Nâng cao trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu trong tái chế, xử lý rác thải

Hội thảo phổ biến, tập huấn quy định của pháp luật về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu do ộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức với sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thuộc đối tượng thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm xử lý chất thải và các doanh nghiệp tái chế, xử lý chất thải khu vực phía Bắc.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì của nhà sản xuất, nhập khẩu (Điều 54) và quy định trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu (Điều 55). Các quy định này đã được quy định chi tiết tại Chương VI của Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường và Điều 78, Điều 79 của Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/1/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Thanh Tuấn

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông ễn Văn Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Lịch sử thế giới đã trải qua 4 cuộc cách mạng về công nghiệp, sau mỗi cuộc cách mạng mà mỗi bước phát triển không ngừng của nền kinh tế thế giới và ngày nay các quốc gia có nền kinh tế phát triển luôn hướng tới phát triển nền kinh tế tuần hoàn mà ở đó vấn đề môi trường nói chung và vấn đề thu gom, tái chế, xử lý chất thải nói riêng luôn được quan tâm, ưu tiên hàng đầu.

Bằng các công cụ pháp lý, công cụ kinh tế - kỹ thuật, cùng với việc nâng cao ý thức pháp luật của người dân, doanh nghiệp, trong vài thập kỷ gần đây, các nước phát triển đã đạt nhiều thành tựu to lớn trong việc quản lý về môi trường nói chung và việc quản lý về thu gom, tái chế và xử lý chất thải nói riêng”, ông Nguyễn Văn Hùng nói.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế, Việt Nam tuy là quốc gia đang phát triển, nhưng Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tới vấn đề môi trường, trong đó có vấn đề thu gom, tái chế, xử lý chất thải. Ngay từ năm 2005, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường, trong đó đã có các quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất và tiếp tục được kế thừa để sửa đổi bổ sung trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.

Ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam. Ảnh: Thanh Tuấn

Tuy nhiên, quy định này khi đó chỉ mang tính nguyên tắc và dừng lại ở việc xác định các sản phẩm, bao bì thải bỏ phải được thu gom, tái chế, xử lý; quy định trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc thiết lập các điểm thu gom, trách nhiệm của người tiêu dùng sau khi thải bỏ mà chưa quy định chi tiết về tỷ lệ, quy cách tái chế cũng như cơ chế vận hành hiệu quả nên các quy định này vẫn chưa thực sự đi vào thực tế cuộc sống.

Khắc phục những tồn tại, bất cập này, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cùng với các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đã quy định cụ thể trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì của nhà sản xuất, nhập khẩu và quy định trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Thanh Tuấn

Thông tin thêm tại Hội thảo, ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho hay: Chính sách EPR của Việt Nam có hiệu lực cách đây hơn hai năm với mục tiêu bao trùm là áp dụng cách tiếp cận có hệ thống để quản lý chất thải, thúc đẩy các nỗ lực tái chế và thúc đẩy các hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững. Quy định này thống nhất với các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc (UN SDGs).

Chính các cuộc thảo luận này sẽ giúp chúng ta có cơ hội để xây dựng chính sách EPR hiệu quả và toàn diện hơn. Đó là lý do tại sao UNDP Việt Nam hỗ trợ Văn phòng EPR Quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện quy định EPR và thúc đẩy việc thực hiện quy định này”, ông Patrick Haverman nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, các doanh nghiệp được các chuyên gia giới thiệu trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Ảnh: Thanh Tuấn

Theo đại diện UNDP, hiện nay trên thế giới có 20 triệu lao động phi chính thức hoạt động trong lĩnh vực rác thải, chịu trách nhiệm khoảng 60% lượng rác thải nhựa được thu gom và tái chế. Đây vẫn là nhóm dễ bị tổn thương và thiệt thòi nhất trong xã hội. Tại Việt Nam, lực lượng lao động xử lý rác thải không chính thức, trong đó phụ nữ chiếm tới 90%, đã và đang giúp thu gom và vận chuyển các sản phẩm đã qua sử dụng, rác thải và phế liệu.

“Chúng tôi hi vọng tất cả các nhà sản xuất và nhập khẩu tham gia hội thảo tập huấn đều được trang bị hiểu biết toàn diện về các nguyên tắc EPR và áp dụng EPR vào thực tế. Hội thảo cũng có thể mang đến cơ hội cho những người tham gia chia sẻ các biện pháp thực hiện tốt nhất, giải quyết được các vướng mắc và xây dựng được chiến lược gắn nghĩa vụ thực hiện EPR với mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp mình”, ông Patrick Haverman bày tỏ.

Về trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì: Nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm săm lốp, dầu nhớt, pin, ắc quy và bao bì (thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, chất tẩy rửa, chế phẩm dùng trong gia dụng, nông nghiệp, y tế và xi măng) sẽ phải thực hiện từ ngày 1/1/2024; nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm điện và điện tử sẽ phải thực hiện từ ngày 1/1/2025; nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm phương tiện giao thông sẽ phải thực hiện từ ngày 1/1/2027. Nhà sản xuất, nhập khẩu có thể lựa chọn tự tổ chức tái chế sản phẩm, bao bì hoặc đóng tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì.

Về trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải: Nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm pin dùng một lần, tã lót, bỉm, băng vệ sinh, khăn ướt dùng một lần, kẹo cao su, thuốc lá, một số sản phẩm có thành phần nhựa tổng hợp (như quần áo, đồ chơi trẻ em, đồ da, túi, giày, dép, nhựa dùng một lần...) và bao bì (thuốc bảo vệ thực vật) thì phải thực hiện trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải từ ngày 1/1/2022. Nhà sản xuất, nhập khẩu thực hiện đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, bao bì thuốc bảo vệ thực vật.

Thanh Bình