Nhịp đập năng lượng ngày 9/8/2023

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Bất chấp rủi ro chiến tranh, châu Âu vẫn tích trữ khí đốt ở Ukraine

Các thương nhân châu Âu đã bắt đầu dự trữ khí đốt tự nhiên ở Ukraine để tận dụng mức giá thấp và công suất sẵn có ở đó, bất chấp rủi ro từ cuộc chiến đang diễn ra, ba thương nhân và quan chức các doanh nghiệp cho biết.

Các thương nhân cho biết việc dự trữ ở Ukraine, ngoài lãnh thổ Liên minh châu Âu (EU), nhằm tận dụng mức giá rẻ hơn so với các đợt giao hàng trong tương lai. Tập đoàn Séc EPH nói với Reuters rằng quyết định sử dụng kho lưu trữ của Ukraine cũng là một dấu hiệu của sự tin tưởng vào nước này.

Lượng khí lưu trữ ở Ukraine có thể được mua ở bất cứ đâu và được bơm thông qua các đường ống dẫn khí từ Hungary, Ba Lan và Slovakia. Đường ống vận chuyển khí đốt của Nga từ Ukraine đến Slovakia tại biên giới Velke Kapusany đã đạt 10 triệu m3/ngày kể từ tháng 7/2023. Dòng chảy từ Slovakia đến Ukraine cũng bắt đầu vào tháng 8 qua điểm Budince, với khối lượng hàng ngày khoảng 17 triệu m3.

Ukraine tăng cường sản xuất điện hạt nhân trong mùa đông

Ngày 8/8, Nhà điều hành Năng lượng Nguyên tử Ukraine Energoatom cho biết các nhà máy điện hạt nhân của Ukraine dự kiến hoạt động hết công suất vào mùa đông để cung cấp điện cho nước này.

Phát biểu với báo giới, Giám đốc Energoatom, ông Petro Kotin, cho biết công ty sẽ cung cấp toàn bộ năng lượng có sẵn cho lưới điện quốc gia, đồng thời thông báo 3 nhà máy điện gồm 9 lò phản ứng sẽ hoạt động hết công suất vào mùa Đông. Trong đó, 4 lò phản ứng đang được sửa chữa dự kiến đi vào hoạt động trước tháng 11 tới, với tổng công suất gần 7.600MW.

Ông Kotin đưa ra tuyên bố này trong bài phát biểu tại nhà máy Yuzhnoukrainsk ở miền Nam Ukraine để đánh dấu việc đưa vào hoạt động trở lại 1 trong 3 lò phản ứng của nhà máy, với mỗi lò có công suất 1.000MW.

Sản lượng dầu thô Mỹ sẽ tăng lên mức cao kỷ lục trong năm nay

Sản lượng dầu thô của Mỹ dự kiến sẽ tăng 850.000 thùng/ngày lên mức kỷ lục 12,76 triệu thùng/ngày vào năm 2023, theo báo cáo hằng tháng từ Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) hôm thứ Ba 8/8. Ngoài ra, dữ liệu của EIA cho thấy sản lượng dầu thô dự kiến sẽ tăng 330.000 thùng/ngày lên 13,09 triệu thùng/ngày vào năm 2024.

Sản lượng kỷ lục gần đây nhất là 12,3 triệu thùng/ngày vào năm 2019, trước khi đại dịch Covid-19 đè bẹp nhu cầu và giá cả, do đó các công ty khoan bị ảnh hưởng bởi chi phí cao hơn làm giảm tỷ suất lợi nhuận và nhà đầu tư hạn chế chi tiêu.

EIA đã đảo ngược dự báo về thâm hụt nguồn cung trên thị trường dầu mỏ toàn cầu vào năm 2023, vì cơ quan này hiện kỳ vọng sản lượng của các nước ngoài OPEC và OECD sẽ tăng mạnh hơn so với trước đó. Tháng trước, EIA dự báo rằng mức tiêu thụ xăng dầu thế giới sẽ vượt sản lượng trong năm nay. Trong thị trường khí đốt tự nhiên, khai thác và nhu cầu của Mỹ sẽ tăng lên mức cao kỷ lục vào năm 2023, EIA cho biết trong cùng một báo cáo.

Các “ông lớn” dầu khí thiệt hại lớn nhất sau khi rút khỏi Nga

Theo phân tích của tạp chí Financial Times, ngành công nghiệp dầu mỏ, trong đó có các tập đoàn BP, Shell và TotalEnergies, là ngành chịu tổn thất tài chính lớn nhất khi rời khỏi Nga. Trong tổng số thiệt hại khoảng 110 tỷ USD, khoản tổn thất của các “ông lớn” dầu khí chiếm khoảng 40%. Tiếp theo là ngành tiện ích, chiếm hơn 15% tổng thiệt hại.

BP năm ngoái đã chịu thiệt hại 24 tỷ USD đối với hoạt động kinh doanh tại Nga sau khi rời khỏi đất nước này. Trong khi đó, Shell đã báo cáo sụt giảm 5 tỷ USD khi rút khỏi Nga vào năm ngoái. Đầu năm nay, TotalEnergies cho biết họ sẽ phải chịu khoản lỗ khoảng 4,1 tỷ USD vì quyết định từ bỏ thị trường Nga. Theo tính toán của Financial Times, tổng thiệt hại của TotalEnergies khi rời Nga là 14,8 tỷ USD.

BP, Shell và Total đã ghi nhận những khoản lỗ lớn nhất đối với các hoạt động kinh doanh tại Nga vì quy mô tiếp xúc với ngành dầu khí địa phương. Tuy nhiên, giá dầu và khí đốt cao kỷ lục đã bù đắp cho những tổn thất đó khi. Cả ba tập đoàn đã ghi nhận tổng cộng 104 tỷ USD tiền lãi - cao gấp 2,5 lần so với chi phí tổn thất khoảng 40 tỷ USD.

H.T (t/h)