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào-Campuchia, quan hệ đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, quan hệ biên giới hòa bình, hữu nghị cùng hợp tác với nhau.

Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Chansamone Chanyalath (bên trái), Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào; Đại tướng Tea Seiha (bên phải), Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Campuchia, tại Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia lần thứ nhất. Ảnh: TUẤN HUY

PV:Trong tình hình mới hiện nay, yếu tố nhất quán trong đường lối đối ngoại quốc phòng Việt Nam Đại sứ vừa đề cập và nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến” được thể hiện như thế nào, thưa Đại sứ?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh xuyên suốt trong chính sách đối ngoại của Nhà nước Việt Nam từ trước đến nay. Đây là một nguyên tắc rất nhất quán. "Dĩ bất biến, ứng vạn biến", tức là phải bảo đảm cho được nguyên tắc để từ đó có thể ứng xử, xử lý những thách thức nảy sinh, làm sao phục vụ được tốt nhất mục tiêu lợi ích quốc gia cũng như những nguyên tắc của đối ngoại. Ở đây, quốc phòng Việt Nam nhất quán đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước là độc lập, tự chủ, hòa bình, đa dạng hóa, đa phương hóa và làm bạn với các nước.

Chúng ta thấy rằng đối ngoại quốc phòng trong thời gian vừa qua: Thứ nhất là khẳng định chúng ta đã tự vệ và hòa bình. Chúng ta đã thể hiện hợp tác với tất cả các nước để gìn giữ được môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển cho khu vực cũng như cho thế giới nói chung.

Thứ hai, chúng ta thực hiện chính sách quốc phòng “bốn không”: Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, mà mục tiêu cao nhất của chúng ta là làm đối tác với tất cả các nước và cùng chung mục tiêu là hữu nghị, hòa bình và hợp tác.

Thứ ba, chúng ta tham gia rất nhiều vào những hoạt động chung của khu vực và của thế giới để cùng ứng phó với các thách thức, kể cả an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống. Chúng ta tham gia vào các hoạt động cứu hộ, cứu nạn ở trong ASEAN, các hoạt động về an ninh hàng hải ở khu vực để bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định. Trong thời gian vừa qua, Việt Nam không chỉ tham gia ở khu vực Đông Nam Á mà chúng ta đã mở rộng hoạt động hợp tác hữu nghị và cứu hộ, cứu nạn trên tinh thần tương trợ lẫn nhau ở nhiều nơi, như ở Thổ Nhĩ Kỳ hay Syria. Cùng với đó, chúng ta tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc cũng thể hiện một sứ mệnh rất lớn của đối ngoại Việt Nam là hòa bình, hữu nghị.

Như vậy, đối ngoại Việt Nam nói chung và đối ngoại quốc phòng Việt Nam nói riêng đã thực hiện rất nhất quán nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để mục tiêu tối thượng của Việt Nam cũng song trùng với mục tiêu tối thượng của khu vực và thế giới, đó là hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

PV:Theo Đại sứ, sang năm 2024, tình hình của thế giới và khu vực liệu sẽ diễn tiến ra sao? Đối ngoại Quốc phòng Việt Nam sẽ cần chú ý đến những gì, thưa Đại sứ?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Tôi tin rằng năm 2024 vẫn có nhiều diễn biến phức tạp và tiếp nối của câu chuyện 2023, như môi trường chính trị, an ninh sẽ tiếp tục phức tạp, trong đó có cạnh tranh nước lớn, các cuộc khủng hoảng vẫn còn tiếp diễn và cả những thách thức an ninh phi truyền thống. Kinh tế thế giới vẫn có chiều hướng phục hồi nhưng chưa ổn định và bền vững.

Do vậy, điều quan trọng nhất đối với đối ngoại của Việt Nam là vẫn phải tiếp tục củng cố, thúc đẩy môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển cho đất nước. Đối ngoại Quốc phòng Việt Nam cũng phải tham gia vào mục tiêu đó. Tôi cho rằng năm 2023 chúng ta đã đạt được những dấu mốc chiến lược, có tính lịch sử trong mở rộng quan hệ với các quốc gia, đặc biệt những quốc gia là đối tác chủ chốt của mình ở khu vực và các nước lớn. Giờ đây 2024, chúng ta phải tiếp tục củng cố mặt này, đẩy mạnh hơn nữa, đi vào chiều sâu. Tiếp nữa là có rất nhiều thỏa thuận hợp tác đã đạt được, do đó, đối ngoại của Việt Nam cũng phải làm sao phối hợp với trong nước thúc đẩy thực hiện những thỏa thuận đó. Một trong những thỏa thuận rất quan trọng chúng ta đạt được trong 2023 khi quan hệ với các nước là những thỏa thuận về hợp tác kinh tế, bao gồm những thỏa thuận hợp tác về công nghệ đổi mới, sáng tạo như chất bán dẫn. Rõ ràng, để có thể đưa những thỏa thuận này vào thực tiễn đòi hỏi chúng ta phải tăng cường các môi trường trong nước, thúc đẩy hợp tác Chính phủ với Chính phủ, doanh nghiệp với doanh nghiệp.

Về đối ngoại quốc phòng, tôi cho rằng, chúng ta tiếp tục nhất quán đường lối đối ngoại quốc phòng là tự vệ, hòa bình, hữu nghị và thúc đẩy hợp tác giữa các nước với nhau. Trọng tâm của chúng ta là tiếp tục thúc đẩy môi trường ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó đặc biệt là Đông Nam Á hòa bình, ổn định; coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN, những hoạt động hợp tác trên các kênh quốc phòng của ASEAN để từ đó có thể phối hợp kết hợp với các nước.

Thứ hai, chúng ta tiếp tục củng cố và thúc đẩy hoạt động với lại tất cả các đối tác, trong đó đặc biệt là với các nước láng giềng, các nước có chung biên giới. Thường xuyên có giao lưu hữu nghị với những nước chung biên giới, trong đó có với Trung Quốc, Lào, với Campuchia là rất quan trọng.

Thứ ba, thúc đẩy môi trường hòa bình trên Biển Đông và trong đó có đóng góp của ASEAN vào việc xây dựng lòng tin, kiềm chế và không làm phức tạp tình hình dựa trên Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982 và luật pháp quốc tế. Chắc chắn những hoạt động mà chúng ta tham gia vì hòa bình, hợp tác ở trên quốc tế và khu vực như ASEAN hay ở Liên hợp quốc, trong đó tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc sẽ phải tiếp tục hơn nữa.

Năm 2024 là năm kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Đây là một dấu mốc rất lớn để chúng ta vừa hướng tới những tầm cao hơn của công tác phát triển đối ngoại quốc phòng, đồng thời phát huy những thành tựu mà 80 năm qua Quân đội đã đạt được. Tôi nghĩ rằng 2024 là một kỷ niệm rất lớn, vừa là dịp để chúng ta tự hào về Quân đội nhân dân Việt Nam, nhưng cũng là một dấu mốc để chúng ta nâng tầm quan hệ đối ngoại về quốc phòng.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ Phạm Quang Vinh!

QUỲNH DIỆP

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Đối ngoại quốc phòng xem các tin, bài liên quan.