Pháp luật quy định như thế nào về xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 20 Luật Phòng, chống ạo lực gia đình năm 2022. Cụ thể như sau:

1. Cơ quan công an, đồn biên phòng gần nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình khi nhận tin báo, tố giác thì trong phạm vi quyền hạn của mình phải kịp thời ngăn chặn, xử lý hành vi bạo lực gia đình theo thẩm quyền; đồng thời thông báo cho chủ tịch UBND cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình.

2. Các cơ sở giáo dục nơi người bị bạo lực gia đình là người học; trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng ban công tác mặt trận ở khu dân cư nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình; người đứng đầu tổ chức chính trị-xã hội cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình; tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình khi nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình phải thông báo ngay cho chủ tịch UBND cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình và theo khả năng của mình tham gia ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình.

Ảnh minh họa: Báo An ninh Thủ đô

3. Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm xử lý hoặc phân công xử lý ngay khi tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình hoặc nhận được báo cáo về hành vi bạo lực gia đình của tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều này, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 điều này.

Trường hợp tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình mà người bị bạo lực là trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc hoặc hành vi bạo lực gia đình đã hoặc có khả năng gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của người bị bạo lực thì chủ tịch UBND cấp xã phân công công an xã, phường, thị trấn xử lý.

4. Trường hợp tin báo, tố giác về tội phạm thì việc tiếp nhận và xử lý tin báo, tố giác được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

5. Quy trình tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình thực hiện theo quy định của Chính phủ.

* Bạn đọc Mai Thị Hoàn ở xã Hoài Phú, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, hỏi: Việc chỉ định người bào chữa được pháp luật quy định trong trường hợp nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 76 Văn bản hợp nhất Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2021. Cụ thể như sau:

1. Trong các trường hợp sau đây, nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ:

a) Bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật Hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình;

b) Người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi.

2. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải yêu cầu hoặc đề nghị các tổ chức sau đây cử người bào chữa cho các trường hợp quy định tại khoản 1 điều này:

a) Đoàn luật sư phân công tổ chức hành nghề luật sư cử người bào chữa;

b) Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử trợ giúp viên pháp lý, luật sư bào chữa cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý;

c) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của mặt trận cử bào chữa viên nhân dân bào chữa cho người bị buộc tội là thành viên của tổ chức mình.

QĐND