Nghiên cứu nâng cấp ga Cao Xá (Hải Dương) để chạy tàu liên vận quốc tế

Đoàn tàu liên vận quốc tế vận chuyển container đi từ ga Yên Viên (huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội) sang thẳng châu Âu. Ảnh tư liệu: TTXVN

TTXVN đưa tin, Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản phản hồi ý kiến của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) về đề nghị đầu tư nâng cấp hạ tầng ga Cao Xá (tỉnh ải Dương) thành ga liên vận quốc tế.

Ga Cao Xá thuộc tuyến đường sắt à Nội-Hải Phòng, gần với các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Khi ga này được nâng cấp lên chạy tàu liên vận quốc tế bằng đường sắt sẽ cung cấp thêm giải pháp cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh đi Trung Quốc, châu Âu, Trung Á.

Do vậy, Bộ Giao thông Vận tải nhìn nhận việc nghiên cứu nâng cấp cơ sở hạ tầng đường sắt phục vụ vận tải ga Cao Xá thành ga liên vận quốc tế theo đề nghị của VNR, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, UBND tỉnh Hải Dương là cần thiết.

Bộ Giao thông Vận tải ủng hộ việc VNR đầu tư cơ sở hạ tầng đường sắt phục vụ vận tải ga Cao Xá (giai đoạn 1) bằng nguồn vốn của doanh nghiệp nhằm nâng cấp ga này đủ điều kiện khai thác chạy tàu liên vận quốc tế.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan liên quan nghiên cứu xem xét đầu tư mở rộng ga Cao Xá giai đoạn 2 trên cơ sở nhu cầu vận tải, khả năng cân đối nguồn vốn.

Trước đó, VNR đã đề xuất nâng cấp, cải tạo ga Cao Xá đủ điều kiện là ga liên vận quốc tế, trong đó đáp ứng các quy định về điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan số.

VNR đề xuất đầu tư ga Cao Xá giai đoạn 1 khoảng 61 tỉ đồng để đầu tư các hạng mục cải tạo mặt bằng bãi hàng hiện tại, đảm bảo diện tích bãi hàng 10.000 m2; xây dựng kho hàng, hàng rào bảo vệ; trang bị hệ thống camera giám sát, hệ thống chữa cháy, chiếu sáng khu vực bãi hàng.

VNR cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu bố trí vốn đầu tư giai đoạn 2 nâng cấp hoàn thiện khu ga Cao Xá với tổng mức đầu tư dự kiến của giai đoạn này là 234 tỉ đồng.

Theo Chiến lược phát triển Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2035 vừa được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt, đến năm 2030, VNR đạt khối lượng vận chuyển hàng hóa 11,8 triệu tấn/năm, khối lượng hành khách đạt 21,5 triệu khách/năm.

Để đạt được mục tiêu này, VNR phải tập trung phát triển công nghiệp chế tạo, đóng mới toa tàu phục vụ nhu cầu vận tải đạt vận tốc tối đa 120 km/giờ, tự chủ với mức tỷ lệ nội địa hóa 100% đối với toa tàu hàng và trên 80% đối với toa tàu khách.

Nguyên Tân