Nhà cách mạng bản lĩnh, tài năng

Trần Bạch Đằng sinh ngày 15-7-1926, trong một gia đình nhà Nho tại làng Thạnh Hưng (nay là Hòa Hưng), Q.Giồng Riềng, tỉnh Rạch Giá, nay thuộc tỉnh Kiên Giang. Lúc 5 tuổi, ông đã cùng gia đình rời quê hương và tuổi thơ ông gắn bó với vùng đất Đồng Nai. Nửa thế kỷ từ ngày rời quê, sau ngày đất nước thống nhất ông mới có dịp trở về nơi “chôn nhau, cắt rốn” của mình.

Chân dung đồng chí Trần Bạch Đằng. Ảnh: T.L

* Nhà cách mạng đầy bản lĩnh

Nói về Trần Bạch Đằng là nói tới một nhà cách mạng đầy bản lĩnh. Trong suốt cuộc đời tham gia cách mạng từ năm 17 tuổi, ông đã trải qua nhiều cương vị công tác quan trọng khác nhau. Đặc biệt, ông là nhà lãnh đạo ở miền Nam trong những giai đoạn, những thời kỳ kháng chiến ác liệt nhất.

Trong hai cuộc kháng chiến, ông đã tham gia và giữ nhiều nhiệm vụ quan trọng của cách mạng như: Bí thư Khu Ngã Sáu Chợ Lớn kiêm Ủy viên Ban chấp hành Tổng Công đoàn Nam bộ (tháng 3-1945); Ủy viên Thường vụ Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn phụ trách công tác tuyên huấn (năm 1946); Trưởng ban Thanh vận Xứ ủy (năm 1947); Bí thư Đoàn Thanh niên cứu quốc Nam bộ kiêm Phó ban Tuyên huấn Xứ ủy (nay là Trung ương Cục), chủ bút báo Nhân dân Miền Nam và chủ nhiệm Tạp chí Việt Xô (năm 1950). Sau Hiệp định Genève, ông là Trưởng ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam bộ.

Ngoài ra, ông còn lần lượt giữ nhiều nhiệm vụ khác như: Ủy viên Chủ tịch đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, phụ trách thông tin văn hóa kiêm Chủ tịch Hội đồng Văn học nghệ thuật Giải phóng (năm 1960), Ủy viên Thường vụ Đặc Khu ủy Sài Gòn - Gia Định; Phó trưởng ban Tuyên huấn Trung ương (1968-1976); Phó trưởng ban Dân vận Trung ương (năm 1978).

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, ông đã trải qua những năm tháng tù đày trong nhà tù của thực dân Pháp. Đặc biệt, ông đã trải qua những giây phút “cân não” khi người bạn đời của ông, sau này là Thứ trưởng Bộ Tư pháp - Nguyễn Thị Chơn - bị bắt trong nhà lao chính quyền Sài Gòn.

Phía Mỹ đề nghị trao đổi tù binh, theo yêu cầu của tổ chức, của các đồng chí lãnh đạo cao cấp lúc ấy như: Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt đề nghị đổi bà Nguyễn Thị Chơn cùng một số đồng chí khác như: Trần Văn Kiểu, Lê Thị Riêng…, nhưng ông và bà đều nhất quyết không đồng ý bởi họ đều muốn người khác ra tù trước mình.

Chính bà Nguyễn Thị Chơn đã yêu cầu người được thả là bà Lê Thị Riêng. Sau này, bà Nguyễn Thị Chơn cũng được trao trả vì phía Mỹ muốn bày tỏ thiện chí khi biết bà là vợ của một nhân vật quan trọng của kháng chiến. Tổng tiến công Mậu Thân năm 1968, ông là Phó trưởng đoàn Tiền phương đánh vào Sài Gòn và đã trải qua nhiều giây phút cận kề sống chết.

* Nhà văn, nhà báo tài năng, tâm huyết

Không chỉ là nhà cách mạng, Trần Bạch Đằng còn là nhà văn, nhà báo tài hoa, uyên bác. Trong cuộc đời hơn 60 năm cầm bút, Trần Bạch Đằng đã để lại một số lượng tác phẩm đồ sộ. Khi viết văn, ông sử dụng nhiều bút danh như: Hưởng Triều, Nguyễn Hiểu Trường, Trần Quang, Nguyễn Trương Thiên Lý và tham gia nhiều thể loại từ thơ, truyện ngắn, truyện vừa, kịch...

Những tác phẩm của ông luôn mang tính thời sự nóng hổi. Đặc biệt, kịch bản phim Ván bài lật ngửa do ông viết được đánh giá là kinh điển đã làm say lòng rất nhiều thế hệ (sau này ông viết lại thành tiểu thuyết).

Tham gia cách mạng và làm báo từ rất sớm, mới tuổi 20, ông đã được giao phụ trách tờ Chống Xâm Lăng của Thành ủy Sài Gòn. Năm 1951, ông làm Tổng biên tập Báo Nhân Dân Miền Nam của Xứ ủy Nam bộ. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của ông đều gắn với tuyên huấn và báo chí. Sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, ông là một trong những người viết báo khỏe nhất, chuyên nghiệp nhất dù ông chưa bao giờ tự nhận mình là nhà báo. Có ngày, trên các báo xuất hiện tới 4 bài viết của ông.

Trần Bạch Đằng viết hầu như ở tất cả các thể loại từ chính trị, kinh tế, văn chương, đối ngoại, chống tham nhũng… Đặc biệt, những bài viết của ông về chống tham nhũng được xem là những bài viết “nảy lửa” khi ấy. Ông đã xung phong đi đầu, vạch trần tất cả những tệ hại, xấu xa của xã hội và đưa lên mặt báo với phong cách “không sợ bất kỳ ai, không sợ bất cứ điều gì”. Đặc biệt, những bài viết của ông đều có những đề xuất, những kiến giải rất sâu sắc và thú vị...

Trần Bạch Đằng không những là một nhà cách mạng đầy bản lĩnh mà ông còn là một con người tài hoa và uyên bác trên nhiều lĩnh vực.

Vũ Trung Kiên