Đắk Lắk mở rộng phát triển các sản phẩm OCOP

Gian hàng sản phẩm OCOP của tỉnh Đắk Lắk tham gia hội chợ triển lãm tại tỉnh Hòa Bình. Ảnh: N.Xuân

Bà Ngô Thị Xuân - chuyên viên tổ OCOP, Văn phòng điều phối Chương trình nông thôn mới tỉnh Đắk Lắk cho biết, sau gần 6 năm triển khai thực hiện, tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng, phát triển được 152 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP. Trong đó, có 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 19 sản phẩm đạt 4 sao và 132 sản phẩm đạt 3 sao.

Thời gian qua, bên cạnh xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh liên kết các hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa nông sản, Văn phòng điều phối Chương trình nông thôn mới (đơn vị được giao chủ trì) phối hợp với các địa phương, đơn vị trong tỉnh thường xuyên tổ chức các đợt tập huấn tuyên truyền, quảng bá, hỗ trợ hướng dẫn các chủ thể sản phẩm của chương trình OCOP cho hàng trăm đối tượng người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn.

Mục tiêu nhằm trang bị kiến thức cho các chủ thể OCOP về các kỹ năng quản trị doanh nghiệp, hợp tác xã, công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm, sở hữu trí tuệ, phát triển bao bì, chuyển đổi số gắn với yêu cầu của thị trường cho các tổ chức, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn.

Theo bà Xuân, từ đầu năm 2023 đến nay, thực hiện chương trình OCOP, tỉnh Đắk Lắk đã chủ động kết nối tổ chức và tham gia hàng chục hội chợ triển lãm nông nghiệp xanh tại các tỉnh, thành trong cả nước.

Không chỉ giới thiệu, quảng bá cho thương hiệu hàng hóa thúc đẩy phát triển sản phẩm nông nghiệp địa phương, thông qua các hội chợ, triển lãm đã có nhiều doanh nghiệp, địa phương ký kết tham gia chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến tiêu thụ hàng hóa thị trường trong nước và xuất khẩu mang lại hiệu quả cao.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là một chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững.

Gia Cư