Nhìn lại văn hóa ứng xử

Gần đây dư luận “dậy sóng” vụ một chủ một doanh nghiệp, đại biểu HĐND một tỉnh đánh nữ nhân viên sân golf đến nhập viện, hay vụ một thanh niên khi đi làm từ thiện đã dùng những từ ngữ thô lỗ miệt thị người nghèo…

Tạo nét ứng xử văn minh, lịch sự nơi công cộng. Ảnh: L.Viên

Những vụ việc tuy diễn ra ở địa điểm khác nhau, hoàn cảnh cũng như đối tượng cũng khác, nhưng có một điểm chung đó đều là những lối hành xử xấu xí, đi ngược lại với lối sống nhân ái, tử tế, truyền thống của dân tộc cũng như chuẩn mực xã hội.

* Hành xử thiếu tử tế, thậm chí vô văn hóa

Vụ việc ông N.V.D. đánh nữ nhân viên sân golf tại một sân golf ở Đà Nẵng nhập viện đang được các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ nhưng đã tạo nên làn sóng phẫn nộ trong dư luận về hành vi mang tính chất côn đồ, vô văn hóa của ông này.

Nhiều ý kiến cho rằng bên cạnh việc xử lý nghiêm, đúng quy định của pháp luật thì cần xem xét tư cách đạo đức, cũng như tư cách đại biểu nhân dân của ông D. Hiệp hội Golf Việt Nam cũng đã có thông báo tạm đình chỉ thi đấu tại tất cả các giải đấu do hiệp hội tổ chức hoặc bảo trợ, đồng thời tạm dừng cung cấp dịch vụ Vhandicap (hệ thống tính điểm chấp cho người chơi golf) đối với ông D. Hành vi bạo lực của ông D., dù dưới hình thức nào đối với người khác - vốn dĩ bình đẳng như nhau - lại đang phục vụ ông ấy là không thể chấp nhận; lại diễn ra với phụ nữ càng cho thấy tính vô văn hóa trong ứng xử.

Sự việc diễn ra trên sân golf - nơi được mặc định dành riêng cho giới thượng lưu cho thấy, chơi golf không chỉ cần tiền, kỹ năng mà còn cần có cả tinh thần thượng tôn pháp luật và lối sống có văn hóa. Đó là cách cư xử chừng mực, tôn trọng, lịch thiệp đối với người khác, nhất là người đang phục vụ mình, phụ nữ… dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Cách đó không lâu, tiktoker Nờ Ô Nô đã bị Sở TT-TT TP.HCM phạt 7,5 triệu đồng bởi cách cư xử thiếu chuẩn mực, thô lỗ, miệt thị người nghèo, xúc phạm người lớn tuổi trong một video của mình. Cụ thể trong clip người này dùng những từ ngữ bị cho là xúc phạm như: “Hello bà già nghèo khổ giữa trời đông cô đơn”, “Nghèo mà còn chê đồ ăn nữa, vậy thôi khỏi ăn”, “Chúc bà nhiều sức khỏe, vượt qua mùa đông cô đơn nghèo khổ, bớt nghèo lại đi nha, không ai giúp hoài đâu”…

Bên cạnh mức phạt 7,5 triệu đồng thì cái giá mà tiktoker này phải trả cho những ứng xử vô văn hóa của mình chính là bị cộng đồng mạng quay lưng, kêu gọi tẩy chay. Tài khoản với hơn 600 ngàn lượt theo dõi trên TikTok này cũng đã bị khóa và nhận lại vô số những chỉ trích từ cộng đồng. Chỉ vì “câu view”, “câu like” tiktoker này bất chấp các quy tắc ứng xử, đạo đức khi tham gia các hoạt động trên không gian mạng. Đây cũng chính là bài học cho những người sáng tạo nội dung trên không gian mạng bởi người dùng cũng có những “bộ lọc” của riêng mình để loại bỏ những nội dung “bẩn”, trái với thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội.

Trước đó, trên mạng xã hội cũng xuất hiện video clip một thanh niên vô tư nói to, nói nhiều, nói luyên thuyên để bàn luận một chủ đề thông qua mạng xã hội trên khoang máy bay - một không gian công cộng.

Hay clip về hành trình máy bay cất cánh, trào lưu “săn mây” trên máy bay, tạo dáng gần máy bay đang di chuyển hay thậm chí một tiktoker còn ngồi xổm trên băng chuyền hành lý một cách ung dung mặc cho những ánh mắt, những cái lắc đầu ngán ngẩm của mọi người xung quanh. Những trào lưu, hành động trên không chỉ gây nguy hiểm, mất an toàn bay mà còn cho thấy cách ứng xử xấu xí, quái gở nơi công cộng.

* Nhân lên cách sống tử tế, văn minh

Việt Nam là một dân tộc coi trọng nghĩa tình. Khi đặt trong tương quan so sánh các phạm trù: lý - tình, văn - võ…, ông bà ta thường chọn tình nghĩa, nhân văn, như Một bồ cái lý không bằng một tí cái tình, trong văn thì phải Tiên học lễ, hậu học văn - trước nhất phải học cách ứng xử lễ giáo, coi trọng ý tứ trong xưng hô, lời nói, kính ngữ, trong đối đãi phải kính trên nhường dưới, sau đó mới học văn hóa.

Cộng đồng mạng đồng lòng lên tiếng tẩy chay “nội dung bẩn”. Ảnh: TTXVN

Cũng chính truyền thống nhân ái, tốt đẹp đã tạo nên bản sắc văn hóa của dân tộc, từ đó trở thành sức mạnh nội sinh, được gìn giữ, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cũng vì Thương người như thể thương thân, Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ, Lá lành đùm lá rách… mà biết bao đợt hỗ trợ, từ thiện xã hội được huy động với nguồn lực lớn sẻ chia với đồng bào vượt qua những khó khăn, mất mát trong cơn thiên tai, dịch bệnh, hay lâm vào những hoàn cảnh khốn khó.

Xuất phát từ việc trao gửi, giúp đỡ nhân đạo, nhưng theo bà Đỗ Thị Phước Thiện, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, việc từ thiện không đơn giản, không dễ làm. Bởi lẽ, ngoài lý do làm việc thiện phải có tinh thần trách nhiệm cao, phải có sức khỏe, thì còn phải xuất phát từ cái tâm. Bà Đỗ Thị Phước Thiện nhấn mạnh rằng, từ thiện là việc trao tặng đối với những hoàn cảnh khó khăn, không phải là bố thí. Của cho không bằng cách cho, làm sao người đi làm từ thiện phải thể hiện sự trân trọng đối với người nhận, dù hiện vật, hiện kim có thể không lớn nhưng tấm lòng của người tặng, người trao dành cho người nhận phải lớn để từ đó góp phần động viên người bất hạnh vượt qua nỗi đau, khó khăn, nâng đỡ tinh thần của họ.

Trong sự phát triển của cuộc sống hiện đại, cũng như quá trình toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, người Việt lại tiếp nhận, cập nhật thêm nhiều lối ứng xử văn minh, phù hợp với việc xây dựng con người trong thời đại mới. Một lối ứng xử văn minh tiêu biểu đó là không xả rác, phóng uế, hút thuốc lá… nơi công cộng.

Hay như hành động giữ im lặng, nói khẽ nơi công cộng, quy tắc xếp hàng, không chen lấn khi sử dụng dịch vụ, tránh lạm dụng còi xe khi tham gia giao thông, ăn mặc kín đáo khi vào cơ sở thờ tự, lấy thức ăn vừa đủ dùng khi sử dụng buffet, nói lời cảm ơn với người phục vụ mình trong tiệm ăn - quán nước… cũng được người dân tiếp nhận và thực hành rộng rãi trong đời sống hàng ngày.

* Sức mạnh từ cộng đồng, dư luận

Thời gian qua, việc khuyến khích, động viên, lan tỏa, nhân lên những hành vi đẹp; đồng thời tỏ rõ thái độ phê bình dứt khoát, lên tiếng phản đối, thậm chí tẩy chay những hành vi ứng xử xấu xí, vô văn hóa, đi ngược lại với truyền thống tốt đẹp của dân tộc… đã tạo nên một làn sóng, sức mạnh dù vô hình nhưng rất mạnh mẽ của cộng đồng xã hội.

Rõ ràng, những ai đi ngược lại với xu hướng tiến bộ, văn minh, đi ngược lại với truyền thống dân tộc thì ngoài bị xử lý theo quy định của pháp luật (nếu có) thì còn bị cộng đồng, dư luận có cái nhìn thiếu thiện cảm, quay lưng và lên án.

Lâm Viên -Nhật Hạ