Nhiều giải pháp nâng cao đời sống văn hóa ở Triệu Phong

Liên đoàn Lao động huyện Triệu Phong tổ chức giải cầu lông công nhân, viên chức - lao động năm 2023 -Ảnh: N.V

Các trung tâm học tập cộng đồng có đầy đủ thiết bị âm thanh, ánh sáng, bàn ghế, phục vụ nhu cầu hội họp, khánh tiết theo quy định. Hiện toàn huyện có 7 sân bóng đá 7 người và 11 người, 60 sân bóng chuyền đạt chuẩn. Tỉ lệ dân số tham gia tập luyện thể dục - thể thao thường xuyên chiếm khoảng 30%, số gia đình tập luyện thể thao thường xuyên gần 14%.

Cùng với đó, huyện Triệu Phong đầu tư xây dựng Thư viện huyện khang trang, hiện đại, có hơn 8.200 bản sách, 10 bộ máy vi tính có kết nối internet, 1 bộ máy in.

Bên cạnh đó, 7 xã có thư viện xã, 100% trường học có thư viện, mỗi thư viện bình quân khoảng 7.000 cuốn, gồm sách giáo khoa, sách tham khảo, truyện thiếu nhi phục vụ tốt nhu cầu đọc, nghiên cứu ngày càng cao của giáo viên, học sinh và người dân.

Mặt khác, để người dân kịp thời nắm bắt thông tin thời sự, về mảnh đất, con người của quê hương, đất nước, thụ hưởng các dịch vụ giải trí qua viễn thông, internet, các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông triển khai giải pháp để thực hiện.

Nhờ đó, thời gian qua, tất cả các xã trong huyện đều có bưu điện văn hóa xã để tiếp nhận, phát thư, bưu kiện hàng hóa, dịch vụ phục vụ Nhân dân, 100% thôn được cung cấp dịch vụ viễn thông và internet đảm bảo cung ứng đầy đủ dịch vụ điện thoại cố định, di động mặt đất, dịch vụ internet băng rộng đáp ứng tốt nhu cầu của tổ chức, cá nhân tại địa phương. Tỉ lệ phủ sóng di động 2G, 3G đạt 100%, 4G đạt 90%, 5G đạt 10%.

Mạng internet băng rộng cố định đã triển khai cung cấp dịch vụ tới trung tâm các xã. Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% gia đình.

Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đã được triển khai đưa vào sử dụng đến các xã, đã giảm được chi phí, thời gian hội họp, thông tin được truyền đạt nhanh chóng, hiệu quả. 100% xã có hệ thống truyền thanh, có cụm loa phát thanh kết nối đến các thôn, khu dân cư, đáp ứng nhu cầu truyền thông ở cơ sở, phục vụ tốt công tác tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến Nhân dân.

100% xã có ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành, trong đó khu hành chính làm việc các xã có trang bị máy tính kết nối mạng LAN, internet; cán bộ, công chức và bộ phận chuyên môn xã sử dụng hệ thống quản lý văn bản điện tử, phần mềm “một cửa” điện tử và dịch vụ công trực tuyến, hộp thư điện tử công vụ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động trong công việc và đẩy mạnh cải cách hành chính.

Đối với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được các cấp, ngành, địa phương quan tâm triển khai thực hiện. Hằng năm, Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” huyện đã ban hành kế hoạch, văn bản hướng dẫn ban chỉ đạo, ban điều hành cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện có hiệu quả các nội dung của phong trào và đạt chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra. Trong năm 2022, 100% thôn được công nhận thôn văn hóa. Số gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa là 25.260 hộ/25.716 hộ đăng ký, đạt 98,2%.

Công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trên địa bàn được chú trọng. Hiện trên địa bàn huyện có 92 di tích, trong đó có 82 di tích lịch sử, 6 di tích kiến trúc nghệ thuật, 4 di tích khảo cổ; có 2 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, 3 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 78 di tích được xếp hạng cấp tỉnh.

Đến nay, có 48/92 di tích, điểm di tích đã xây dựng công trình, bia di tích. Huyện đã đầu tư để thực hiện công tác định vị cắm mốc và hoàn thành hồ sơ pháp lý cho 33 di tích được phân cấp, thực hiện trùng tu, tôn tạo 12 di tích. UBND huyện Triệu Phong cùng với các cấp, ngành liên quan đẩy nhanh lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích quốc gia “Các địa điểm liên quan đến dinh Chúa Nguyễn (1558- 1626)” tại các xã Triệu Ái, Triệu Giang và thị trấn Ái Tử. Năm 2018, di tích này được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử quốc gia.

Hiện trên địa bàn huyện có 59 di sản văn hóa phi vật thể nằm trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Quảng Trị với nhiều loại hình. Thời gian qua, được sự quan tâm của lãnh đạo huyện, các loại hình văn hóa phi vật thể của huyện được duy trì và phát triển nhằm giữ gìn nét đẹp truyền thống của quê hương như Hội Bài chòi làng Ngô Xá Tây, xã Triệu Trung; Lễ hội chợ Đình Bích La, làng Bích La Đông, xã Triệu Thành, thu hút đông đảo người dân tham gia...

Thời gian tới, huyện Triệu Phong tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới; thường xuyên rà soát, điều chỉnh quy ước của các thôn cho phù hợp với yêu cầu phát triển và quản lý xã hội.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về các hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Nâng cao chất lượng hoạt động của trung tâm văn hóa - thể thao, thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở thông qua hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao. Hằng năm, bố trí một nguồn kinh phí hợp lý để đầu tư trang thiết bị cho các nhà văn hóa, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của Nhân dân...

Nguyễn Vinh