Nhận định năm 2024 vẫn khó, Vicem lên kế hoạch sản xuất, kinh doanh thận trọng

Theo ông Lê Nam Khánh, Tổng giám đốc Vicem, ngành xi măng trong đó có Vicem đã đi qua năm 2023 với nhiều yếu tố bất lợi, dẫn đến kết quả kinh doanh kém khả quan.

Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) vừa tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2023, triển khai mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024.

Báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh của Vicem cho thấy, năm 2023, toàn Vicem sản xuất 16,54 triệu tấn clinker, trên 20,5 triệu tấn xi măng. Sản lượng tiêu thụ gần 22,6 triệu tấn, giảm 18% so với năm trước, trong đó tiêu thụ nội địa 19,68 triệu tấn, giảm 17,6% so với 2022, bằng 89,6% kế hoạch năm, xuất khẩu 2,85 triệu tấn, đạt 85% kế hoạch năm.

Sản xuất tiêu thụ xi măng sụt giảm mạnh đã tác động mạnh đến hiệu quả kinh doanh. Tổng doanh thu cả năm chỉ đạt 30.169 tỷ đồng, giảm 23,3% so với năm ngoái, lợi nhuận trước thuế âm 502 tỷ đồng.

Lý giải về kết quả kinh doanh 2023, ông Lê Nam Khánh, Tổng giám đốc Vicem cho hay: "Doanh thu, lợi nhuận năm 2023 của Vicem không đạt kế hoạch năm và giảm so với thực hiện năm 2022 là do nhu cầu tiêu thụ xi măng thấp, dẫn đến sản lượng tiêu thụ xi măng, clinker của toàn Vicem sụt giảm, làm tăng chi phí cố định trên tấn sản phẩm.

Cùng đó, năng lực dự báo thị trường của doanh nghiệp chưa tốt, đã xây dựng kế hoạch với chỉ tiêu tương đối khả quan, nhưng diễn biến thực tế của thị trường xấu hơn nhiều so với dự báo, dẫn đến nhiều dây chuyền phải giảm công suất, hoặc dừng lò để hạn chế đổ clinker ra bãi, làm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh".

Năm 2023 là một năm khó khăn với các doanh nghiệp ngành xi măng do tác động của sự suy giảm nhu cầu xây dựng toàn cầu, thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu hồi phục khiến nhu cầu tiêu thụ xi măng thấp dẫn đến sản lượng tiêu thụ xi măng, clinker của toàn Vicem sụt giảm làm tăng chi phí cố định trên tấn sản phẩm; giá thu về xi măng, clinker giảm.

Ngoài ra, xi măng còn gặp khó khăn từ chính nội tại ngành, nguồn cung vượt cầu quá lớn, nguồn cung năm qua gần 118 triệu tấn, trong khi tiêu thụ nội địa chưa tới 60 triệu tấn, tức là dư thừa một nửa, cạnh tranh trong nước vô cùng khốc liệt.

Chi phí đầu vào sản xuất vẫn ở mức cao, giá bán lẻ điện bình quân tăng 3% từ 5/2023 và tiếp tục tăng thêm 4,5% từ tháng 11/2023, mà giá bán xi măng không tăng; xuất khẩu chịu cạnh tranh do nguồn cung dư thừa tại các quốc gia lớn (Trung Quốc tăng xuất khẩu vì tiêu dùng trong nước giảm), dẫn đến giá xuất khẩu giảm theo.

Đơn cử, giá xuất khẩu xi măng, clinker (FOB Quảng Ninh) giảm sâu so với thời điểm cuối năm 2022. Trong đó, giá xi măng giảm 5-6 USD/tấn, clinker giảm 9-10 USD/tấn.

Giá xuất khẩu sản phẩm xuống quá thấp đã dẫn tới một số doanh nghiệp thành viên của Vicem không thể xuất khẩu do giá thu về không bù đắp được biến phí.

Kinh doanh không thuận lợi, nhưng năm qua, hoạt động "Đổi mới - Sáng tạo” trong sản xuất để tiết giảm tiêu hao nguyên, nhiên liệu tại hệ thống các nhà máy sản xuất của Vicem lại có được nhiều kết quả hơn kỳ vọng.

Tổng lượng rác thải sử dụng tại 4 đơn vị thành viên (Hà Tiên, Bút Sơn, Hạ Long và Sông Thao) là 258.943 tấn, tương ứng với tỷ lệ bình quân thay thế nhiệt năng sản xuất clinker là 19,97%. Tổng lượng bùn thải sử dụng tại 2 đơn vị thành viên (Bút Sơn và Hạ Long) là 60.972 tấn, đạt 107,3% kế hoạch năm, tương ứng thay thế sét 9,04% sét (kế hoạch năm 2023 tỷ lệ thay thế là 7,76%).

Tổng lượng tro, xỉ sử dụng 2,045 triệu tấn, tương ứng tỷ lệ sử dụng bình quân là 10,66% tấn tro xỉ/tấn xi măng. Tổng lượng thạch cao nhân tạo sử dụng thực hiện năm 2023 là 306.485 tấn, tương ứng với tỷ lệ bình quân thay thế thạch cao tự nhiên là 42%. Riêng Vicem Sông Thao đã sử dụng 100% thạch cao nhân tạo.

Nhờ đó, Vicem đã tiết kiệm được 106,04 tỷ đồng nhờ tăng cường sử dụng thạch cao nhân tạo; tiết kiệm 416,16 tỷ đồng khi tăng cường sử dụng rác thải thông thường thay thế một phần than cám; tiết kiệm 19,51 tỷ đồng nhờ sử dụng bùn thải thay thế sét

Năm 2024, tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Kinh tế Việt Nam vừa có những thuận lợi, vừa tiếp tục chịu “tác động tiêu cực kép” từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập bên trong, theo đó, với nội tại ngành xi măng, Vicem dự báo tiêu thụ nội địa khó có sự tăng trưởng cao.

Bởi, hoạt động giải ngân đầu tư công tại nhiều địa phương và dự án vẫn còn chậm, thị trường bất động sản dự báo phục hồi, tăng trưởng nhưng chưa thể sớm sôi động trở lại, nguồn cung xi măng tiếp tục vượt xa so với cầu, kênh xuất khẩu cũng khó tăng do áp lực cạnh tranh từ nhiều quốc gia xuất khẩu như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ...

Vicem đặt mục tiêu sản xuất clinker khoảng 17,03 triệu tấn, tăng 3% so với thực hiện năm 2023. Tổng sản lượng tiêu thụ xi măng, clinker khoảng 24,31 triệu tấn, tăng 7,7%, trong đó, tiêu thụ xi măng trong nước khoảng 18,57 triệu tấn, tăng trưởng 5,3% so với thực hiện năm 2023, tổng doanh thu khoảng 29.814 tỷ đồng, giảm 1,2% so với năm 2023.

Về lợi nhuận, lãnh đạo Vicem cho rằng do khó dự đoán về biến động giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào (trong đó giá bán điện có thể tăng tiếp) và cầu xi măng chưa phục hồi, nên các doanh nghiệp trong hệ thống Vicem đang phân tích, đánh giá kỹ lưỡng thông tin và điều kiện thực tế hoạt động, rà soát tiết giảm tối đa các chi phí để xây dựng kế hoạch lợi nhuận ở mức cao nhất có thể.

Hải Yến