Nguyên nhân khiến Đức vật lộn với thâm hụt thương mại chưa từng có

Phần lớn điều này xuất phát từ sự phụ thuộc của Đức vào năng lượng của Nga, nước đã có nỗ lực đáng kể nhằm đa dạng hóa các nguồn năng lượng trong năm qua. Tình trạng thiếu dầu khí kể từ khi nổ ra xung đột Nga - Ukraine vào đầu năm ngoái đã khiến giá năng lượng tăng vọt và khuyến khích nhiều công ty chuyển hoạt động sang các nước có điện và khí đốt rẻ hơn cũng như an ninh năng lượng tốt hơn, ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Đức.

Vào tháng 5/2022, Đức báo cáo thâm hụt thương mại nước ngoài là 1,03 tỷ USD. Lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, nước này buộc phải nhập khẩu nhiều hàng hóa hơn xuất khẩu. Hiện nước này đang có thặng dư thương mại nhưng xuất khẩu vẫn ở mức thấp. Các công ty đang ngày càng chuyển sang các nước có giá năng lượng thấp hơn và ổn định hơn. Đức dự kiến sẽ mất từ 2 - 3% năng lực công nghiệp do xu hướng này, trong đó Mỹ trở thành điểm thu hút lớn về sản xuất nhờ chính sách giảm thuế và các ưu đãi khác cho các công ty sẵn sàng sử dụng công nghệ xanh.

Vào tháng 7, số lượng đơn đặt hàng tại các nhà máy của Đức tiếp tục giảm, điều này được dự đoán sẽ ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế nước này trong suốt thời gian còn lại của năm. Nhu cầu giảm 11,7% trong tháng 6, cao hơn nhiều so với mức giảm dự kiến là 4,3%. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ đỉnh điểm của đại dịch Covid vào năm 2020. Sản lượng của mọi thứ, bao gồm máy móc, công cụ, phương tiện, hàng tiêu dùng và hàng hóa trung gian, đều giảm. Nền kinh tế vẫn đang phục hồi sau cuộc suy thoái mùa đông và hiện được dự đoán sẽ hầu như không tăng trưởng trong nửa cuối năm 2023, có khả năng rơi vào một cuộc suy thoái khác.

Ngoài việc các công ty rời khỏi thị trường Đức, hoạt động kém hiệu quả của quốc gia này còn có liên quan chặt chẽ đến nhu cầu thấp từ Trung Quốc đối với hàng xuất khẩu của Đức. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của Đức. Tuy nhiên, sự phục hồi chậm chạp sau đại dịch Covid đã khiến nhu cầu nhập khẩu hàng hóa suy yếu.

Theo Carsten Brzeski, người đứng đầu bộ phận kinh tế vĩ mô toàn cầu của ING, vào năm 2021, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Đức, nhưng kể từ đó, nước này "trở thành đối thủ cạnh tranh và không cần nhiều hàng hóa do Đức sản xuất như trước đây".

Nhiều người cũng đặt câu hỏi về khả năng đạt được các mục tiêu chuyển đổi xanh đầy tham vọng của Đức, dự định đạt lượng khí thải carbon bằng 0 vào đầu năm 2045.

Đức tiếp tục phụ thuộc nhiều vào năng lượng gió, năng lượng mặt trời và thủy điện làm nguồn tài nguyên tái tạo chính. Tuy nhiên, đây là những nguồn không ổn định, sẽ tiếp tục chỉ cung cấp năng lượng không liên tục cho đến khi Đức có thể tăng đáng kể dung lượng lưu trữ pin của mình. Các báo cáo gần đây từ các cố vấn khí hậu của Chính phủ Đức và Cơ quan Môi trường Liên bang (UBA) cho thấy mục tiêu cắt giảm 65% lượng khí thải nhà kính của nước này vào năm 2030 có thể sẽ bị bỏ lỡ.

Trước xung đột Nga - Ukraine, Đức đang trên đường tiến tới quá trình khử carbon thành công. Vào năm 2022, mức carbon dioxide của nước này thải ra thấp hơn 40% so với mức năm 1990. Tuy nhiên, cuộc tranh giành để đảm bảo an ninh năng lượng vào năm ngoái có nghĩa là chính phủ đã phần nào giảm bớt ưu tiên cho quá trình chuyển đổi xanh.

Theo các phân tích, lĩnh vực xây dựng có thể không đạt được mục tiêu năm 2030 là 35 triệu tấn CO2, trong đó lĩnh vực giao thông vận tải thiếu từ 117 - 191 triệu tấn. Ở Đức, việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo đang gây ra phản ứng chính trị dữ dội, khi người tiêu dùng đang phải đối mặt với giá năng lượng cao hơn và sự bất ổn lớn hơn.

Điều này đã tạo ra một làn sóng "greenlash", khuyến khích nhiều người Đức chuyển sang các đảng chính trị cánh hữu, chẳng hạn như đảng Alternative for Germany.

Ở quy mô châu Âu, có những lo ngại rằng cuộc khủng hoảng kinh tế và năng lượng đang diễn ra ở Đức có thể kéo các quốc gia thành viên EU khác xuống. Tăng trưởng của Eurozone được cho là yếu hơn so với ước tính ban đầu trong quý 2 năm nay, với việc Eurostat giảm ước tính GDP từ 0,3% xuống 0,1%.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn lạc quan về khả năng thích ứng nhanh chóng với hoàn cảnh mới của Đức. Nhà kinh tế học Holger Schmieding, tin rằng hiện tại có quá nhiều sự bi quan xung quanh nền kinh tế Đức.

Nền kinh tế của nước này vẫn mạnh hơn nhiều so với những năm 1990, với mức độ việc làm cao. Năm ngoái, Đức đã nhanh chóng đáp trả các lệnh trừng phạt đối với năng lượng của Nga bằng cách phát triển một nhà ga LNG mới chỉ trong vài tháng. Ngoài ra, theo Schmieding, số lượng lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể phản ứng "nhanh chóng trước bối cảnh cạnh tranh đang thay đổi".

Bình An