Nắm bắt tốt các động lực, kinh tế Việt Nam năm 2024 sẽ lạc quan

Đó là nhận định của chuyên gia Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, tại Diễn đàn Kịch bản kinh tế Việt Nam thường niên lần thứ 16 với chủ đề “Thúc đẩy cơ chế chính sách, thực thi mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam VnEconomy và Bộ Ngoại giao tổ chức sáng 11/1.

Ông Lực nhận xét, năm 2023, kinh tế Việt Nam tăng trưởng khoảng 5%. Đây tuy là mức thấp so với mong muốn, kế hoạch của Việt Nam nhưng lại tương đối cao trong khu vực.

Chúng ta kém Ấn Độ phát triển khoảng trên 6%, kém Philippines một chút và tương đương Trung Quốc. Như vậy, chúng ta tăng trưởng khá cao trong khu vực.

Năm 2024, các dự báo đều cho rằng tăng trưởng của chúng ta sẽ tốt lên. ân hàng Thế giới (WB) dự báo khoảng 5,5%, đa số các dự báo khác khoảng 6%. Chúng tôi thì lạc quan hơn một chút, chúng tôi dự báo sẽ tăng thêm khoảng 0,5 điểm % so với dự báo của quốc tế”, ông Cấn Văn Lực nói.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia.

Nhận định về bối cảnh kinh tế toàn cầu năm 2024, ông Lực cho rằng kinh tế thế giới sẽ tiếp tục khó khăn, tuy nhiên có ưu điểm là lạm phát và giá cả tiếp tục giảm. Do đó, có 4 thách thức rất lớn đối với kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2024.

Đầu tiên là địa chính trị vẫn còn rất phức tạp.

Thứ hai là rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ, cả nợ công nợ tư của thế giới đang ở mức rất cao.

Bên cạnh đó, các vấn đề về an ninh lương thực, an ninh năng lượng vẫn luôn là vấn đề rất lớn đối với thế giới và trong đó có cả Việt Nam.

Thách thức cuối cùng, theo ông Lực là cả lãi suất và lạm phát và những thứ khác như giá cả đều đang giảm nhưng vẫn tương đối cao.

Năm nay kinh tế thế giới sẽ tiếp tục tăng trưởng chậm, ở mức khoảng 2,4%, nguyên nhân chủ yếu do hai nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc tăng trưởng chậm lại. Tuy nhiên khu vực EU năm nay dự báo sẽ phục hồi tốt hơn so với năm 2023, kinh tế thế giới sẽ được bù đắp ở phần đó. Tổng hòa lại thì năm nay kinh tế thế giới vẫn còn rất nhiều khó khăn và tăng trưởng chậm hơn ít nhất từ 0,2 - 0,5% so với năm 2023”, ông Lực nhận định.

Phân tích bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện tại, ông Lực cho biết, 2023 chúng ta tăng trưởng ở mức tương đối khá trong khu vưc, đặc biệt là tín hiệu phục hồi rất rõ của Việt Nam bắt đầu từ cuối quý II cho đến hiện tại, ở các lĩnh vực, các khu vực kinh tế khác nhau đều có dấu hiệu phục hồi.

Thứ hai, kinh tế vĩ mô của Việt Nam ổn định, năm 2023 lạm phát của chúng ta là 3,25%, tương đối thấp. Bên cạnh đó, nợ công, nợ tư, nợ nước ngoài, nghĩa vụ trả nợ của chính phủ so với GDP ở mức tương đối ổn, đặc biệt là triển vọng phục hồi, tăng trưởng tích cực.

Thứ ba là câu chuyện liên quan đến đối ngoại, ngoại giao kinh tế, hội nhập kinh tế thì Việt Nam có một năm 2023 rất thành công.

Làm thế nào chúng ta có được 3 điểm sáng đó? Tôi cho rằng, năm 2023 đặc biệt có rất nhiều cơ chế, chính sách đặc biệt hỗ trợ người dân được ban hành. Năm nay chúng tôi kiến nghị tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ người dân tương đương như thế để có một cái động lực để phát triển tốt hơn”, ông Lực nói.

Chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng năm 2024, Việt Nam có rất nhiều những động lực tăng trưởng mới.

Động lực đầu tiên là chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ, vai trò của nó rất quan trọng.

Chúng tôi thấy rằng nếu chúng ta chuyển đổi số tốt thì giúp cho GDP của chúng ta tăng trưởng hàng năm từ 0,65 đến 1,35%, tức là bình quân 1% tăng trưởng thêm”, ông Lực dẫn chứng.

Tiếp đó, để phát triển tốt, ông Lực cho rằng Việt Nam cần tiếp tục cải cách thể chế kinh tế. Kinh tế của chúng ta vẫn còn nhiều dư địa để cải cách rất nhiều về môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt về tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, nếu giải tỏa được cũng đóng góp thêm khoảng 0,2% GDP.

Dẫn chứng nghiên cứu của WB, ông Lực cũng cho rằng nếu Việt Nam làm tốt tăng trưởng xanh và thích ứng biến đổi khí hậu có thể giúp GDP tăng thêm 1,8 - 2%.

Nếu chúng ta làm tốt những động lực mới, mỗi năm chúng ta có thể tăng trưởng thêm 1,5 - 2%. Tôi muốn nhấn mạnh chúng ta có thể yên tâm kích cầu phát triển kinh tế mà không cần quá lo lắng về lạm phát”, chuyên gia Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Lý giải về nhận định này, ông Lực cho rằng lạm phát ở Việt Nam chủ yếu đến từ 2 yếu tố là giá lương thực thực phẩm và giá nhà ở, vật liệu xây dựng. Hai lĩnh vực này chiếm đến 70% chỉ số lạm phát của Việt Nam.

Yếu tố thứ ba là xăng dầu, nhưng năm 2023 giá xăng dầu của Việt Nam cơ bản khá là ổn định cho nên giá dịch vụ giao thông năm vừa qua không kích lạm phát của chúng ta lên.

Thành Lâm