Ngày mùng 3 Tết Giáp Thìn 2024: Thị trường tiêu dùng sẽ dần sôi động

Theo Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, theo quy luật hàng năm, cả cung-cầu lẫn giá cả đều tăng trong những ngày giáp Tết, tuy nhiên năm nay do nguồn cung vẫn được đảm bảo, dồi dào nhưng sức mua trong dân cho Tết giảm hơn so với những năm trước. Người dân đang dần chuyển sang thói quen mua sắm chi tiêu hợp lý trong dịp Tết, không còn tâm lý cả năm có một dịp Tết mua sắm cho thoải mái.

Vì vậy, nhìn chung giá cả thị trường Tết tại các địa phương có tăng giảm đan xen, nhưng không có đột biến, sốt giá và vẫn theo quy luật. Vào các ngày mùng 1, mùng 2 Tết thị trường vẫn chưa sôi động, giá cả cơ bản ổn định so với trước Tết. Chỉ có một số trung tâm thương mại lớn tại các địa phương (chủ yếu ở các thành phố lớn) là mở cửa phục vụ người dân xuyên Tết như mọi năm, còn các chợ tiểu thương hầu hết chưa mở cửa hoặc lẻ tẻ mở cửa lấy ngày khai trương.

Như tại TP. Hồ Chí Minh, trong ngày Mùng 2 Tết, một số siêu thị như Coop mart, Satra… hoạt động trở lại nhưng thời gian hoạt động ngắn hơn so với ngày thường phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Một số chợ truyền thống, chợ đầu mối hoạt động trở lại nhưng với số lượng sạp ít. Chủ yếu mua bán lương thực thực phẩm thiết yếu rau, củ và trái cây, có nhiều mặt hàng chưa nhập do hàng tồn đọng còn, thương nhân ra bán lấy ngày khai trương.

Người dân cũng đã mua sắm đầy đủ vào các ngày trước đó nên sức mua giảm, mãi lực thấp và không còn mua nhiều như các ngày trước Tết. Giá cả hàng hóa các mặt hàng lương thực, thực phẩm, trái cây, rau củ quả vẫn ổn định, giảm nhẹ so với những ngày trước Tết.

Tại Cần Thơ, giá cả các mặt hàng thiết yếu từ chiều ngày Mùng 1 Tết đến sáng ngày Mùng 2 Tết cơ bản ổn định do người dân đã mua đủ nhu cầu cho những ngày vui Tết.

Tại Đà Nẵng, ngày Mùng 2 các chợ còn đóng cửa, chỉ có một số người bán hàng lẻ tẻ ở phía ngoài chợ, tập trung chủ yếu một số mặt hàng thịt heo và các loại rau xanh, củ quả. Giá cả ổn định so với ngày thường.

Bộ Tài chính dự báo một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá trong và sau Tết. Theo đó, quý I trùng với thời điểm diễn ra nhiều hoạt động lễ hội cuối năm và Tết Nguyên đán Giáp Thìn, giá cả thường có biến động tăng theo quy luật vào trước và sau Tết (trong tháng Giêng là tháng lễ hội nên thường giá các hàng hóa, dịch vụ phục vụ ăn uống, vui chơi, đi lại sẽ tăng).

Trong Tết thì hầu như ít có giao dịch mua bán ngày mùng 1, mùng 2 nên giá cả thường ổn định như trước Tết, các ngày nghỉ Tết tiếp theo giá cả sẽ có khả năng tăng giá cục bộ tại các chợ dân sinh đối với mặt hàng thực phẩm tươi sống và hoa tươi do người dân mua sắm phục vụ ăn uống thắp hương ngày Tết.

Tuy nhiên, một số yếu tố chính giảm áp lực lên mặt bằng giá, như: theo quy luật giá cả một số mặt hàng thiết yếu thường nhích tăng trong các ngày Tết và sau đó dần giảm trở lại bình thường sau Tết.

Từ ngày mùng 3 Tết như mọi năm thị trường sẽ dần sôi động hơn do người dân bắt đầu các hoạt động đi chơi ngày Tết, nhu cầu đi lại tăng lên và các trung tâm, địa điểm vui chơi sẽ bắt đầu mở cửa trở lại.

Bộ Tài chính kiến nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường, tránh để tăng giá ảnh hưởng tới lạm phát.

Thị trường tiêu dùng từ mùng 3 Tết bắt đầu sôi động trở lại. (Ảnh: CP)

Nguyệt Hồ