Nhiều vụ lừa đảo qua mạng tinh vi tại Hà Tĩnh

Hoạt động ừa đảo tinh vi

Năm 2023, lực lượng chức năng à Tĩnh phát hiện 57 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong đó có đến 32 vụ xảy ra trên không gian mạng. Công an tỉnh Hà Tĩnh đã đấu tranh, khám phá 23 vụ, bắt giữ 65 đối tượng, triệt xóa 4 đường dây, ổ nhóm với 28 đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Theo Công an tỉnh Hà Tĩnh, đó là số liệu ghi nhận, phá án, nhưng trên thực tế số vụ lừa đảo trên không gian mạng có thể còn nhiều hơn, vì mỗi ngày, mỗi giờ đều có hiện tượng lợi dụng mạng xã hội để hoạt động lừa đảo; có trường hợp bị lừa đảo mất tiền nhưng vì nhiều lý do đã không trình báo.

Chính vì điều này, trong năm qua Công an Hà Tĩnh đã chủ động triển khai nhiều biện pháp ngăn ngừa, đấu tranh và đã bóc gỡ, triệt phá hàng loạt vụ việc.

Rất nhiều đối tượng lừa đảo trên không gian mạng bị Công an Hà Tĩnh bắt giữ, xử lý.

Mới đây nhất, tháng 11/2023, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh đã làm rõ vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” có quy mô toàn quốc.

Theo đó, các đối tượng Nguyễn Phúc Vinh (SN 1999, Long An) và Nhữ Thị Nguyên (SN 1988, Hồ Chí Minh) thu thập, mua trên mạng xã hội hơn 45.000 dữ liệu thông tin cá nhân khách hàng của các công ty tài chính và bán 629.050 dữ liệu thông tin cá nhân khách hàng, thu lợi bất chính số tiền trên 340 triệu đồng.

Nhóm đối tượng mua dữ liệu của Vinh và Nguyên là Đinh Quốc Tuấn (SN 1987, TP Hà Nội), Nguyễn Thị Thắm (SN 1990, TP Hà Nội) và Nguyễn Xuân Tùng (SN 1990, Yên Bái) đã lập các trang web giả mạo có hình thức, giao diện giống trang web ngân hàng và công ty tài chính rồi liên hệ với khách hàng qua các dữ liệu. Khi bị hại có nhu cầu, các đối tượng yêu cầu phải nộp một khoản tiền mới được giải ngân và bị chúng chiếm đoạt.

Với thủ đoạn này, từ tháng 10/2022 đến tháng 3/2023, nhóm đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt của nhiều bị hại trên khắp cả nước với số tiền hơn 10 tỉ đồng.

Công an Hà Tĩnh khởi tố, tạm giam đối tượng Ngô Duy Khánh.

Trước đó, Công an huyện Thạch Hà phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh triệt phá đường dây lừa đảo bằng hình thức bán thực phẩm chức năng qua mạng xã hội của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Khang Thịnh do Ngô Duy Khánh (SN 1995, trú tại Tam Thanh, huyện Vụ Bản, Nam Định) làm tổng giám đốc.

Hoạt động phạm tội khá tinh vi, khi khách mua và sử dụng các sản phẩm của công ty, nhân viên sẽ liên hệ với khách hàng tư vấn đóng một số khoản phí để làm chế độ “bảo hành”. Khi khách hàng đồng ý, nhân viên yêu cầu khách chuyển tiền vào các số tài khoản ngân hàng. Khi bị hại đã chuyển tiền, nhân viên tư vấn tiếp tục đưa ra nhiều lý do để khách tin rằng mình đã được làm hồ sơ “bảo hành” và yêu cầu khách chuyển thêm tiền.

Trên thực tế, không có việc làm hồ sơ “bảo hành” hay hoàn lại tiền mua sản phẩm “bảo hành” cho khách hàng, số tiền mà khách đã chuyển sẽ được các nhân viên hợp thức hóa bằng các đơn hàng.

Với phương thức trên, từ đầu năm 2022 đến nay, công ty của Ngô Duy Khánh đã lừa đảo hàng nghìn bị hại trên cả nước, chiếm đoạt số tiền trên 100 tỉ đồng.

Nhận diện thủ đoạn, quyết tâm đấu tranh, ngăn chặn kịp thời

Theo Công an tỉnh Hà Tĩnh, các thủ đoạn mà đối tượng, nhóm đối tượng thường xuyên sử dụng để lừa người dân, chiếm đoạt tiền như lập tài khoản mạo danh hoặc chiếm quyền truy cập tài khoản mạng xã hội rồi nhờ người thân, người quen chuyển tiền; tuyển cộng tác viên bán hàng online; kêu gọi đầu tư chứng khoán, ngoại hối; mời cài đặt app qua đường link có chứa mã độc; thông báo trúng thưởng, thông báo nhận quà từ nước ngoài; giả danh cơ quan thực thi pháp luật, cán bộ cơ quan Nhà nước, nhân viên ngân hàng để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản..

Đại tá Nguyễn Hồng Phong - Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh cho hay: Trước tình hình đó, Công an tỉnh Hà Tĩnh xác định việc phòng ngừa, triệt phá, bóc gỡ là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá nên đã tập trung huy động các nguồn lực, triển khai nhiều biện pháp đấu tranh.

Công an Hà Tĩnh lấy lời khai đối tượng có hành vi lừa đảo qua mạng xã hội.

Công an tỉnh Hà Tĩnh đã chủ động báo cáo Bộ Công an cho tuyển chọn 3 chuyên gia về công nghệ thông tin vào ngành; tổ chức nhiều hội nghị, hội ý nghiệp vụ, đánh giá, nhận diện về thủ đoạn lừa đảo qua không gian mạng và mở các đợt cao điểm phòng, chống tội phạm trên không gian mạng.

Ngoài ra, lý giải về tình trạng lừa đảo qua không gian mạng có dấu hiệu “nở rộ”, Công an tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, ngoài thủ đoạn của các đối tượng, nhóm đối tượng ngày càng tinh vi, phức tạp, đánh trúng vào tâm lý hám lợi, muốn thoát nghèo, làm giàu nhanh chóng của một bộ phận bị hại, việc người dân chủ quan, mất cảnh giác, thiếu hiểu biết, thiếu ý thức tự bảo vệ thông tin cá nhân; công tác quản lý Nhà nước còn bất cập; tình trạng “sim rác”, tài khoản ngân hàng không chính chủ còn nhiều.

Việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn ra nhanh chóng nhưng việc điều tra, làm rõ lại mất nhiều thời gian, công sức; các đối tượng lừa đảo cư trú ở nhiều tỉnh, thành, thậm chí ở nước ngoài; trang thiết bị để phục vụ công tác đấu tranh với loại tội phạm này còn có mặt hạn chế.

Đại tá Nguyễn Hồng Phong cho biết: Công an tỉnh Hà Tĩnh đã mở đợt cao điểm phòng ngừa, đấu tranh tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng từ nay đến ngày 15/6/2024. Tiếp tục tập trung tuyên truyền giúp người dân nhận diện phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm; thành lập tổ tác chiến, phản ứng nhanh, thiết lập đường dây nóng để hướng dẫn, giải đáp cho người dân về các thủ đoạn lừa đảo qua mạng; ứng dụng hiệu quả Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để triển khai các mặt công tác đảm bảo quán xuyến, kiểm soát tình hình, “không đi sau tội phạm”.

Tăng cường phối hợp các ngành như Sở TT&TT, ngân hàng khắc phục sớm những sơ hở cho tội phạm lợi dụng hoạt động (tình trạng “sim rác”; mua bán trái phép tài khoản ngân hàng...) và đề xuất lãnh đạo tỉnh hỗ trợ kinh phí đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm lừa đảo qua mạng.

P.V