Nắm lấy cơ hội xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc

Sau khi Trung Quốc bỏ xét nghiệm phòng chống Covid-19 ở cửa khẩu, hàng hóa của HTX Hoàng Nam Phát xuất khẩu thuận lợi hơn (ảnh HTX cung cấp)

Từ ngày 8.1, Trung Quốc khôi phục trạng thái hoạt động bình thường tại các cửa khẩu, bỏ xét nghiệm Covid-19. Điều này mở ra cơ hội lớn cho việc giao thương, xuất khẩu hàng hóa ở các địa phương, trong đó có Hải Dương, đặc biệt là mặt hàng nông sản.

Một thời không ai muốn nhớ

Khi Trung Quốc áp dụng chính sách “Zero Covid”, HTX Hoàng Nam Phát ở xã Gia Xuyên (TP Hải Dương) gặp nhiều khó khăn trong quá trình chờ đợi thông quan hàng hóa qua cửa khẩu. Để chờ xuất khẩu hàng sang nước bạn, có xe phải chờ đợi từ 15 - 30 ngày. Do đó phát sinh thêm nhiều chi phí như cước xe, chất lượng nông sản bị ảnh hưởng, sản lượng nông sản xuất khẩu giảm. Cả năm 2022, HTX Hoàng Nam Phát chỉ xuất khẩu khoảng 8.000 tấn nông sản sang Trung Quốc.

Khoảng 3-4 năm trước, thị trường Trung Quốc bắt đầu được Công ty TNHH Khởi Huệ ở xã Thanh Quang (Thanh Hà) khai thác, với một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực là chuối, vải, cà rốt. Năm 2022, khi vải thiều được đưa sang đây tiêu thụ, do thời gian chờ đợi thủ tục thông quan lâu với nhiều biện pháp nghiêm ngặt, chặt chẽ nên phần nào ảnh hưởng đến chất lượng quả vải. Thời gian kể từ khi nông sản được vận chuyển lên xe đến khi tiếp cận được các chợ đầu mối ở phía Trung Quốc thường lên tới 12-13 ngày. Đã có thời điểm, công ty thay đổi vận chuyển hàng hóa bằng đường biển nhưng cũng chỉ giảm 1-2 ngày so với vận chuyển bằng đường bộ.

Khi dịch Covid-19 chưa bùng phát, trung bình mỗi năm, Công ty CP Kim Chính (TP Hải Dương) xuất khẩu gần 1.000 tấn nông sản chủ yếu là chuối, vải sang Trung Quốc. Kể từ khi có dịch, doanh nghiệp hầu như không có hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này.

Nắm bắt cơ hội

Việc Trung Quốc mở cửa biên giới như "cởi trói" cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản trên địa bàn Hải Dương. Theo anh Hồ Việt Hoàng, Giám đốc HTX Hoàng Nam Phát, khi xuất sang Trung Quốc, hàng hóa của Việt Nam có nhiều lợi thế so với các nước khác về mức giá, nhiều sản phẩm đa dạng, phương tiện vận chuyển nhanh. Từ khi Trung Quốc mở cửa đến nay, HTX này đã xuất khẩu hơn 2.000 tấn dưa hấu, 800 tấn thanh long và 200 tấn sầu riêng sang thị trường này. Thủ tục thông quan đã nhanh chóng nên dự kiến năm nay, HTX sẽ xuất khẩu 20.000 tấn nông sản sang Trung Quốc. Theo anh Hoàng, HTX sẽ đẩy mạnh nghiên cứu thị trường, tập trung vào những mặt hàng mà người tiêu dùng Trung Quốc có nhu cầu cao. HTX sẽ đầu tư phương tiện vận chuyển, thuê thêm nhân công ở từng thời điểm.

Cơ sở thu mua hành tỏi Thư Mùi ở xã Quốc Tuấn (Nam Sách) đang tất bật chuẩn bị hàng hóa xuất sang Trung Quốc

Thời điểm này, không khí làm việc tại cơ sở thu mua hành tỏi Thư Mùi ở xã Quốc Tuấn (Nam Sách) luôn tất bật. Chị Nguyễn Thị Mùi, chủ cơ sở cho biết: “Chúng tôi đang tập trung thu mua hành của nông dân trong tỉnh và khu vực miền Bắc để chuẩn bị xuất khẩu sang một số thị trường, trong đó có Trung Quốc. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường kết nối giao thương để tiếp tục mở rộng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, phấn đấu xuất khẩu khoảng 3.000 tấn hành sang nước bạn trong năm 2023".

Công ty TNHH Khởi Huệ cũng đã xuất khẩu hơn 70 tấn cà rốt sang thị trường Trung Quốc kể từ khi nước này mở cửa đến nay.

Theo bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc Trung Quốc bỏ xét nghiệm Covid-19 ở khu vực cửa khẩu đã tạo điều kiện thuận lợi, nhanh chóng thông quan cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Hải Dương. Bên cạnh một số nông sản của tỉnh như vải, nhãn thì Hải Dương còn có một số cơ sở thu mua nông sản từ những vùng nguyên liệu khác trong nước, sau đó đóng gói và xuất sang Trung Quốc. Thị trường Trung Quốc yêu cầu cao về việc cấp mã số vùng trồng, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và các đối tượng kiểm dịch thực vật. Hiện nay, Hải Dương là một trong những địa phương dẫn đầu về việc cấp mã số vùng trồng và quản lý theo tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu.

Còn theo Sở Công thương, Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), đây là thị trường thương mại tự do lớn với hàng loạt ưu đãi cho các đối tác, đặc biệt là cơ hội cho xuất khẩu hàng hóa. Trung Quốc đã chính thức mở cửa sau 3 năm thực hiện chính sách “Zero Covid”, cho phép phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu được đi thẳng vào khu vực cửa khẩu làm thủ tục thông quan và vận chuyển sang Trung Quốc. Đây là cơ hội cho xuất nhập khẩu hàng hóa trong nước, các doanh nghiệp cần tiếp tục bám sát hoạt động tại các cửa khẩu, theo dõi những diễn biến từ thị trường Trung Quốc để có những kế hoạch phù hợp.

Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Hải Dương đạt hơn 10,5 tỷ USD, tăng 6,6% so với năm 2021. Thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 17% giá trị kim ngạch xuất khẩu. Các mặt hàng nông sản của Hải Dương xuất sang thị trường Trung Quốc chủ yếu là vải, nhãn, chuối…

HUYỀN TRANG