Nâng cao năng lực cạnh tranh cho các mặt hàng xuất khẩu

Dây chuyền sản xuất hàng may mặc tại Nhà máy may xuất khẩu Sơn Hà thuộc Công ty CP Tập đoàn Tiên Sơn (Bỉm Sơn).

Theo Sở Công Thương, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giai đoạn 2018-2023 đạt 23,45 tỷ USD, gấp 2,5 lần so với giai đoạn 2013-2018; tăng trưởng xuất khẩu bình quân hàng năm giai đoạn 2018-2023 đạt 11,86%. Hoạt động xuất khẩu tiếp tục là động lực cho sản xuất công nghiệp tăng trưởng với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như may mặc, giày dép, dăm gỗ, thủy sản, xi măng... Hiện tại, tỉnh Hóa đã có 212 doanh nghiệp (DN) tham gia xuất khẩu đến 53 thị trường với 55 chủng loại hàng hóa. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu dần được cải thiện theo hướng chế biến sâu, gia tăng giá trị. Các lĩnh vực có thế mạnh xuất khẩu của tỉnh như dệt may, da giày, sản phẩm công nghiệp, nông, lâm, thủy sản, khoáng sản...

Sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu được ký kết năm 2020 đã giúp các DN Việt Nam nói chung và DN trên địa bàn tỉnh nói riêng tham gia vào các chuỗi giá trị sản xuất, góp phần mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu. Bên cạnh những lợi ích mà Hiệp định Thương mại tự do mang lại, các DN vẫn có nhiều khó khăn, bất lợi trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về các hàng rào kỹ thuật thương mại, như quy chuẩn kỹ thuật sản xuất; yêu cầu về an toàn, chất lượng; yêu cầu về ghi nhãn, thông tin tiêu dùng; các thủ tục đăng ký nhập khẩu; các thủ tục kiểm tra, chứng nhận phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn...

Ngoài các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu ở nhóm hàng may mặc, giày dép, dăm gỗ, xi măng, khí đốt... thì nhóm hàng nông sản vốn được coi là lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh của tỉnh nhưng trong thị phần xuất khẩu còn ít. Chia sẻ về điều này, Giám đốc Công ty CP Thương mại và Xuất nhập khẩu thực phẩm Sao Mai (TP Thanh Hóa) Nguyễn Thị Mai cho biết: Sau khi Việt Nam ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương thì đây là tín hiệu rất đáng mừng cho các DN đẩy mạnh hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, các DN cũng phải đối mặt với nhiều thách thức do những quy định về biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS) khi xuất khẩu hàng hóa. Ngay tại thị trường truyền thống như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, mỗi năm có hàng trăm văn bản quy định tiêu chuẩn quốc gia về an toàn thực phẩm... Ngoài ra, còn hàng loạt các quy định về bao bì, tem nhãn, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Vì vậy, để đáp ứng được những yêu cầu khắt khe đó, các DN xuất khẩu cần tham gia sâu hơn trong quá trình sản xuất để kiểm soát hàng hóa từ đầu nguồn đến khi ra thành phẩm nhằm nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh cho sản phẩm. Đồng thời, chủ động nghiên cứu về các quy định mới, hàng rào kỹ thuật mới hàng năm để đổi mới, đáp ứng và tuân thủ nghiêm ngặt những tiêu chuẩn được quy định trong các hiệp định thương mại đã đề ra.

Để vừa duy trì sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, vừa tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Đại Phát (TP Thanh Hóa) hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ đã có nhiều cách làm hiệu quả. Công ty đã từng bước tìm kiếm đối tác cung cấp nguyên liệu đầu vào chất lượng và có giá thành hợp lý, nhằm gia tăng sản lượng nguyên liệu, tránh bị đội chi phí sau khi sản phẩm hoàn thiện. Đồng thời, chủ động tìm thêm khách hàng mới để mở rộng thị trường cung ứng. Ngoài mặt hàng dăm gỗ, công ty đã đầu tư công nghệ để sản xuất mặt hàng ván ép xuất khẩu, nhờ đó công ty đã ký hợp đồng xuất khẩu ván ép cho đối tác Mỹ và Nhật Bản, dự kiến sẽ xuất khẩu trong quý II/2024.

Thực tế cho thấy, để các DN xuất khẩu trong tỉnh có thể chinh phục và đa dạng các thị trường, trong đó có nhiều thị trường khó tính như Mỹ, một số nước châu Âu, thì ngoài việc năng động, nỗ lực kết nối, tìm kiếm thị trường thì bản thân các DN cũng không ngừng đổi mới, tạo sự khác biệt rõ nét cho sản phẩm về cả chất lượng và hình thức.

Trưởng Phòng Quản lý xuất nhập khẩu (Sở Công Thương) Nguyễn Xuân Thắng cho biết: Để chất lượng và năng lực cạnh tranh của các mặt hàng xuất khẩu trong tỉnh được nâng cao, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch hành động thực hiện chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030. Trên cơ sở đó, Sở Công Thương đã đưa ra các định hướng về phát triển sản phẩm xuất khẩu, định hướng phát triển thị trường cho DN; triển khai nhiều giải pháp, chiến lược giúp mặt hàng xuất khẩu phát triển.

Để thực hiện các giải pháp có hiệu quả, thì việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho các mặt hàng xuất khẩu của DN là nhiệm vụ tiên quyết. Trong đó, các DN cần tiếp tục cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch, thuận lợi; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm; nghiên cứu xây dựng, cải tiến mẫu mã, bao bì, nhãn mác sản phẩm, góp phần phát triển xuất khẩu bền vững. Đồng thời, xây dựng, đào tạo đội ngũ nhân lực trong các DN kinh doanh xuất nhập khẩu giỏi về trình độ nghiệp vụ, ngoại ngữ và am hiểu pháp luật quốc tế để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe với các quy định hiện tại trên thế giới. Cùng với đó là tập trung xây dựng thương hiệu cho một số mặt hàng chủ lực của tỉnh, phù hợp với yêu cầu chung của quốc tế và thị trường cụ thể để từng bước tạo hình ảnh và thị phần của hàng hóa tỉnh Thanh Hóa tại thị trường thế giới.

Bài và ảnh: Chi Phạm