Nghị quyết giảm nghèo ở Ea Sin

Sau hơn 5 năm thực hiện nghị quyết 04, đời sống người dân Ea Sin ngày càng khá hơn (ảnh: thu hoạch tiêu ở Ea Sin). Ảnh: Phúc Lập.

Thành lập năm 2008, trên cơ sở tách các buôn của hai xã Cư Pơng và Cư Né, xã Ea Sin với hơn 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, là xã đặc biệt khó khăn của huyện. Sau gần chục năm thành lập, Ea Sin vẫn là xã nghèo với tỷ lệ hộ nghèo lên tới 60%, thu nhập bình quân khoảng 15 triệu đồng/người/năm.

Trước tình hình này, năm 2016, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Krông Búk (Đắk Lắk) đã họp và đưa ra Nghị quyết số 04-NQ/HU (NQ04) về tiếp tục giảm nghèo bền vững tại xã Ea Sin giai đoạn 2016 - 2020. Trọng tâm của Nghị quyết là xây dựng chương trình hành động cụ thể, khuyến khích phát triển sản xuất, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tập trung giảm nghèo bền vững cho xã Ea Sin.

Sau 5 năm thực hiện, bộ mặt nông thôn ở xã đặc biệt khó khăn này đã thực sự “thay da đổi thịt”, đời sống của người dân ngày càng được nâng lên.

Ông Vũ Văn Mỹ, Chủ tịch UBND huyện Krông Búk cho biết, mục tiêu đầu tiên của NQ04 là giúp hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào tiếp cận và thụ hưởng vốn chính sách, đồng thời hướng dẫn người dân sử dụng vốn đúng mục đích để phát huy hiệu quả. Phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là hệ thống giao thông nông thôn để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống.

Đứng trong rẫy cà phê xanh mướt, quả non sai chi chít, anh Cao Anh Toàn, buôn Ea Kăp, cho hay: Gia đình anh có hơn 3ha đất nông nghiệp, trước đây anh chỉ trồng cây bắp, đậu, thu nhập chẳng đủ trang trải cuộc sống.

Bà Thạch Thị Póm, dân tộc Nùng, khấm khá nhờ trồng cam. Ảnh: Phúc Lập.

Được địa phương hỗ trợ vay vốn ngân hàng, hỗ trợ cây giống và kỹ thuật, anh chuyển đổi trồng cà phê xen cây ăn quả. Thời gian đầu chưa có thu, anh trồng xen cây nông nghiệp ngắn ngày lấy ngắn nuôi dài, rồi vợ chồng vừa chăm sóc cây trồng vừa tranh thủ làm thuê.

“Sau 2 năm, cà phê vào giai đoạn kinh doanh chính, kinh tế gia đình dần cải thiện, gia đình không chỉ thoát khỏi hộ nghèo mà đang cố gắng vươn lên khá giả trong thời gian tới”, anh Toàn phấn khởi nói.

Được biết, thực hiện NQ04, Đảng bộ, chính quyền xã Ea Sin đã tập trung hướng dẫn người dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa. Nhờ đó, đã tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, từng bước thay đổi thói quen canh tác lạc hậu của người dân.

Ví như, thông qua chương trình hỗ trợ về khuyến nông, xã đã hỗ trợ trực tiếp hàng nghìn cây giống như bơ, chanh dây, sầu riêng, mít Thái và hơn 1.000 con gà giống cho người dân. Đồng thời, tổ chức bình quân mỗi năm 4 lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ nhằm chuyển giao khoa học kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi; triển khai thực hiện hỗ trợ các mô hình sản xuất, chăn nuôi và phát huy hiệu quả như trồng sả chiết xuất tinh dầu, trồng cây sa chi, điều cao sản, nuôi bò sinh sản…

Song song với việc giúp dân giảm nghèo bền vững, NQ04 cũng chú trọng đầu tư vào hạ tầng nông thôn. Ảnh; Lê Hương.

Ông Nguyễn Ngọc Đắc, Bí thư Đảng ủy xã Ea Sin cho biết: Thực hiện NQ04, từ năm 2016 đến nay, xã Ea Sin đã được đầu tư xây dựng 42 công trình giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa, trường học… với tổng kinh phí 48,82 tỷ đồng; triển khai 7 tỷ đồng xây dựng điện lưới quốc gia, hỗ trợ 1,117 tỷ đồng tiền điện cho 1.887 lượt hộ nghèo, gia đình chính sách; cấp thẻ BHYT miễn phí cho 14.822 lượt người.

Đến nay, xã Ea Sin đã có trụ sở hành chính kiên cố, 1 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, 67% người dân được sử dụng điện lưới quốc gia, trên 55% diện tích cây trồng được chủ động nguồn nước tưới. Các tuyến đường dẫn đến trung tâm xã đã được rải nhựa và bê tông hóa khang trang. Đến cuối năm 2020, toàn xã Ea Sin còn 252 hộ nghèo, chiếm 30,88%, thu nhập bình quân đầu người trên 20 triệu đồng/năm.

Nguyễn Thủy - Trần Trung